Vòng xoáy của nền kinh tế ít chạm

Lâm Bình Bảo, Tổng giám đốc B Coaching - 10:49, 03/08/2020

TheLEADERThuật ngữ “kinh tế ít chạm” mô tả cách thức vận hành của thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Có một sự thật không thể phủ nhận là Covid-19 đã, đang và sẽ biến đổi thế giới với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Thế giới của chúng ta sẽ không còn như trước nữa, vì thế mong muốn mọi chuyện sẽ trở lại như xưa là hy vọng hão huyền! 

Điều mà các doanh nghiệp cần phải làm để tồn tại, duy trì và phát triển là thấu hiểu hiện tại, đánh giá khả năng thích ứng của mình và nhanh chóng vạch ra con đường đi mới.

Vòng xoáy của nền kinh tế ít chạm
Lâm Bình Bảo, Tổng giám đốc B Coaching

Trong bài viết trước, tôi đề cập đến một nền kinh tế mới đang định hình trong trạng thái bình thường mới “nền kinh tế ít chạm” (Low touch economy). 

Nền kinh tế này được hình thành nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội khi tuân thủ những quy định về an toàn của chính quyền và thích nghi với những hành vi mới như giãn cách xã hội, an toàn vệ sinh, hạn chế tiếp xúc vật lý, hạn chế đi lại.

Thuật ngữ “kinh tế ít chạm” mô tả cách thức vận hành của thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Thị trường sẽ vận hành dựa vào 3 thành phần đan xen, phụ thuộc lẫn nhau và liên tục thay đổi tùy theo mức độ và tần suất bùng phát của đại dịch vào những thời điểm khác nhau. Chúng được gọi là 3 thành phần của vòng xoáy kinh tế ít chạm.

Thành phần thứ nhất là “các biện pháp an toàn y tế”. Các biện pháp này được thực thi thông qua các giải pháp ít chạm, giảm tiếp xúc vật lý như giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập, hạn chế di chuyển... để bảo đảm an toàn cho con người.

Thành phần thứ hai là “hành vi thay đổi”, do bảo đảm an toàn nên chúng ta thay đổi cách tiếp xúc với nhau.

Thành phần thứ ba là “sự phá vỡ của nền kinh tế” nền kinh tế bị biến đổi, phá vỡ do tiến hành các biện pháp giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng ở tầm vĩ mô và vi mô.

Các biện pháp an toàn về y tế sẽ có tác động lớn đến sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và sự phá vỡ của nền kinh tế. Các biện pháp an toàn y tế càng kéo dài, tác động càng lớn. Các thành phần khác sẽ phản ứng tương ứng và tạo nên vòng xoáy.

Vòng xoáy này được vận hành như sau: Do nền kinh tế bị phá vỡ nên thu nhập của rất nhiều người bị giảm, điều này ảnh hưởng đến mức chi tiêu. Cộng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng nên xuất hiện những nhu cầu mới. Do đó các sản phẩm mới được tăng tốc phát triển.

Con người là tác nhân chính tiếp tục làm lây lan virus dẫn đến việc tăng cường các biện pháp an toàn y tế. Các biện pháp này được tăng cường nhằm bảo vệ mạng sống con người. Điều này khiến hành vi của con người thay đổi.

Người tiêu dùng sẽ tham gia vào nền kinh tế khi họ cảm thấy an toàn từ việc tuân thủ các biện pháp an toàn y tế.

Chúng ta đã từng kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi theo kịch bản chữ V. Theo đó dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, nền kinh tế sẽ quay trở lại như trước trong vòng 6 tháng, người tiêu dùng sẽ mở hầu bao chi tiêu cùng với các gói kích thích kinh tế của chính phủ. 

Tuy nhiên đợt bùng phát trở lại tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7 đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi về kịch bản phục hồi. Nhiều khả năng sẽ là kịch bản hồi phục hình chữ U hoặc W.

Khi ưu tiên số một vẫn là sức khỏe thì phục hồi nền kinh tế là ưu tiên số 2. Đến bây giờ có thể khẳng định quá trình phục hồi sẽ kéo dài, gập ghềnh và chậm chạp. Quá trình này dao động lên xuống tùy theo sự bùng phát tiếp theo của bệnh dịch.

Nói tóm lại, môi trường chắc chắn sẽ không ổn định ít nhất trong 1-2 năm. Các doanh nghiệp không thể chờ tình hình ổn định mà cần phải nhanh chóng thích nghi. Để thích nghi các doanh nghiệp cần phải đánh giá mức độ sẵn sàng của mình trong trạng thái bình thường mới.

Có 10 yếu tố để đánh giá mức độ liên quan của doanh nghiệp khi tham gia vào nền kinh tế ít chạm: Đầu tiên, mức độ tiếp xúc của người lao động. Đó là mức độ tiếp xúc vật lý giữa người lao động trong doanh nghiệp nhằm vận hành các hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, mức độ tiếp xúc với khách hàng. Đó là mức độ tiếp xúc vật lý giữa người lao động của doanh nghiệp với khách hàng nhằm tiến hành các hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, không gian hoạt động nội bộ. Để hoàn thành công việc, người lao động cùng ở trong một không gian trong nhà hay không?

Thứ tư, không gian tương tác với khách hàng: khách hàng tương tác với doanh nghiệp trong cùng một không gian trong nhà.

Thứ năm, tụ tập người lao động: Mức độ làm việc theo nhóm của người lao động để hoàn thành công việc.

Thứ sáu, khách hàng tụ tập: khách hàng có phải tụ tập với nhau để sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp?

Thứ bảy, di chuyển: Người lao động hoặc/và khách hàng có phải di chuyển từ xa hay không.

Thứ tám, chuỗi cung ứng: Mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng. Nếu chuỗi cung ứng nội địa thì mức độ phụ thuộc thấp hơn chuỗi cung ứng quốc tế.

Thứ chín, nhu cầu: Nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp có liên quan như thế nào đến khủng hoảng y tế.

Thứ mười, các rủi ro khác: Người lao động hoặc/và khách hàng liên quan như thế nào đến các nhóm người có khả năng bị ảnh hưởng lây nhiễm cao. Ví dụ: nhân viên y tế, người lớn tuổi, tiếp xúc nhiều với đám đông

Mức độ liên quan càng thấp càng tốt. Khi mức độ liên quan thấp thì doanh nghiệp có thể dễ dàng tham gia vào nền kinh tế ít chạm và có khả năng thành công cao. Với mức độ liên quan trung bình thì doanh nghiệp cần phải thiết kế lại hệ thống vận hành của mình. Nếu mức độ liên quan cao thì doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình kinh doanh triệt để để có thể tồn tại, duy trì và phát triển.

Khi đánh giá mức độ liên quan doanh nghiệp có thể hình dung khả năng sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi kinh doanh mới. Bước kế tiếp là xây dựng chiến lược thích nghi trong ngắn hạn và chiến lược phát triển trong trung dài hạn bằng ma trận tác động chiến lược mà tôi sẽ trình bày trong các bài viết sau.

Có người thắng, kẻ thua trong đại dịch Covid-19. Nhưng lại có rất nhiều cơ hội kinh doanh đang chờ đón. Chỉ cần doanh nghiệp hiểu rõ bối cảnh, biết tận dụng sự thay đổi trong hành vi khách hàng và phát huy năng lực thì doanh nghiệp có thể từ kẻ thất bại trở thành người chiến thắng.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Lâm Bình Bảo -  Tổng giám đốc B Coaching