Xuất khẩu bứt phá, ngành thủy sản vẫn ‘đau đầu’

Nhật Hạ - 10:39, 13/08/2022

TheLEADERHiện hai khâu quan trọng nhất của doanh nghiệp thủy sản gồm chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường, theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận con số kỷ lục khi đạt kim ngạch xuất khẩu 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức hồi phục nhanh nhất trong 20 năm qua.

Trong đó có những mặt hàng đặc biệt như cá tra – mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng qua.

Trước tín hiệu đáng mừng này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, trong năm nay, ngành thủy sản Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng khoảng 12 – 15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 86%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.

Doanh nghiệp thủy sản ‘đau đầu’ vì các quy chuẩn về môi trường
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, bối cảnh những tháng cuối năm đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Tình trạng lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản Việt, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi khi chi phí cho thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70% (chi phối lớn lên giá thành sản phẩm), điều này dẫn đến nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh.

Do vậy, tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP đã kiến nghị các cơ quan chức năng gỡ vướng về giá nguyên liệu đầu vào, tín dụng, tiêu chuẩn liên quan đến môi trường để ngành thủy sản phát triển bền vững.

Trong đó, đại diện hiệp hội nhấn mạnh doanh nghiệp thủy sản đang chịu thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững.

Cụ thể, hiện ngành hàng có hai khâu quan trọng nhất gồm chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường.

Trong xu hướng phát triển bền vững, hoạt động của doanh nghiệp thủy sản ‘bị vướng’ bởi quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra. Quy chuẩn này không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác, với rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh…

Do đó, hiệp hội mong Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét có quy chuẩn riêng cho lĩnh vực này, ông Nam rêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề về quy chuẩn xử lý nước thải đã tồn tại nhiều năm, các doanh nghiệp đã kêu rất nhiều. Theo đó, Nhiều doanh nghiệp nói rằng tiêu chuẩn đầu ra còn khắt khe hơn tiêu chuẩn đầu vào.

Do đó, ông Hoan cho rằng cần phải họp về vấn đề này giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ để phân tích và quyết lại vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết “khi theo các FTAs, các công ước tham gia và Luật Bảo vệ môi trường 2020, vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta phải hài hòa được hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí để tham gia thương mại toàn cầu, vượt qua các hàng rào thương mại”.

Ông Hà nêu rõ bộ luôn đồng hành với doanh nghiệp nhưng có một vấn đề cần lưu ý. Đó là nếu Việt Nam không có được tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với các thị trường khác về môi trường thì sẽ khó khăn, và phát sinh các hàng rào như về biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác nữa.

“Môi trường và chất lượng sản phẩm về môi trường của Việt Nam phải hài hòa với các thị trường chúng ta trao đổi, làm ăn”, ông Hà nhấn mạnh.