CEO ngân hàng Nhật: Việt Nam cần minh bạch doanh nghiệp để thúc đẩy cổ phần hóa

12:29, 16/11/2017

TheLEADER"Cải cách DNNN là đặc biệt quan trọng và sẽ là chìa khoá thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam".

CEO ngân hàng Nhật: Việt Nam cần minh bạch doanh nghiệp để thúc đẩy cổ phần hóa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ngân hàng Sumitomo Banking Corporation (SMBC). (Ảnh VGP/Quang Hiếu).

TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn với ông Shosuke Mori - Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng Sumitomo Banking Corporation (SMBC), Nhật Bản - một trong những ngân hàng Nhật đang hoạt động tích cực tại Việt Nam xung quanh câu chuyện cổ phần hóa DNNN.

Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, theo ông lý do là gì?

Theo một khảo sát các công ty Nhật Bản do JETRO tiến hành năm ngoái, Việt Nam là thị trường hấp dẫn thứ ba sau Trung Quốc và Thái Lan, là nơi mà họ muốn mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đến từ 6 yếu tố chính: lợi thế về nhân khẩu học, nguồn nhân lực dồi dào, lợi thế về địa lý, môi trường kinh doanh mở và thuận lợi cho các công ty nước ngoài, sự tương đồng văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản, và môi trường chính trị và kinh tế ổn định.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, động lực thương mại cũng đã phát triển mạnh mẽ. Thặng dư thương mại của Việt Nam cho thấy quốc gia này đã trở thành một phần thiết yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tăng hơn 10 lần trong hai thập kỷ qua, đạt khoảng 30 tỷ USD vào năm 2016.

Bên cạnh đó, khu vực DNNN chiếm khoảng 30% GDP ở Việt Nam. Số DNNN mà chính phủ sở hữu trên 50% đã giảm từ 4.000 xuống còn 2.800 trong 10 năm qua sau những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Đây chính là những điểm quan trọng thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại các DNNN. Ông nhận định thế nào về điều này?

Tôi cho rằng cải cách DNNN là đặc biệt quan trọng và sẽ là chìa khoá thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Các DNNN chính là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, và với những cải cách này, tôi tin rằng sẽ giúp chuyển đổi ngành công nghiệp trong nước.

Việc cổ phần hóa các DNNN và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực cụ thể sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hoạt động thương mại của Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Thặng dư thương mại của Việt Nam cho thấy đất nước các bạn đã trở thành một phần thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tôi đánh giá rất cao đường hướng chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và sẵn sàng ủng hộ sự phát triển đó. Chúng tôi mong muốn được có cơ hội làm việc chặt chẽ với chính phủ để giúp thực hiện những chuyển đổi này.

Từ quan điểm chuyên môn của mình, ông có gợi ý nào cho Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy quá trình cải cách DNNN?

Tôi nghĩ trước hết, các doanh nghiệp cần phải nâng cao tính minh bạch của hoạt động kinh doanh của mình, minh bạch hóa bảng cân đối kế toán và chính sách thuế.

Các cơ quan chức năng cũng cần phải hợp lý hóa các thủ tục hành chính. Đây là vấn đề khó khăn hàng đầu đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, theo khảo sát mà chúng tôi tiến hành vào năm nay.

Chúng tôi, tất nhiên, cũng nhận thấy rằng các thủ tục hành chính phức tạp là vấn đề phổ biến ở nhiều quốc gia và không chỉ ở riêng Việt Nam. Điều này có nghĩa là, nếu Chính phủ Việt Nam có thể tinh giản được các thủ tục pháp lý, khả năng cạnh tranh của thị trường Việt Nam sẽ được tăng cường hơn nữa.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực và sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình cải cách dưới sự lãnh đạo của Chính phủ để Việt Nam có thể vượt qua được những thách thức này.

Xin cảm ơn ông!