Cổ phần hóa Công ty Giày Sài Gòn: Có là “Hãng phim truyện” thứ 2?

Thạch Miên - 09:28, 13/11/2017

TheLEADERTrường hợp của Công ty CP Giày Sài Gòn sẽ là một bài học đắt giá cho quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM.

Cổ phần hóa Công ty Giày Sài Gòn: Có là “Hãng phim truyện” thứ 2?
Hàng trăm công nhân Giày Sài Gòn đến công ty đòi nợ và yêu cầu công khai số tiền cho Thành Bưởi thuê đất tại trụ sở 418 Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM. Ảnh: Thạch Miên

Cuối năm 2015, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này thành công. Những tưởng việc này sẽ đem lại ý nghĩa cao đẹp của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giúp doanh nghiệp phát triển hơn, đời sống việc làm của công nhân được đảm bảo và tốt hơn; nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn các cổ đông chi phối đã cho hơn 500 công nhân nghỉ việc, chỉ còn 16 nhân viên.

CPH xong hàng trăm công nhân mất việc

Trường hợp của Công ty CP Giày Sài Gòn sẽ là một bài học đắt giá cho quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM. Cụ thể Công ty CP Giày Sài Gòn là doanh nghiệp nhà nước được CPH, tiền thân là Công ty Giày Ba Ta thuộc Bộ Công nghiệp cũ. Công ty được sử dụng hơn 10.000 m2 đất tại số 419 Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM. Theo hợp đồng thuê của Nhà nước, kế thừa từ Công ty Giày Ba Ta, giá thuê đất hàng năm để làm văn phòng, nhà xưởng sản xuất giày dép, túi xách công ty này phải trả cho Nhà nước là 100.000 đồng/m2. Quả là một mức giá thuê không tưởng cho khu đất vàng đã được áp dụng từ năm 2007 và giữ nguyên suốt 10 năm qua!

Vào cuối năm 2015, doanh nghiệp này thực hiện việc thoái vốn của Nhà nước thành công. Những tưởng việc thoái vốn sẽ đem lại ý nghĩa cao đẹp của CPH doanh nghiệp nhà nước, giúp doanh nghiệp phát triển hơn, đời sống việc làm của công nhân được đảm bảo; nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn cổ đông mới đã cho hơn 500 công nhân nghỉ việc, toàn bộ công ty chỉ còn 16 nhân viên.

Sau khi công nhân nghỉ, nhóm cổ đông mới tiến hành thanh lý, bán máy móc và cho thuê miếng đất gồm 3 mặt tiền đường. Công ty tiến hành phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, nhưng số tiền này lại được ưu tiên dùng để trả nợ ngân hàng vì sợ bị siết nợ và trả nợ thuế.

Như vậy hậu của CPH đối với Công ty CP Giày Sài Gòn là hàng trăm công nhân nhân gắn bó cả đời với công ty nay ra đường vì mất việc. Không chỉ mất việc, công nhân còn bị công ty nợ tiền trợ cấp phải đi đòi suốt gần hai năm qua, cho đến khi nộp đơn ra toà mới được công ty trả đủ.

Trụ sở Công ty CP Giày Sài Gòn tại đường Lê Hồng Phong, Q10, TPHCM có diện tích hơn 10.000m2. Ảnh. TM

Ai chi phối hoạt động của Giày Sài Gòn?

Qua tìm hiểu, Công ty Giày Sài Gòn có 16 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tuy nhiên báo cáo tài chính năm 2016, nguồn vốn tạo thành vốn chủ sở hữu gồm có khoản phải trả 1,2 tỷ cho Công ty Thành Bưởi và 9,2 tỷ đồng phải trả cho ông Lê Đức Thành là Giám đốc Công ty Thành Bưởi. Như vậy tổng số nợ giữa Công ty Giày Sài Gòn và ông Lê Đức Thành là 10,4 tỷ, chiếm 65% vốn điều lệ. Điều này cho thấy sau khi CPH xong, Công ty CP Thành Bưởi đã “đương nhiên” nắm quyền chi phối.

CPH để sau đó tạo động lực cho thu hút, huy động các nguồn lực của xã hội là điều cực kỳ cần thiết và đáng kích lệ. Tuy nhiên theo các chuyên gia vấn đề quyền và nghĩa vụ của người lao động trong doanh nghiệp sau khi CPH cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trường hợp của Công ty CP Giày Sài Gòn lại hoàn toàn ngược lại. Công ty CP Giày Sài Gòn sau khi CPH thì toàn bộ công nhân bị cho nghỉ việc, vì lãnh đạo công ty cho rằng không có đơn đặt hàng và thua lỗ. Nhưng phía công nhân lại cho rằng, đơn đặt hàng đã có sẵn tới năm 2016 thậm chí là tới 2017, nhưng công ty lại cho hết công nhân nghỉ. Hàng loạt công nhân đã lên tiếng cho rằng trước ngày họ nghỉ “đơn đặt hàng đã có hết 2016 và cả năm 2017”.

Mặc dù đã cho hết công nhân nghỉ, bán máy móc nhưng năm 2017 Công ty CP Giày Sài Gòn tiếp tục lên kế hoạch kinh doanh bình thường và kèm theo xin chuyển công năng sử dụng đất. Nhìn vào kế hoạch kinh doanh cho thấy lượng hàng tồn kho của công ty chỉ có 385 triệu mà kế hoạch doanh thu đến 15 tỷ.

Hiện nay đang là những tháng cuối cùng của năm 2017, nhưng công ty chưa có kế hoạch về nhân công và sản xuất, không biết doanh thu sẽ tới từ đâu? Liệu rằng đây có phải chỉ là kế hoạch đối phó kéo dài thời gian được sử dụng đất và để chờ chuyển đổi công năng sử dụng đất? Vậy có hay không việc mua CPH của Công ty CP Giày Sài Gòn cũng chỉ là để hướng tới mục tiêu có được miếng đất vàng ba mặt tiền đường tại quận trung tâm?

Hãng phim Truyện có bị thâu tóm đất vàng?

Chính phủ mới đây đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sau hàng loạt các lùm xùm của hậu cổ phần hóa của hãng phim này. Đặc biệt là những bức xúc nảy sinh giữa chủ mới của hãng phim là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) với đội ngũ người lao động là tập thể các diễn viên, nghệ sĩ của Hãng phim Truyện Việt Nam, về định hướng hoạt động của hãng phim trong tương lai và giải quyết chế độ việc làm cho người lao động.

Sự thật là Vivaso với chỉ 32,5 tỷ đồng bỏ ra đã chiếm tỷ lệ sở hữu tới 65% tổng giá trị Hãng phim Truyện Việt Nam khi cổ phần hóa, trở thành cổ đông chính; trong khi Hãng phim truyện Việt Nam với thương hiệu đứng đầu trong lĩnh vực điện ảnh nước nhà nhiều chục năm nay, đang nắm giữ (được thuê với giá ưu đãi) 5.000m2 đất vàng ở sát hồ Tây, 7.000m2 đất ở Cổ Loa (được định giá thị trường lên đến hàng ngàn tỷ đồng). Sự việc này đặt ra nghi vấn mục tiêu cuối cùng của Vivaso là thu tóm đất vàng chứ không phải phát triển sự nghiệp điện ảnh.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét: “Chính phủ phải quyết định thanh tra quá trình CPH là hiếm. Vì trên thực tế đã xảy ra không ít “đại gia” mua CPH là hướng tới mục tiêu có được mảnh đất với giá trị cao gấp trăm lần giá mua cổ phần”.

TM