Cửa hàng tiện lợi có đối thủ mới: cửa hàng không nhân viên

Minh Hoàng - 15:44, 28/11/2017

TheLEADERBingoBox - Công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng không nhân viên của mình ra Hồng Kông và các nước châu Á khác sau khi phát triển hơn 200 cửa hàng tại thị trường nội địa.

Cửa hàng tiện lợi có đối thủ mới: cửa hàng không nhân viên
Bên trong một cửa hàng không nhân viên - BingoBox. Ảnh: South China Morning Post

Nếu đà phát triển này tiếp tục, các cửa hàng tiện ích mở cửa 24 giờ/ngày của BingoBox sẽ có mặt trên khắp thế giới, từ Trung Quốc đại lục - nơi hiện có 200 cửa hàng - tới các nước ở châu Âu, nơi có ít cửa hàng mở cửa suốt đêm.

Cửa hàng tiện lợi có đối thủ mới: cửa hàng không nhân viên
Một cửa hàng BingoBox tại đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: thatsmags.com

Tại Hồng Kông, Giám đốc điều hành và người sáng lập BingoBox, ông Chen Zilin đang đàm phán với một số đối tác địa phương để cùng nhau vận hành các cửa hàng không nhân viên. Công ty khởi nghiệp dự định sẽ mở chuỗi cửa hàng tại các khu vực không có cửa hàng tiện lợi như công viên, làng mạc và khu nhà ở công cộng.

Công ty cũng đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc và Malaysia vào quý II/2018.

"Sau khi mở rộng các cửa hàng, chúng tôi sẽ thu thập được nhiều dữ liệu hơn về nhu cầu của khách hàng và có thể cung cấp một loạt các sản phẩm tùy biến nhằm thu hút người dân ở khu vực đó với chi phí rẻ hơn nhiều (do tính kinh tế theo quy mô)", ông Chen nói trong một cuộc phỏng vấn.

"Bằng cách phân tích và tác động vào dữ liệu tiêu thụ của các cửa hàng BingoBox, chúng ta không bao giờ phải lo lắng về việc cung cấp dư thừa hoặc thiếu những loại thực phẩm dễ hỏng. Miễn là khách hàng có nhu cầu, chúng tôi sẽ luôn có nguồn cung cấp", ông nói thêm.

Cửa hàng tiện lợi có đối thủ mới: cửa hàng không nhân viên 1
CEO BingoBox, ông Chen Zilin. Ảnh: South China Morning Post

Ông Chen là người đi tiên phong trong xu hướng cửa hàng tiện lợi không nhân viên ở Trung Quốc với cửa hàng BingoBox đầu tiên được mở tại Thượng Hải vào tháng 6 năm nay. 

Kể từ đó, một loạt các doanh nghiệp mới thành lập và công ty công nghệ đã thử nghiệm hình thức kinh doanh tương tự.

Việc các công ty công nghệ và bán lẻ đang tiến hành thử nghiệm hoạt động này ở Trung Quốc nằm trong nỗ lực thúc đẩy sự kết hợp giữa thương mại trực tuyến với hình thức mua sắm truyền thống. Tại Mỹ, Amazon hiện đang điều hành một chuỗi cửa hàng tương tự có tên Amazon Go, trong khi 7-Eleven cũng đang tiến hành mở cửa hàng không nhân viên đầu tiên tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 5 với tên gọi Signature.

Cửa hàng tiện lợi có đối thủ mới: cửa hàng không nhân viên 2
Quán cà phê không nhân viên của Alibaba. Ảnh: Marketing Interactive

Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đang điều hành một quán cà phê không nhân viên - Tao Café - sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thanh toán di động. 

Đối thủ JD.com của Alibaba hiện cũng sở hữu hai cửa hàng tiện lợi sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định những sản phẩm mà người tiêu dùng quan tâm.

Đối với ông Chen, các cửa hàng tự phục vụ có rất nhiều lợi thế - chi phí giảm xuống do không cần trả tiền thuê nhân viên, và công nghệ được áp dụng trong mỗi cửa hàng cũng giúp giảm bớt vấn đề trộm cắp.

"Mỗi mặt hàng có một thẻ RFID và hệ thống sẽ phát hiện xem sản phẩm đó đã được trả tiền hay chưa", ông nói. "Hơn nữa, các cửa hàng được trang bị camera CCTV hoạt động 24/7. Nếu ai đó ăn cắp bất kỳ sản phẩm nào từ một cửa hàng tiện lợi truyền thống, họ có thể lấy nó trót lọt. Nhưng nếu ai đó cố gắng làm điều đó trong các cửa hàng BingoBox, chúng tôi chắc chắn sẽ tìm ra và họ sẽ bị cấm vào các cửa hàng của chúng tôi trong tương lai".

Cửa hàng tiện lợi có đối thủ mới: cửa hàng không nhân viên 3
Khách hàng quét mã QR để vào cửa hàng.

Ông Chen cho biết tính đến nay, BingoBox đã xử lý hơn một triệu giao dịch, với chưa đến 10 trường hợp trộm cắp.

Công ty BingoBox, nhận đầu tư từ GGV Capital và Qiming Venture Partners, hiện đang điều hành gần 200 cửa hàng không nhân viên ở Trung Quốc đại lục và đang nhắm tới việc mở thêm 5.000 cửa hàng trước cuối năm tới.

Người dùng sẽ quét mã QR - một loại mã vạch công nghệ - bằng điện thoại di động của họ để vào cửa hàng, sau đó chọn ra các sản phẩm mình cần và đặt chúng vào quầy thanh toán tự động. Việc thanh toán được thực hiện qua hình thức ví di động như Alipay hoặc WeChat Pay.

Cửa hàng tiện lợi có đối thủ mới: cửa hàng không nhân viên 4
Việc thanh toán được thực hiện qua hình thức ví di động như Alipay hoặc WeChat Pay.

"Vì BingoBox là một cửa hàng không nhân viên và không mất chi phí nhân công, nên chúng tôi có thể mở ở các khu vực ít dân cư, người đi lại hơn so với các cửa hàng tiện lợi truyền thống, những cửa hàng đã phải trả tiền thuê cao cho các vị trí đắc địa", ông Chen nói.

Tại Trung Quốc, các cửa hàng BingoBox hiện đang có doanh thu bán hàng khoảng 850 nhân dân tệ (1.000 đô la Hồng Kông) mỗi ngày, các cửa hàng tại nơi đông đúc thu về 6.000 nhân dân tệ mỗi ngày.