Eurozone đối mặt với nguy cơ lớn nhất từ căng thẳng thương mại

Nguyễn Phanh - 18:10, 22/06/2018

TheLEADERIMF mới đây khẳng định căng thẳng thương mại liên tục leo thang sẽ là rủi ro kinh tế lớn nhất đối với khu vực đồng Euro, bên cạnh mối đe dọa từ Brexit và vấn đề Italy.

Eurozone đối mặt với nguy cơ lớn nhất từ căng thẳng thương mại
IMF nhiều khả năng điều chỉnh dự báo cho Eurozone trong tháng tới. Ảnh: Getty Images/CNBC

Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng mặc dù khu vực đồng Euro (Eurozone) có sự mở rộng kinh tế trong năm 2017, đà tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay.

Đại diện IMF cho biết khi công bố dự báo mới về nền kinh tế toàn cầu tháng 7 tới, nhiều khả năng quỹ này sẽ điều chỉnh các ước tính tăng trưởng cho khu vực Eurozone nhưng dự kiến sẽ không có sự giảm mạnh nhờ vào sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.

Tuy vậy, Eurozone đang phải đối mặt với một loạt các rủi ro về kinh tế.

Đứng đầu trong danh sách các mối nguy hại là căng thẳng thương mại gia tăng, bắt đầu từ động thái tăng thuế nhôm thép từ Mỹ.

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh thuế mới đối với hai sản phẩm nhôm thép nhập khẩu với mức thuế lần lượt là 10% và 25%. Canada và Mexico là hai quốc gia đầu tiên được miễn trừ khỏi mức thuế trên và tiếp theo đó, các quốc gia thuộc EU, Hàn Quốc và Brazil được tuyên bố miễn tạm thời.

Cuối tháng 5, Mỹ tuyên bố sẽ không tiếp tục miễn giảm thuế nhôm thép cho EU, đẩy khối này vào sự đối đầu thương mại. Để đáp trả, nhóm nước này sẽ nâng thuế tới 25% lên một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như rượu whisky, nước cam và xe máy.

Bà Christine Lagarde cho rằng vấn đề không nằm ở tác động kinh tế vĩ mô trực tiếp mà là sự đè nặng làm suy yếu mối quan hệ vốn có.

Ngoài chiến tranh thương mại, việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là nguy cơ lớn thứ hai đối với Eurozone. Việc thiếu đi những tiến bộ trong quá trình đàm phán rời khỏi và vị trí không rõ ràng của Anh có thể gây ra tình trạng "Brexit đột ngột".

Rủi ro thứ ba đối Eurozone là khả năng đảo ngược chính sách tài khóa. Điều này xuất phát từ phản ứng rất nhanh của thị trường tài chính đối với bất kì điều gì từ nới lỏng tài chính hay cải cách, như trường hợp của Italy gần đây.