Xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư khu đô thị Gamuda Gardens chưa đến hồi kết

An Chi - 08:30, 23/05/2018

TheLEADERKế hoạch chia nhỏ diện tích nhằm dễ bán nhà hơn của Gamuda Land vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân đang sinh sống tại khu đô thị Gamuda Gardens.

Xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư khu đô thị Gamuda Gardens chưa đến hồi kết
Cư dân khu đô thị Gamuda Gardens phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch

Vấp phải sự phản đối của cư dân sau khi chính quyền địa phương lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch một phân khu trong khu đô thị Gamuda Gardens, đại diện chủ đầu tư đã trực tiếp đối thoại với cư dân vào cuối tuần qua.

Như TheLEADER đã đăng tải, những cư dân đang sinh sống tại khu đô thị Gamuda Gardens đã tỏ ra rất bức xúc khi UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai mời họp lấy ý kiến cư dân về việc điều chỉnh quy hoạch phân khu ST5 của khu đô thị Gamuda Gardens chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc họp. 

Cư dân cũng phản ánh cuộc họp ngày 4/5/2018 diễn ra vào giờ hành chính nên nhiều người không thể tham dự, trong khi chính quyền lại lấy ý kiến của những cư dân không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc điều chỉnh quy hoạch.

Theo pháp luật hiện hành, việc điều chỉnh quy hoạch dự án phải xin ý kiến của cộng đồng cư dân, nhưng cách tổ chức của chính quyền địa phương và Gamuda Land khiến cho cư dân Gamuda Gardens không hài lòng và cho rằng chủ đầu tư thiếu tinh thần cầu thị và không tôn trọng cư dân.

Lý lẽ của chủ đầu tư

Gamuda Gardens là một trong bốn phân khu thuộc tổ hợp Gamuda City có tổng diện tích lên đến 500ha ở phía Nam Hà Nội. Đây là dự án đối ứng cho Công viên Yên Sở và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, trong đó Gamuda Land xây dựng hai dự án BT này để đổi đất xây khu đô thị để bán thu hồi vốn. 

Tại cuộc đối thoại với cư dân, ông Trần Lại Công Bình, Trưởng phòng quản lý dự án cho biết, khu đô thị Gamuda Gardens được đưa vào hoạt động năm 2013, nhưng tốc độ thu hồi vốn chậm so với kế hoạch ban đầu nên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án BT.

Theo ông Bình, dự án lấp đầy chậm là do sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Bằng chứng là thị trường bất động sản hiện nay đã thay đổi so với 8 năm trước, người dân ít có khả năng mua nhà với các ô đất diện tích lớn và hình dáng phi tiêu chuẩn không phù hợp phong thuỷ. Điều này đã gây ảnh hưởng đến việc khai thác hiệu quả quỹ đất và tính khả thi, tiến độ hoàn thành của dự án.

Do vậy, sau nhiều lần xin ý kiến tư vấn, chủ đầu tư buộc tiến hành thay đổi quy hoạch bằng cách chia nhỏ các ô đất với diện tích và háng hình phù hợp với nhu cầu thị trường, ông Bình cho hay.

Hiện tại, chủ đầu tư đang xin phép điều chỉnh phân khu ST5, chia nhỏ diện tích 232 căn nhà theo quy hoạch được duyệt thành 362 căn, tức là tăng thêm 130 căn. 

Ông Tan Khai Lock, Tổng giám đốc Gamuda Land Vietnam, cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch không chỉ tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, hỗ trợ công tác bán hàng của chủ đầu tư, góp phần thúc đẩy quá trình lấp đầy, hoàn thiện đô thị cũng như đẩy nhanh tiến độ dự án và kế hoạch xây dựng tổng thể mà còn khiến cư dân sớm được tận hưởng một khu đô thị đích thực, đúng nghĩa với các tiện ích hoàn thiện.

Đại diện chủ đầu tư giải thích thêm rằng, với việc điều chỉnh quy hoạch, diện tích đất kinh doanh giảm 5.919m2 so với diện tích đã trả tiền sử dụng đất; tỷ trọng đất ở cũng giảm xuống 27% so với 28%; đồng thời tăng diện tích cây xanh và hạ tầng xã hội.

Theo chủ đầu tư, đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch được thực hiện cho các ô đất quy hoạch chưa có hoạt động xây dựng và kinh doanh nên quy hoạch mới sẽ không ảnh hướng đến chức năng, quy mô và hoạt động của các tiểu khu nhà ở đã hoàn thành xây dựng và đang hoạt động trong khu đô thị.

Tuy nhiên, những lập luận của chủ đầu tư không nhận được sự đồng tình của người dân.

Bất đồng quan điểm

Ông Chu Tuấn Ngọc, một cư dân của khu đô thị lo ngại, nếu điều chỉnh quy hoạch, mật độ dân số sẽ tăng thêm, từ đó tác động đến hạ tầng trong khu đô thị nên quyền lợi và tiện ích của cư dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Ngọc dẫn chứng, thêm 130 căn nhà sẽ dẫn đến việc tăng dân số từ 904 lên 1.672 người, tương đương mức tăng 85%. Cùng với đó là số lượng phương tiện giao thông cũng sẽ tăng, gây áp lực cho hệ thống hạ tầng.

Ông Ngọc ước tính, trung bình mỗi nhà trong khu đô thị hiện đang sở hữu 1 - 2 xe ô tô và 2 - 3 xe máy nên số lượng phương tiện giao thông riêng khu vực này sẽ tăng lên từ 162 - 324 xe ô tô và 324 - 486 xe máy. Tổng cộng sẽ có thêm khoảng 800 xe các loại chen chúc trong khu vực ST5.

Tỏ ra bức xúc hơn, ông Dũng, một cư dân khác trong khu đô thị cho rằng: "Chủ đầu tư thay đổi quy hoạch dự án, cắt bớt tiện ích trong khu đô thị, tăng thêm mật độ dân số chẳng khác nào "lừa đảo", chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên cư dân."

Trong khi chủ đầu tư tìm cách chia nhỏ diện tích nhà ở để dễ bán thì ông Dũng lại chỉ ra thực tế là nhiều khu tiện ích vẫn đang là những bãi đất trống, việc xây dựng trường học, nhà trẻ, bệnh viện như cam kết ban đầu của chủ đầu tư hiện vẫn chưa được thực hiện.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng chủ đầu tư đang vi phạm hợp đồng đã ký với cư dân khi thay đổi quy hoạch dự án bởi vì khi cư dân ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư trước đó, trong hợp đồng có bản đồ quy hoạch tổng thể của cả khu đô thị với khu ST5 chưa điều chỉnh quy hoạch.

Ông Dũng nhấn mạnh, hợp đồng mua nhà trước hết là quan hệ dân sự giữa bên mua và bên bán nên chủ đầu tư muốn thay đổi hợp đồng phải được sự đồng ý của bên mua.

Về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư khẳng định, bản đồ quy hoạch trong hợp đồng mua bán đã ký với cư dân chỉ để giúp cư dân xác định vị trí căn nhà của mình.

Tuy nhiên, trước câu hỏi của cư dân về việc nếu thay đổi quy hoạch thì chủ đầu tư có cần phải ký lại hợp đồng với cư dân hay không, ông Tan Khai Lock cho biết sẽ nghiên cứu, trao đổi lại với luật sư và có câu trả lời đến cư dân sau cuộc họp.

Bên cạnh đó, các cư dân còn cho biết thêm, mặc dù mới đề xuất việc thay đổi quy hoạch tiểu khu ST5 vào đầu tháng 5 nhưng các thông tin rao bán nhà đã có từ cuối năm 2017 ngay trên website của chủ đầu tư. Mô hình khu ST5 với những điều chỉnh về quy hoạch được chủ đầu tư bày tại trung tâm khu đô thị cho khách hàng vào xem và mua nhà. Chủ đầu tư thậm chí đã nhận tiền đặt cọc 200 triệu đồng/căn để giữ chỗ của khách mua nhà.

Về vấn đề bán hàng, nhận đặt cọc trước khi sản phẩm nhà ở khu ST5 được phê duyệt, đại diện Gamuda Land khẳng định có công tác này nhưng là do bên sàn giao dịch bất động sản được Gamuda land chỉ định là Cenland thực hiện, không phải do chủ đầu tư làm trực tiếp.

Sau nửa ngày tranh luận qua lại, hàng trăm cư dân và chủ đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do những bất đồng quan điểm, mâu thuẫn về lợi ích.