10 nhiệm vụ nửa cuối năm 2023 của NHNN

Trần Anh - 08:15, 16/07/2023

TheLEADERTại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cho ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2023.

10 nhiệm vụ nửa cuối năm 2023 của NHNN
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một là, về công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng; trong đó hoàn thiện dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi; hoàn thiện pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử. Chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư đối với những vấn đề Thông tư 02 chưa quy định cho trái phiếu doanh nghiệp.

Hai là, về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Đối với các TCTD, cần triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN, người dân. Tăng cường chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, bảo đảm lành mạnh, bình đẳng, cơ chế thông thoáng. Tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ba là, về tỷ giá, tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.

Bốn là, về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đồng thời, tập trung, khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các NHTM yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống. Khẩn trương cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục xử lý nợ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Năm là, về công tác thanh tra, giám sát, tập trung đổi mới toàn diện bộ máy tổ chức, công tác cán bộ, cơ chế, quy chế hoạt động của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo phải thực sự chủ động, sớm phát hiện và đề xuất xử lý những vấn đề tồn tại, sai phạm quan công tác giám sát.

Sáu là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động ngân hàng, tiếp tục dẫn đầu trong chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, số hóa, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay. Đồng thời, phải tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Bảy là, tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.

Theo đó, cần kiểm soát việc "đại chúng hoá" ở thị trường thứ cấp; phải phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm; tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết…

Thứ tám, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thứ chín, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải rất chú trọng công tác truyền thông, nhất là thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức; bảo vệ người dân, doanh nghiệp làm đúng, xử lý người làm sai, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế-dân sự.

Thứ mười, tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng NHNN, các TCTD trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiếp giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.