2.839 giấy phép con phải cắt giảm trong 4 tháng tới: Nhiệm vụ có khả thi?

Minh Anh - 08:15, 31/08/2018

TheLEADERChỉ còn 4 tháng là hết năm 2018 nhưng vẫn còn tới 2.839 điều kiện kinh doanh cần phải cắt giảm theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

2.839 giấy phép con phải cắt giảm trong 4 tháng tới: Nhiệm vụ có khả thi?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

Đây là thông tin đáng chú ý được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiết lộ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tổng số 6.213 điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành dự kiến sẽ cắt giảm 3.807 điều kiện. Tuy nhiên, tính đến nay mới chính thức cắt giảm được 968 điều kiện, đạt 25,4% so với dự kiến của các ngành Công thương, Xây dựng, Giáo dục và đào tạo, Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Văn hoá thể thao và du lịch...

Hiện, các bộ ngành vẫn còn 2.839 điều kiện kinh doanh đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ.

Về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có tổng số 9.936 dòng hàng phải kiểm tra, các bộ dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng. Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng, đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện hơn so với tháng trước (tăng 18,9%) nhưng tỷ lệ cắt giảm vẫn đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ kiến nghị các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ thông qua hoặc ban hành theo thẩm quyền. 

Các bộ cần tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. 

Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Về các nhiệm vụ - giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2018, các bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. 

Giải pháp thực hiện đã khá đầy đủ, đồng bộ, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.

Về mục tiêu cắt giảm giấy phép con gây khó cho doanh nghiệp, trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 19).

Đây là năm thứ năm liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và cũng là năm đặt kỳ vọng cao nhất: tăng thêm 8 đến 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh tăng ít nhất 40 bậc; hai chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản tăng 10 bậc; hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên, với tốc độ cắt giảm các điều kiện kinh doanh của các bộ ngành như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng mục tiêu hoàn thành việc cắt bỏ 50% số điều kiện kinh doanh khó có thể đạt được trong năm 2018.