3 thách thức lớn về an sinh xã hội

Kiều Mai - 09:56, 01/10/2022

TheLEADERTheo giám đốc World Bank tại Việt Nam, già hoá dân số, tỷ lệ việc làm phi chính thức cao và biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội

Ba thách thức với an sinh xã hội

Việt Nam đã đạt được những thành tựu giảm nghèo ấn tượng trong thập kỷ qua, đặc biệt liên quan đến tình trạng nghèo cùng cực, giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% năm 2020, theo chuẩn nghèo của các nước có mức thu nhập trung bình thấp của World Bank (Ngân hàng Thế giới).

Bước cải thiện đáng kể này phần lớn là nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế dựa trên lợi tức dân số, và tỷ trọng việc làm chính thức tăng lên khi người lao động chuyển dần khỏi nền nông nghiệp năng suất thấp.

Tuy vậy, tỷ trọng dân số trong khu vực phi chính thức vẫn còn khá cao trong khi thời kỳ dân số vàng đang gần kết thúc.

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao của Việt Nam vào năm 2030, và nước có thu nhập cao vào năm 2045, nền kinh tế sẽ phải đạt được năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, tăng hòa nhập xã hội cũng như khả năng chống chịu mạnh mẽ trước các cú sốc liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, hệ thống an sinh xã hội phải giải quyết ba thách thức, bà Carolyn Turk, Giám đốc World Bank tại Việt Nam, phân tích tại hội thảo khoa học về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 mới đây.

Thách thức thứ nhất là vấn đề việc làm phi chính thức. Bất chấp kết quả tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao. Nhìn chung, khoảng 76% tổng số lao động và 55 – 60% lao động phi nông nghiệp vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức.

“Tính phi chính thức là một phép thử đối với hệ thống an sinh xã hội xét về ít nhất ba phương diện”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Rõ ràng nhất là nhiều người lao động không có bảo hiểm trước những rủi ro như thất nghiệp và khuyết tật. 3/4 lực lượng lao động ở Việt Nam không được bảo vệ khỏi những cú sốc này.

Phi chính thức cũng đồng nghĩa với doanh thu thuế thấp hơn, và nguồn tài chính cho bảo hiểm xã hội kém bền vững hơn.

Cuối cùng, tình trạng phi chính thức còn liên quan đến năng suất thấp hơn do thiếu vốn, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính, kỹ năng, và thường nằm ngoài phạm vi của các chương trình thị trường lao động chủ động.

Giám đốc World Bank Việt Nam: Ba thách thức với an sinh xã hội
Bà Carolyn Turk, Giám đốc World Bank tại Việt Nam.

Thứ hai là vấn đề già hóa dân số. Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng về nhân khẩu học, khi là quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất trên thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) được ước tính sẽ tăng từ 7% lên 15% vào năm 2035.

Nguồn lao động trẻ dồi dào từng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những thập kỷ qua đang dần cạn kiệt. Năm 2015, số người trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) tại Việt Nam cao gấp 10 lần số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Đến năm 2035, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn khoảng 4,6 lần.

Theo đại diện World Bank tại Việt Nam, điều này đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội, nếu hầu hết trong số họ không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu xã hội.

Ngoài ra, với lực lượng lao động lớn tuổi, năng suất lao động cao hơn có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thách thức thứ ba là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam theo chiều hướng ngày càng tăng trong những thập kỷ tới, tăng thêm mối nguy trước các cú sốc cho hộ gia đình và nền kinh tế. Khoảng 60% diện tích đất và 70% dân số của Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai.

Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống an sinh xã hội vẫn chưa đủ khả năng thích ứng để chuẩn bị và ứng phó với thảm họa ngoài các biện pháp cứu trợ truyền thống.

Tăng sức chống chịu cho hệ thống an sinh xã hội

Nhận thức được những khó khăn, thách thức trên, Chính phủ đã đưa ra những lựa chọn chính sách quan trọng trong các năm gần đây. Đầu năm nay, tuổi nghỉ hưu bắt đầu được tăng dần. Các cải cách về bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao tính bền vững về tài chính và tăng cường mở rộng diện bao phủ đã được phản ánh trong Nghị quyết 28.

Tuy nhiên, bà Carolyn Turk đánh giá tỷ lệ bao phủ của các chương trình bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lương hưu, không tăng nhiều như kỳ vọng, và điều này phản ánh tình trạng phi chính thức vẫn còn tồn tại phổ biến trong thị trường lao động Việt Nam.

Bà khuyến nghị ngoài việc mở rộng phạm vi bao phủ, Việt Nam cũng cần tăng cường phân bổ nguồn lực để đảm bảo các chương trình trợ giúp xã hội có thể đạt được tác động mong muốn.

Mặc dù Nghị định 20 đã có những bước đi tích cực nhằm nâng cao mức hưởng, hiện tại vẫn còn rất thấp đối với cả người cao tuổi cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Việc quản lý các chương trình và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội chủ yếu dựa trên quy trình thủ công và phân cấp tập trung.
Carolyn Turk
Giám đốc World Bank tại Việt Nam

Cải thiện việc xác định đối tượng của chương trình cũng có thể giúp tối đa hóa việc giảm nghèo trong khuôn khổ ngân sách có hạn. “Điều này không thể thực hiện với một hệ thống triển khai thủ công, hành chính giấy tờ hiện đang được sử dụng để xác định ai là người nghèo và đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ”, giám đốc World Bank nhấn mạnh lưu ý.

Song song với đó, để cấp đủ ngân sách cho các chương trình này, Việt Nam sẽ cần tiếp tục phát triển dù cơ cấu dân số có thay đổi ra sao. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu nâng cao năng suất lao động.

Người lao động Việt Nam không chỉ cần nâng cao hiệu quả làm việc trong các ngành nghề hiện có, mà còn phải có khả năng chuyển sang các công việc có chất lượng tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Điều này không chỉ đòi hỏi tiếp tục cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo, mà còn cần thông tin thị trường lao động và hỗ trợ việc làm tốt hơn, để giúp người lao động, bao gồm cả những người làm việc trong khu vực phi chính thức, nâng cao khả năng làm việc và tìm được việc làm tốt hơn.

“Đây là lĩnh vực giao thoa giữa chính sách an sinh xã hội và phát triển vốn con người, vì không có hình thức hỗ trợ thu nhập nào cho hộ gia đình tốt hơn việc chính người lao động có được mức lương cao và được bảo hiểm trước những rủi ro”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà lưu ý rằng có một số rủi ro mà chương trình bảo hiểm xã hội truyền thống không thể giải quyết được. Đơn cử như đại dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ xã hội.

Bài học trong hai năm vừa qua cho thấy điều quan trọng là phải có thông tin và các quy trình điện tử để triển khai nhanh chóng khi thiên tai xảy ra.

“Chúng ta chưa làm tốt điều này trong cuộc khủng hoảng Covid-19 vì việc quản lý các chương trình và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội chủ yếu dựa trên quy trình thủ công và phân cấp tập trung”, đại diện World Bank Việt Nam đánh giá.

Vào năm 2020, chỉ 1/5 số lao động khu vực phi chính thức được xác định là đối tượng nhận hỗ trợ của chính phủ. Với mức thu nhập và trình độ phát triển hiện nay, Việt Nam cần có khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các cuộc khủng hoảng.

Các cơ chế thể chế và tài chính cũng như khả năng tận dụng dữ liệu hành chính và các nền tảng số, bao gồm việc chi trả điện tử, có thể giúp Việt Nam xây dựng được một hệ thống “an sinh xã hội thích ứng”.