400 công nghệ được chuyển giao cho Việt Nam trong 4 năm tới

Nhật Hạ - 10:38, 28/01/2022

TheLEADERĐến năm 2025, 400 công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài; 10 công nghệ được giải mã, làm chủ tại Việt Nam.

Nhằm hoàn thiện và đẩy mạnh đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành năm 2019, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Quyết định 138 với những sửa đổi, bổ sung một số điều.

Trong đó, đề án đã được bổ sung thêm mục tiêu cụ thể. Đến năm 2025, cơ sở dữ liệu 4.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 400 công nghệ được chuyển giao; 10 công nghệ được giải mã, làm chủ.

4.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 200 đối tác công nghệ quốc tế;

Số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 10%/năm; 30% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ.

Đến năm 2030, cơ sở dữ liệu 10.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 1000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được giải mã, làm chủ; 10.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế;

Số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 15%/năm; 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ.

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện dề án, quyết định mới cũng sửa đổi nội dung về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ thông qua đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài làm việc và đào tạo tại Việt Nam.

Hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng về tìm kiếm, đàm phán, đánh giá, thẩm định giá, chuyển giao, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Giải pháp về triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam cũng được sửa đổi. Theo đó, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp: nghiên cứu, đào tạo, tìm kiếm, phân tích, đánh giá, thẩm định, giải mã, chuyển giao công nghệ; chi phí thuê chuyên gia công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia công nghệ nước ngoài trong việc kết nối, tìm kiếm, tư vấn chuyển giao công nghệ.

Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển giao, giải mã, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác tài sản trí tuệ, tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng.

Việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam được tập trung ở một số ngành ưu tiên gồm thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, tài nguyên và môi trường. Trong đó chú trọng một số lĩnh vực gồm công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; dược phẩm, chuẩn đoán và điều trị bệnh.

Thực tế, cách đây 3 năm, TS. Vũ Tiến Lộc từng nhận định rằng Việt Nam mới chỉ thành công trong việc thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên sự chuyển giao công nghệ giữa các tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá hạn chế.

Khi quản trị và công nghệ là hai yếu tố quan trọng đối với sự thành công trong liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì Việt Nam vẫn chưa hội nhập với các doanh nghiệp FDI trong nước, hệ số chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI tới các doanh nghiệp nội thấp nhất trong khu vực ASEAN, thua cả Lào và Campuchia.