ADB nói gì về triển vọng kinh tế Việt Nam?

Nhật Minh - 14:45, 28/04/2021

TheLEADERNền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022, theo Ngân hàng phát triển châu Á.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới giữa Covid-19 cũng như dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19. Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng.

Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với ba tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 trong tháng 3, mức cao nhất tính từ tháng 1/2019.

Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ được thành lập nhờ có vắc xin Covid-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.

Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng khu vực này đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vắc xin Covid-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp.

Khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực, và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.

Đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 1/2021 giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng, ADB đánh giá.

Tiêu dùng cá nhân dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ tăng 5,1% trong quý I/2021, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi. Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020 trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ổn định.

Lạm phát trong quý I/2021 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 do chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu. Tuy nhiên, giá dầu thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước cũng tăng dự báo sẽ làm cho lạm phát tăng lên 3,8% trong năm nay, và 4,0% trong năm 2022.

ADB nói gì về triển vọng kinh tế Việt Nam?
Sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác thương mại lớn sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ - hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng 8,0% trong năm nay và năm tới. Việc Việt Nam tiếp tục lệ thuộc kinh tế vào đầu tư trực tiếp nước ngoài – với sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào sản xuất cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo – cùng với giá dầu tăng sẽ làm cho nhập khẩu tăng 5,0%, thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai xuống mức tương đương 2,0% GDP trong năm nay và 2,5% vào năm sau.

Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2021, được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp phục hồi.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán là 12,0% trong năm nay. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp đang cố gắng đương đầu với tác động của đại dịch Covid-19.

Sự gia tăng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ cuối quý I/2021, dự báo tỉ lệ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ trong năm 2020 mặc dù tăng trưởng giảm – tất cả những yếu tố này đều không ủng hộ cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Tuy nhiên, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục mở rộng do nhu cầu chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và tiêm vắc xin, cũng như khả năng thực hiện hỗ trợ tài khoá bổ sung.

Điều này có thể dẫn đến khả năng làm tăng thâm hụt tài khoá lên mức cao hơn mục tiêu bội chi ngân sách cho năm 2021 ở mức 4,0% GDP.

Rủi ro chính theo chiều hướng tiêu cực là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể vi rút mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vắc xin.

Việc chậm trễ trong triển khai vắc xin Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài.

Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.

Xét từ góc độ tích cực, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc và Mỹ có thể làm triển vọng thương mại và tăng trưởng gia tăng đáng kể.