AI: Mắt trái cơ hội, mắt phải hiểm nguy

Đỗ Quốc Cường (*) - 17:40, 27/05/2023

TheLEADERTốc độ phát triển dường như mất kiểm soát của công nghệ AI đã làm dấy lên những lo ngại rằng nó sẽ hủy hoại xã hội trước khi chính phủ có thể kịp thời đưa lĩnh vực này vào khuôn khổ. Dù vậy, Nhà Trắng vẫn đặt cược vào một tương lai nước Mỹ thịnh vượng nhờ AI và sức mạnh kinh tế nó đem lại.

AI: Mắt trái cơ hội, mắt phải hiểm nguy
Ngoài mặt tích cực, trí tuệ nhân tạo được đánh giá là có nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng với nhân loại

Tuy nhiên, Nhà Trắng không đánh cược vào niềm tin đơn thuần, những chiếc ghế cao phía trên cùng của Quốc hội và Nhà Trắng đã chuyển động và có những động thái cụ thể hơn để chuẩn bị cho việc đưa AI vào khuôn khổ.

Vào ngày 4/5 vừa qua, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã triệu tập các những người đứng đầu các công ty công nghệ quan trọng ở quốc gia này như Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic (một công ty khởi nghiệp về AI) để bàn về chiến lược đối phó với tác động của AI.

Cuộc họp này – còn có sự tham gia của 9 cố vấn hàng đầu trong chính quyền Tổng Thống Joe Biden về khoa học, an ninh quốc gia, chính sách và kinh tế – xuất phát từ mối lo sợ của Nhà Trắng rằng việc phát triển công nghệ một cách mất kiểm soát có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho xã hội. 

Tại cuộc thảo luận với các giám đốc điều hành (CEO), trong đó có Sundar Pichai của Google và Satya Nadella của Microsoft, bà Harris cho rằng họ có nghĩa vụ về mặt “đạo đức” để bảo vệ xã hội khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng của AI. 

Cụ thể, trong bài phát biểu sau thảo luận, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ yêu cầu các công ty “phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ” cũng như “đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ”.

Trước cuộc họp, Nhà Trắng đã đưa ra một loạt các thông báo liên quan đến AI về vấn đề tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu AI, chính sách AI của chính phủ và hoạt động đánh giá các hệ thống AI. 

Cũng theo một trong các thông báo này, cuộc họp nêu trên tập trung vào tính minh bạch của các hệ thống AI, tầm quan trọng của hoạt động đánh giá và xác nhận sự an toàn của AI cũng như đảm bảo AI được bảo vệ khỏi các tác nhân gây hại.

Theo như đưa tin, chính phủ Hoa Kỳ và các CEO công nghệ đã thống nhất rằng “cần phải làm nhiều hơn để phát triển và đảm bảo các biện pháp bảo vệ và an toàn thích hợp” cho AI. Các CEO cam kết sẽ phối hợp với Nhà Trắng để đảm bảo người dân Mỹ có thể “hưởng lợi từ công cuộc đổi mới bằng AI”. 

Tuy nhiên, họ không chia sẻ thông tin chi tiết về những biện pháp bảo vệ cần thiết hay là sự phối hợp với chính phủ sẽ ở mức độ cụ thể như thế nào. Điều đáng chú ý là Mark Zuckerberg – CEO của gã khổng lồ công nghệ Meta (Facebook) – đã vắng mặt tại cuộc họp mặc dù Meta cũng là đơn vị đã nghiên cứu AI trong nhiều năm. Theo lời một quan chức Nhà Trắng, cuộc họp chỉ “tập trung vào các công ty hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này”.

Mối nguy từ cơn bão AI

Tại cuộc họp, Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng bất ngờ xuất hiện trong đôi phút và đã có những lời như sau gửi tới các CEO có mặt: "Những gì các ngài đang làm mang lại tiềm năng rất lớn mà cũng ẩn chứa nguy hiểm rất lớn. Tôi biết các ngài hiểu điều đó. Và tôi hy vọng các ngài có thể đưa cho chúng tôi những thông tin cần thiết nhất để có thể vừa bảo vệ vừa thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.”

Rõ ràng là công nghệ AI đã có tác động lớn đến mức khiến các quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ cũng không khỏi lo lắng. Ông Biden trước đó đã kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua các đạo luật đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với ngành công nghệ, nhưng nỗ lực này của ông có ít cơ hội tiến triển tích cực do tình trạng chia rẽ chính trị. Việc thiếu các quy tắc quản lý đã giúp Thung Lũng Silicon “rảnh tay” ra mắt các sản phẩm mới với tốc độ chóng mặt. 

Những gì các ngài (CEO các công ty phát triển AI) đang làm mang lại tiềm năng rất lớn mà cũng ẩn chứa nguy hiểm rất lớn. Tôi biết các ngài hiểu điều đó. Và tôi hy vọng các ngài có thể đưa cho chúng tôi những thông tin cần thiết nhất để có thể vừa bảo vệ vừa thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
Tổng thống Joe Biden

Một trong những công ty đi đầu về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo là OpenAI. Được đầu tư hàng tỷ đô la từ Microsoft, OpenAI đã có bước đi tiên phong khi cung cấp AI cho người tiêu dùng phổ thông với việc phát hành công cụ ChatGPT gây chấn động toàn cầu vào đầu năm nay. 

Microsoft cũng nhanh chóng tích hợp khả năng của chatbot AI vào công cụ tìm kiếm Bing và các sản phẩm khác của hãng để khi người dùng nhập những câu lệnh hoặc câu hỏi ngắn, các câu trả lời được đưa ra có giọng văn tự nhiên như thể đó là người thực giải đáp. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows hôm mùng 4/5 đã mở rộng quyền truy cập rộng rãi hơn nữa vào các chương trình trí tuệ nhân tạo này, bất chấp những lời chỉ trích và cuộc họp tại Nhà Trắng.

Không chỉ riêng Microsoft mà những công ty lớn khác như Google và Meta cũng đã dành nhiều năm nghiên cứu các hệ thống AI để hỗ trợ cho hoạt động dịch thuật, tìm kiếm trên Internet, bảo mật và quảng cáo nhắm mục tiêu đối tượng cụ thể. Nhưng chỉ đến khi Microsoft ra mắt ChatGPT thì công chúng mới nhận thức được rộng rãi về công nghệ đột phá này, buộc các đối thủ của họ phải có câu trả lời.

Google đã mời người dùng ở Mỹ và Anh thử nghiệm chatbot AI của riêng mình có tên là Bard, còn Meta thì giới thiệu những ứng dụng mới của AI trong công nghệ quảng cáo trên Facebook. Tỷ phú Elon Musk cũng không chịu để thua kém khi vào tháng 3, ông đã thành lập một công ty AI có tên X.AI đặt trụ sở tại bang Nevada, Hoa Kỳ.

Tốc độ phát triển dường như mất kiểm soát của công nghệ AI đã làm dấy lên những lo ngại rằng nó sẽ hủy hoại xã hội trước khi chính phủ có thể kịp thời đưa lĩnh vực này vào khuôn khổ. Các rủi ro từ AI bao gồm nguy cơ sử dụng công cụ này cho mục đích lừa đảo với các bản sao giọng nói, video deepfake (tức là lấy dung mạo của một người để gắn vào cơ thể người khác trong đoạn video) và tin nhắn giả mạo được tạo ra với độ chân thực vô cùng thuyết phục. 

AI cũng là mối đe dọa đối với công ăn việc làm của giới tri thức, nhất là những công việc văn phòng không đòi hỏi trình độ quá cao (tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời và không ai biết được khi nào sẽ đến lượt những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn sâu hơn bị đe dọa). 

Một loạt các chuyên gia vào tháng 3 đã kêu gọi “hãm lại” đà phát triển các hệ thống AI mạnh mẽ để cho phép có thêm thời gian đảm bảo rằng những hệ thống này là an toàn, mặc dù nhiều người cho rằng việc dừng nghiên cứu hoàn toàn vào lúc này là không khả thi.

Nhà Trắng vẫn đặt cược vào AI

Vào cùng ngày diễn ra cuộc họp giữa giới quan chức cấp cao với các nhà lãnh đạo công nghệ, chính quyền Biden tuyên bố sẽ đầu tư 140 triệu USD để khởi động bảy viện nghiên cứu AI quốc gia mới, đưa tổng số những cơ sở nghiên cứu này lên 25 trên toàn nước Mỹ. 

Nhà Trắng cho biết “những viện nghiên cứu này sẽ củng cố cơ sở hạ tầng AI của Hoa Kỳ”, “tạo nên những bước đột phá” trong các lĩnh vực như “khí hậu, nông nghiệp, năng lượng, y tế công cộng, giáo dục và an ninh mạng”. 

Trong một thông báo khác, chính phủ Hoa Kỳ cho biết các công ty phát triển AI bao gồm Anthropic, Google, Microsoft, OpenAI, NVIDIA, Hugging Face và Stability AI cũng sẽ tham gia vào việc đánh giá công khai các hệ thống AI tại hội nghị an ninh mạng DEFCON sẽ được tổ chức vào tháng 8 năm nay, trên một nền tảng do công ty đào tạo trí tuệ nhân tạo Scale AI xây dựng. 

Cuối cùng, Nhà Trắng cho biết sẽ phát hành công khai vào mùa hè này một bản dự thảo chính sách về cách chính phủ Mỹ sẽ sử dụng AI để mọi người có thể bình luận công khai. Những chính sách xoay quanh hoạt động phát triển, sử dụng và mua sắm công nghệ AI của các cơ quan và tổ chức liên bang sẽ được soạn thảo. Theo Nhà Trắng, những chính sách sẽ là một mô hình để chính quyền tiểu bang và địa phương làm theo trong việc mua sắm và sử dụng công nghệ AI của riêng họ.

Có thể thấy là đứng trước vô vàn lời cảnh báo cùng các ý kiến quan ngại về tác động của AI, giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn thể hiện sự tin tưởng vào những lợi ích to lớn mà công nghệ này mang lại. 

Họ dường như chỉ muốn có sự thận trọng hơn trong các hoạt động xoay quanh AI chứ không hề sợ hãi trước công cụ còn quá mới mẻ này. Nhà Trắng đã sử dụng cuộc họp hôm mùng 5/5 để thông báo việc triển khai các hành động mới nhằm “thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm của nước Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”. 

Chúng ta có thể tiếp tục giữ vai trò là nơi sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới mà không cần chấp nhận các mô hình kinh doanh cạnh tranh tiêu cực và những kiểm soát độc quyền nếu chúng ta có thể đưa ra lựa chọn chính sách đúng đắn.
Lina Khan
Chủ tịch Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kỳ

Ngoài ra, vào thời điểm trước cả khi diễn ra cuộc họp này, một cơ quan quản lý hàng đầu của Mỹ đã đưa trí tuệ nhân tạo vào “tầm ngắm” với tuyên bố báo hiệu rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ không bị tụt hậu trong việc thiết lập các quy tắc và biện pháp bảo vệ. 

“Liệu chúng ta có thể tiếp tục giữ vai trò là nơi sản sinh ra công nghệ hàng đầu thế giới mà không cần chấp nhận các mô hình kinh doanh cạnh tranh tiêu cực và sự kiểm soát độc quyền không?” Chủ tịch Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kỳ Lina Khan đã viết như vậy trong một bài luận của khách mời trên tờ New York Times. “Được – nếu chúng ta đưa ra những lựa chọn chính sách đúng đắn.”.

Trong thời đại công nghệ AI bùng nổ như hiện tại, các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, đều cần có những cuộc hội đàm hay bàn luận giữa chính phủ, chuyên gia AI, chuyên gia lập pháp, chuyên gia kinh tế, chuyên gia về sở hữu trí tuệ, và các nhà kinh doanh công nghệ này để sớm có khuôn khổ và chính sách quản lí cũng như kinh doanh AI hợp lí, hợp nền kinh tế, và hợp văn hóa. 

Việc xem xét ý kiến chuyên môn từ nhiều bên là tối quan trọng cho việc có một chính sách vừa đáp ứng sự kiếm soát cần thiết phải có đối với AI mà vừa nâng cấp sự phát triển của quốc gia. 

(*) Chuyên gia ngôn ngữ luật và sở hữu trí tuệ công tác tại Văn phòng luật IPGEEKLAB