Ai mới là đối thủ thật sự của ngành đường Việt Nam?

Quỳnh Như - 09:38, 29/05/2018

TheLEADERTheo các chuyên gia, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam thay vì tranh giành nhau nên ngồi lại tìm tiếng nói chung, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cả ngành.

Ai mới là đối thủ thật sự của ngành đường Việt Nam?
Một nông trại mía đường của TTC Sugar ở Tây Ninh.

Nỗi nhức nhối lớn nhất của ngành mía đường Việt Nam trong vài năm gần đây là phải vật vã chống lại người hàng xóm Thái Lan ngay trên sân nhà. Mỗi năm, có từ 400.000 – 500.000 tấn đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam.

Sở dĩ, đường lậu Thái Lan có thể tung hoành ở Việt Nam là bởi giá thường rẻ hơn đường trong nước từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có 3 nguyên nhân chính khiến mức giá đường Thái luôn rẻ hơn của Việt Nam: công suất trung bình một nhà máy ở Việt Nam là 3.250 tấn mía/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất trung bình của một nhà máy ở Thái Lan là 7.000- 8.000 tấn mía/ngày, năng suất 1ha mía tại Việt Nam là 65 tấn so với 70 tấn của Thái Lan, tỷ lệ trữ đường trong mía của Việt Nam chỉ đạt khoảng 10%, Thái Lan là 12,9%.

Thái Lan cũng có nhiều chuỗi nhà máy đạt mức công suất rất lớn hơn các doanh nghiệp Việt: như hệ thống các nhà máy của Mitr Phol Group và Thai Roong Ruang Group, chính hình thức sở hữu tập trung lớn này giúp tránh được tình trạng tranh giành nguyên liệu giữa các nhà máy, đồng thời đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô cao nhất.

Đơn vị tích cực nhất trong cuộc chiến chống lại người Thái, chính là đường Thành Thành Công – TTC Sugar với các hoạt động M&A rầm rộ cùng việc đầu tư lớn cho hoạt động R&D.

Sau hội thảo Giải pháp tiêu thụ mía đường niên vụ 2017 - 2018 do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Thanh Ngữ - CEO TTC Sugar​ cho rằng, công ty mình không còn đơn độc trong cuộc chiến này nữa.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có buổi hội thảo về Giải pháp tiêu thụ mía đường niên vụ 2017-2018, tập trung phân tích mổ xẻ hàng loạt vấn đề ngành đường, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Ngữ: Hội thảo lần này vô cùng chất lượng vì đã mạnh dạn mổ xẻ hàng loạt các vấn đề nội tại của ngành đường, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực đối với sự phát triển của ngành đường Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Khi tất cả các doanh nghiệp ngành đường đều nhận thức được rằng, đối thủ thật sự của ngành đường Việt Nam là Thái Lan và các nước trong khu vực, chứ không phải là giữa các doanh nghiệp đường của Việt Nam với nhau, đã là một bước tiến quan trọng của ngành đường Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thành viên cũng cùng đồng thuận rằng: những chính sách hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ (mà các doanh nghiệp ngành đường và Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang có các đề xuất kiến nghị cụ thể) là để giải quyết các tồn tại của ngành đường về mặt lâu dài, là căn cơ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cả ngành đường Việt Nam, chứ không phải chỉ để giải quyết các vấn đề mang tính tình thế cho từng mùa vụ hay cho riêng một doanh nghiệp nào.

Những sự thay đổi kể trên sẽ đem lại nền tảng cần thiết giúp ngành đường Việt Nam nhanh chóng có sự thay đổi và khởi sắc.

CEO đường Thành Thành Công: Đối thủ thật sự của ngành đường Việt Nam là Thái Lan
Ông Nguyễn Thanh Ngữ - CEO TTC Sugar​

Tình hình thị trường đường Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Ngữ: Mọi chỉ số phân tích đều cho thấy, về nội tại, thị trường đường Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn nhờ các yếu tố như: dân số “vàng” và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, mức tiêu thụ đường bình quân còn thấp - thấp hơn cả tiêu chuẩn dinh dưỡng bắt buộc, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn giữ ở mức cao trong nhiều năm tới…

Theo tính toán của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hoá, thì trong vài năm tới, Việt Nam cần thêm 1 - 1,5 triệu tấn đường cho nhu cầu dinh dưỡng cá nhân và đáp ứng cho sự phát triển bùng nổ của công nghiệp thực phẩm. Theo tôi nhận thấy, không riêng TTC Sugar, nhiều doanh nghiệp đường lớn khác cũng đã nhận ra cơ hội này và họ cũng có sự chuẩn bị khá tốt.

Ông nghĩ gì về quan điểm “nên mở cửa nhập đường Thái Lan vì giá cả phải chăng”?

Ông Nguyễn Thanh Ngữ: Đặc thù của thị trường đường Việt Nam là có quá nhiều khâu trung gian. Vì vậy, giá giao dịch hay được gọi là “giá thị trường”, đôi khi hoàn toàn không mang tính đại diện, bởi đó là giá giữa các doanh nghiệp thương mại với nhau, không phải giá giữa bên sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng.

Đã từng có một số quan điểm cho rằng, ‘không nên hỗ trợ các doanh nghiệp đường nữa mà hãy mở cửa cho nhập đường Thái Lan vì giá họ rẻ’ hay ‘các doanh nghiệp đường Việt Nam làm ăn không hiệu quả nên chỉ tập trung vào việc đề xuất sự hỗ trợ’. Những nhận định này, theo tôi là thiếu cơ sở và chưa phân tích đầy đủ các thông tin liên quan.

Ngành đường không đơn giản như các mặt hàng tiêu dùng khác, ở đầu chuỗi giá trị, nó gắn với hàng chục vạn hộ nông dân, là sinh kế của người dân ở rất nhiều tỉnh thành. Một vài nơi ở Việt Nam, chưa có cây gì có thể thay thế được cây mía. Vì vậy, bất cứ quyết sách nào cho ngành đường cũng phải tính đến yếu tố an sinh xã hội, đến vai trò của ngành trong tổng thể ngành kinh tế.

Để thay đổi những quan điểm trên, vai trò của Hiệp hội Mía đường Việt Nam là rất quan trọng. Hiệp hội phải cung cấp thông tin toàn diện về ngành đường Việt Nam, chứng tỏ cho các thành viên thấy: nếu các thành viên không lên tiếng và không nhất quán để ứng xử cho khôn khéo ở giai đoạn mang tính bước ngoặt này, có khi, chính chúng ta sẽ là người trao cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong vai trò là một doanh nghiệp đầu tàu của ngành mía đường Việt Nam, TTC Sugar đã có các bước đi như thế nào nhằm mở rộng thị phần và không bị người Thái đánh bại trên sân nhà?

Ông Nguyễn Thanh Ngữ: Chúng tôi đã có các nghiên cứu phân tích về điểm mạnh và điểm yếu của các doanh nghiệp - ngành đường Thái Lan từ vài năm trước với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm về ngành đường trên thế giới.

Một phần các nghiên cứu này được chúng tôi chia sẻ dưới hình thức hội thảo quốc tế mía đường hàng năm, với mong muốn: không riêng chúng tôi mà các doanh nghiệp mía đường khác của Việt Nam cũng từng bước tự tin hơn trong quá trình hội nhập.

Các nghiên cứu khẳng định rằng, về thổ nhưỡng - tình trạng đất đai, Thái Lan tương đồng với Việt Nam. Thái Lan cũng chưa có giải pháp nào vượt trội về nông nghiệp, lợi thế lớn nhất của họ là Luật mía đường 1984. Nhưng lợi thế này cũng đang lung lay khi đối mặt với các cam kết khi mở cửa hội nhập, ví dụ như vụ Brazil kiện Thái Lan lên WTO gần đây.

Các thông tin này giúp chúng tôi tự tin hơn với chiến lược phát triển của mình ở thị trường nội địa, mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa và các hoạt động R&D để phát triển các sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp mía đường.

Đặc biệt, ở lĩnh vực phát triển thị trường, chúng tôi đầu tư lớn cho việc xây dựng và phát triển các kênh phân phối, các lĩnh vực phụ trợ cho phân phối như kho bãi, vận tải… Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện bức tranh phân phối với tất cả các kênh từ sỉ tới lẻ và địa bàn phân phối đã phủ khắp 64 tỉnh.

Gần đây, do diễn biến thị trường không được như mong đợi, cổ phiếu của nhiều công ty rớt giá và cổ phiếu TTC Sugar (mã SBT) đang giảm khá sâu, ông nhận định như thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Thanh Ngữ: TTC Sugar đã có gần 40 năm phát triển trong ngành mía đường và đangtronggiai đoạn trưởng thành. Vì vậy, chúng tôi hướng đến sự ổn định về mặt chiến lược phát triển, nên tốc độ phát triển về mặt bình quân chung, nếu so với các ngành mới xuất hiện, là không thể so sánh.

Thị giá cổ phiếu đôi khi chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố “tin đồn” hoặc là thông tin từ những nguồn không chính thức - không thể kiểm chứng; tại Việt Nam, yếu tố này có năng lực chi phối khá mạnh. Cổ phiếu SBT đã từng bị tác động mạnh bởi yếu tố này.

Với tinh thần cầu thị, chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia uy tín đến xem xét vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện hiệu quả hơn nữa hoạt động Quan hệ nhà đầu tư (Investor Relations - IR)

Tôi và ban điều hành đang nỗ lực để đảm bảo các chỉ số sinh lợi mà các cổ đông kỳ vọng trên kết quả kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp. Năm nay và các năm tiếp theo, TTC Sugar vẫn tự tin rằng có thể đảm bảo mức cổ tức bình quân hàng năm ở mức 6-10%/năm.

Tôi tin là khi mọi hoạt động được điều chỉnh lại theo chiều hướng đúng đắn và thị giá của cổ phiếu SBT sớm muộn cũng sẽ quay lại với đúng giá trị thực.

Xin cám ơn ông!