Ánh sáng Niềm tin

Phạm Sơn - 09:49, 02/02/2022

TheLEADERTrong hai năm Covid-19, có một đội nhóm tình nguyện vẫn gây quỹ thành công hơn 100 tỉ đồng, xây dựng gần 200 điểm trường và nuôi cơm trưa hơn 40.000 học sinh nhờ những kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp và tinh thần hướng tới sự hiệu quả và bền vững.

Ánh sáng Niềm tin
Anh Trung (phải) cho biết, hoạt động từ thiện cần sự hiệu quả, thay vì chỉ mang tính ý nghĩa.

Khi được ai đó khen “việc làm của các bạn thật ý nghĩa” cũng là lúc anh Hoàng Hoa Trung, Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin, gương mặt 30under30 của Forbes Việt Nam cho biết sẽ phải “xem xét lại”, vì “ý nghĩa chỉ nên tồn tại trong suy nghĩ đầy màu hồng của các cô, cậu thiếu niên”.

Xuyên suốt hành trình tình nguyện, từ khi còn nhặt rác, nhặt sản phẩm lỗi để gây quỹ vài triệu đồng, cho tới khi vận hành dự án thiện nguyện cả trăm tỷ đồng, anh Trung và nhóm Niềm tin luôn coi trọng tính “hiệu quả” hơn là “ý nghĩa”. Bởi hiệu quả chắc chắn bao hàm cả ý nghĩa, nhưng ý nghĩa thì chưa chắc đã có hiệu quả.

Trăn trở về những bữa cơm

Bắt đầu hành trình từ thiện từ khi còn rất trẻ, anh Trung từng nổi tiếng với biệt danh “đồng nát”, khi khởi xướng hoạt động lượm ve chai, xin đồ gốm lỗi bán lấy tiền, giúp đỡ những gia đình khó khăn, trẻ em cơ nhỡ xung quanh Hà Nội.

Đến năm 2012, Trung “đồng nát” chuyển hướng đối tượng sang các trẻ em vùng cao, với dự án Ánh sáng núi rừng để xây trường học. Từng là một cậu học sinh ham học, anh Trung hiểu được rằng, việc thoát nghèo, thoát khổ cần xuất phát từ giáo dục.

Nhiều ngôi trường mới khang trang được dựng lên từ dự án Ánh sáng núi rừng, cũng là lúc nhóm của anh Trung nhận ra, những đứa trẻ vùng cao vẫn bỏ học. Thay vì đến trường tiếp thu kiến thức, vui chơi với bạn bè, các em lựa chọn vào rừng đào măng, nhặt hạt làm thức ăn. Ở những bản vùng cao, canh tác khó khăn, đói ăn là chuyện thường trực.

Ý tưởng về dự án Nuôi em hình thành từ đó. Với dự án này, mỗi nhà hảo tâm sẽ “nhận nuôi” một em nhỏ vùng cao, đóng tiền ăn mỗi tháng cho đến hết năm học, cộng với tiền cơ sở vật chất.

150 nghìn đồng là số tiền mỗi nhà hảo tâm dành ra mỗi tháng để chăm lo bữa ăn bán trú cho các em nhỏ. Bữa ăn có thịt, đậu, canh, rau đầy đủ dinh dưỡng với giá khoảng 8.500 đồng, địa phương góp gạo thổi cơm, gia đình đối ứng tiền cho các bé. Vị chi mỗi năm học, anh chị nuôi đóng 1,45 triệu đồng cho một em bé, bao gồm 9 tháng tiền ăn và 100 nghìn đồng tiền cơ sở vật chất.

Khoản đóng góp này hoàn toàn minh bạch với bản sao kê được cập nhật liên tục trên trang chủ dự án (nuoiem.com). Anh chị nuôi được cung cấp số điện thoại cả thầy cô giáo, trưởng bản, phụ huynh học sinh và cả phòng giáo dục, để có thể gọi điện bất cứ lúc nào, xác nhận xem các cháu bé có được ăn uống đầy đủ như những gì dự án cam kết.

Anh Trung cho biết, chính nhờ sự minh bạch đó, dự án Nuôi em nhanh chóng trở nên “truyền miệng”, nhận được sự quan tâm và đóng góp của nhiều người, vì “như là đang được nhìn thấy, được chạm vào những đứa trẻ”.

Đặc biệt, mỗi năm, dự án Nuôi em tổ chức 3-4 lần cho các anh chị nuôi tới thăm em nhỏ, vừa minh bạch được hoạt động từ thiện, vừa tạo ra một sự kết nối vô hình, giúp người “nuôi em” nhận lại được những giá trị lớn lao hơn nhiều lần so với số tiền mình bỏ ra. Nuôi em được mở rộng qua từng năm, hầu như không có anh chị nuôi nào ngưng tài trợ.

Nhiều người đặt câu hỏi, tính trung bình mỗi bữa ăn hết 8.500 đồng, như vậy chi phí đâu để vận hành hệ thống, công tác hậu cần… Theo anh Trung, để đảm bảo chi phí, nhóm Niềm tin làm việc với đầu mối ở các phòng giáo dục ở mỗi huyện. Phòng giáo dục sẽ tiếp tục làm việc với các xã, các điểm bản, hiệu trưởng và thầy cô giáo ở mỗi điểm trường.

Vì vậy, việc quản lý tới hơn 25.000 em học sinh cũng không quá nặng nhọc. Mỗi tháng, hàng nghìn thầy cô giáo tại từng điểm bản lại cập nhật hình ảnh, video các em lên hơn 100 nhóm theo xã, theo bản cho hơn 25.000 anh chị nuôi.

Góp tiền lẻ xây hàng trăm điểm trường, nuôi cơm hàng chục nghìn học sinh bản cao
Nhóm tình nguyện Niềm tin tiếp tục tìm kiếm phương pháp làm sao để xây dựng được thêm nhiều ngôi trường cho trẻ em vùng cao.

Xây trường với… 2.000 đồng mỗi ngày

Không dừng lại ở việc đảm bảo được những bữa cơm cho trẻ em vùng cao, nhóm tình nguyện Niềm tin tiếp tục tìm kiếm phương pháp làm sao để xây dựng được thêm nhiều ngôi trường hơn nữa, làm sao để trên khắp đất nước, không còn bóng dáng những ngôi trường tạm bợ, tưởng chừng có thể bị cuốn bay chỉ bởi một cơn gió mạnh, để không còn hình ảnh những em bé, những thày cô giáo co ro trong lớp học với hàng trăm kẽ hở của những tấm ván đóng vội để tìm con chữ.

Chi phí xây mỗi trường học vùng cao rơi vào khoảng vài trăm triệu đồng, tức là cần đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm để đảm bảo mục tiêu đến năm 2024 xóa toàn bộ trường tạm, như nhóm đã đề ra. Một lần nữa, ý tưởng “đồng nát” của anh Trung lại phát huy tác dụng.

Nhắc lại câu nói nổi tiếng của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma “nếu tôi kiếm của mỗi người dân Trung Quốc 1 USD, thì tôi sẽ trở thành tỉ phú đô la”, dự án Sức mạnh 2000 nảy ra ý tưởng “xin” mỗi người đóng góp 2.000 đồng mỗi ngày - từ đó dự án Sức mạnh 2000 ra đời.

Dự án kết hợp với ví điện tử Momo, với tính năng tự động trừ 2.000 đồng vào 18 giờ mỗi ngày (hoặc cao hơn, tùy theo đăng ký), giúp nhà hảo tâm ủng hộ “tự động”, không cần phải ngày nào cũng nhớ đến việc chuyển tiền.

Anh Trung làm phép tính, nếu mỗi người trao tặng dự án 2.000 đồng mỗi ngày, với khoảng 100 nghìn người tham gia, một năm xây được khoảng 300 điểm trường. Với 2 triệu người tham gia, sứ mệnh của dự án sẽ được hoàn thành. 2 triệu người không phải con số lớn so với dân số Việt Nam và 2.000 đồng mỗi ngày cũng là con số không lớn đối với những trái tim vàng.

Bởi vậy, 2.000 đồng để xây trường học vùng cao, với nhóm tình nguyện Niềm tin là điều “viển vông nhưng có cơ sở, khiêm tốn nhưng ẩn chứa sự phi thường”.

Góp tiền lẻ xây hàng trăm điểm trường, nuôi cơm hàng chục nghìn học sinh bản cao 1
Trẻ em vùng cao

Thực tế đã chứng minh suy nghĩ táo bạo của Trung “đồng nát” là hoàn toàn khả thi. Được triển khai từ đầu năm 2020, Sức mạnh 2000 xây được 77 công trình, bao gồm các điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu hạnh phúc trong năm đầu Covid-19. Con số này gần gấp 3 số lượng 29 điểm trường xây dựng được nhờ dự án Ánh sáng núi rừng triển khai từ năm 2009 đến đầu năm 2020.

Năm 2021 đánh dấu sự thay đổi của công tác thiện nguyện. Nhiều tổ chức, đội nhóm đã chuyển hướng sang các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, phần vì nhu cầu cấp thiết của xã hội, phần vì những hoạt động khác ít được quan tâm.

Trong bối cảnh đó, nhóm của anh Trung vẫn kiên trì với hoạt động nuôi cơm, xây trường cho vùng cao, vì trong dịch bệnh, các em nhỏ vẫn cần được đi học, vẫn cần được ăn cơm. Hết năm 2021, dự án huy động được số tiền để xây hơn 100 công trình, dù nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hợp tác.

Anh Trung cho biết, làm thiện nguyện cũng rất cần có kế hoạch linh hoạt, bài bản, để ứng phó với những tình huống khó lường như dịch bệnh.

“Việc đầu tiên cần làm là phải tiếp tục như bình thường các công việc của mình. Nhiều người thất bại ngay ở khâu đầu tiên, bởi “nghĩ” rằng dịch nên khó nên phải dừng hết các hoạt động”.

Thực tế, dù dịch bệnh khó khăn nhưng không phải doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nào cũng đều rơi vào cảnh khó. Do vậy, việc tiếp theo được nhóm Niềm tin tiến hành là liệt kê “những ai có thể làm từ thiện”: những công ty không bị gián đoạn sản xuất kinh doanh; fandom của người nổi tiếng; những đại gia đình, dòng họ…

Tìm hiểu về “thị hiếu” của các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện phát hiện ra thói quen làm từ thiện vào ngày rằm, mùng một của những người theo đạo Phật, các Phật tử. Từ đó, trang http://cauhanhphuc.sucmanh2000.com được xây dựng, đăng bài đều đặn mỗi mùng một lịch âm và nhận được đóng góp số tiền để xây 10 cây cầu trong năm 2021.

Hay như trong lúc dịch bệnh cao điểm, triệu trái tim cả nước hướng về tuyến đầu chống dịch, anh Trung kêu gọi ủng hộ chống dịch, hỗ trợ các điểm cách ly y tế ở Điện Biên bằng những chiếc bếp gas công nghiệp, thay thế cho bếp củi. Hoàn tất sứ mệnh ở điểm cách ly, những chiếc bếp gas được đưa lên bản cao, tiếp tục giúp thày cô giáo đỡ vất vả khi thổi cơm Nuôi em mỗi ngày.

Tiền cơ sở vật chất (100 nghìn đồng mỗi em cho một năm học) của dự án Nuôi em cũng đóng góp rất lớn. Với hơn 25 nghìn mã Nuôi em, dự án có thêm 2,5 tỷ đồng, xây dựng được 16 công trình.

Sức mạnh 2000 không chỉ là 2 nghìn đồng mỗi ngày. Gần đây, trong bối cảnh khó khăn, một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề tặng 2 nghìn đồng trên mỗi sản phẩm bán ra. Anh Trung cho biết dự án đánh giá cao ý tưởng này mà hy vọng sẽ là hình thức hợp tác mới với các doanh nghiệp, cùng phát huy sức mạnh của những tờ tiền lẻ.

Góp tiền lẻ xây hàng trăm điểm trường, nuôi cơm hàng chục nghìn học sinh bản cao 2
Điểm trường Pô Ca Dao

Nhìn về tương lai

Số tiền đóng góp ngày càng tăng, cũng là lúc Niềm tin thực hiện những sứ mệnh lớn lao và cao cả hơn. Những con người trẻ này luôn tâm niệm, đến trường hay được ăn no, mặc ấm vẫn là chưa đủ, các em nhỏ cần một môi trường giáo dục chất lượng, bền vững, để được trang bị đầy đủ không chỉ kiến thức mà còn là kỹ năng và khả năng cảm nhận cuộc sống. Đây sẽ là những hành trang quý giá để các em trưởng thành, phát triển, bay cao bay xa và quay trở về xóa đi cái đói, cái nghèo tưởng chừng bủa vây mãi mãi.

Từ đó, những sáng kiến như Đi ra từ bản; Tủ sách tri thức, Được dạy, Được học… được triển khai. Nhóm của anh Trung hỗ trợ bà con tìm đầu ra cho nông sản, giúp cha mẹ của các em nhỏ thoát nghèo đói, hỗ trợ thu nhập cho thày cô giáo.

Nâng cao đời sống của người giáo viên là bước đệm để thay đổi giáo dục vùng cao. Bên cạnh những buổi học kiến thức, thày cô sẽ thêm vào những tiết học ngoại khóa, những buổi đọc sách, kể chuyện, nghe nhạc, học vẽ, học STEM… cho đến cả cơ hội đi du học, điều tưởng chừng như chỉ dành cho học sinh ở thành phố.

Đúc kết từ hành trình thiện nguyện của mình, anh Trung cho biết, hoạt động từ thiện cần sự hiệu quả cùng với ý nghĩa mang lại.

“2 ngàn đồng, chúng ta trao cho em bé vùng cao một chiếc kẹo mút. Em bé sẽ rất sung sướng, vui vẻ, vì có khi chưa từng nhìn thấy cây kẹo mút bao giờ, và chúng ta cũng rất là vui, cảm thấy rất ý nghĩa. Nhưng nếu 2 ngàn đó, mua tặng em nhỏ một chiếc bút chì với vài tờ giấy trắng, các em có thể thỏa sức viết vẽ, mở rộng sức sáng tạo. Đó là sự khác biệt giữa hiệu quả và ý nghĩa”, anh Trung chia sẻ

Đây cũng chính là yếu tố làm nên sự khác biệt của Sức mạnh 2000, Đi ra từ bản hay các chương trình trong hệ sinh thái Nuôi em. Anh Trung chia sẻ, việc kêu gọi quyên góp từ thiện không còn là điều khó khăn trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhưng việc sử dụng đồng tiền quyên góp của các nhà hảo tâm sao cho đúng đắn, hiệu quả và có trách nhiệm thì không phải ai cũng làm được.

Cùng một số tiền bỏ ra, có thể tạo ra miếng cơm, manh áo cho người khó khăn trong một tuần, một tháng hay cả năm trời. Tuy nhiên, nếu dùng đúng cách, số tiền đó có thể là phương tiện giúp họ khơi dậy tiềm năng, từ đó tự duy trì sinh kế và vươn lên trong cuộc sống, đúng như tâm nguyện của anh Trung, “nếu giúp đỡ làm sao để bản đó hết khó khăn thì chúng tôi không phải giúp đỡ họ nữa, để dành thời gian, tâm sức giúp đỡ những điểm bản khác khó khăn hơn”.