Bà chủ Việt thu ngàn tỷ nhờ làm 'cánh cổng' đưa hàng Nhật vào Việt Nam

Trần Dũng - 12:07, 26/03/2018

TheLEADERLê Vân Mây đã đưa Hoa Sen từ một doanh nghiệp bán buôn và kho vận nhỏ lẻ trở thành một nhà phân phối lớn các sản phẩm tã, sữa công thức cho trẻ và thực phẩm Nhật Bản.

Ra đời vào năm 1997, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thực phẩm Hoa Sen (Lotus FID) hiện có khoảng 1.500 công nhân. Doanh số của tập đoàn là 5,2 tỷ yên (hơn 1.000 tỷ đồng) trong năm 2017 và dự báo sẽ đạt doanh số khoảng 7,5 tỷ yên (trên 1.600 tỷ đồng) trong năm nay. Hoa Sen hiện là đối tác với những tập đoàn tiêu dùng lớn tại Nhật Bản như Morinnaga Milk, Nichirei, Daio Paper và Toridoll.

Bà Lê Vân Mây, nhà sáng lập và CEO của Hoa Sen cho biết, mục tiêu công ty là để người tiêu dùng Việt Nam được tận hưởng ‘phong cách Nhật Bản’ ngay tại đất nước mà không cần phải đi đâu.

Yoshiaki Sakuma, Giám đốc chiến lược của Chiyoda Sushi chia sẻ, những kết quả khả quan mà Hoa Sen và bà Mây đạt được giúp bà nhận được sự tin tưởng rất cao từ các đối tác Nhật Bản. 

Chiyoda Sushi vừa thành lập liên doanh với Hoa Sen để mở chuỗi nhà hàng sushi tại TP. HCM. GDP trên đầu người của Việt Nam hiện chỉ 2.200 USD/năm và dự kiến sẽ sớm đạt mốc 3.000 USD, mức độ mà nhu cầu tiêu dùng sẽ vươn lên một ngưỡng mới.

“Việt Nam đang là thị trường thu hút đâu tư hơn so với Thái Lan, nơi đã có quá nhiều cửa hàng sushi”, Sakuma đánh giá.

Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Theo Bộ kế hoạch Đầu tư, năm 2017, đầu tư từ Nhật Bản chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư nước ngoài, xếp thứ hai chỉ sau Hàn Quốc (18%).

Bà chủ Việt thu ngàn tỷ nhờ làm 'cánh cổng' đưa hàng Nhật vào Việt Nam
Nhà sáng lập Công ty CP Đầu tư và phát triển thực phẩm Hoa Sen Lê Vân Mây

Để thành công, bà Mây chắc chắn phải thông thạo tiếng Nhật. Tuy nhiên, đó chỉ là một yếu tố cần thiết. Khả năng thấu hiểu thị trường và lòng can đảm mới là nhân tố chủ chốt giúp bà chiến thắng những doanh nghiệp Nhật Bản khác để trở thành cầu nối tiến vào Việt Nam.

Bà Mây từng được đi du học tại Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 20 tuổi, bà gia nhập công ty Nhật Nisso, nay là Sojitz, và trở thành trợ lý của chủ tịch một công ty con. Sau đó, bà nghỉ việc để sinh con, nhưng vẫn tiếp tục giữ quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.

Ở tuổi 26, bà thành lập một công ty bán buôn, xuất khẩu hàng thủ công từ đôi đũa, bát đĩa, hàng thêu của Việt Nam. Những sản phẩm chất lượng tốt nhưng giá lại rẻ đến từ Việt Nam nhanh chóng gây được tiếng vang với người tiêu dùng Nhật Bản.

Sau khi thành công với những lô hàng đầu tiên, kế hoạch tiếp theo của bà Mây là xuất khẩu tôm sang Nhật. Hàng đêm, bà tìm kiếm ở những chợ trong Sài Gòn để lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho những lô hàng đầu tiên.

Đảm bảo được lô hàng đủ lớn cung cấp cho thị trường Nhật Bản đòi hỏi những đợt lấy hàng dài ngày và nhiều đêm thức trắng, song sự tận tụy của bà Mây đã giúp bà ngày càng có nhiều khách hàng hơn.

Có lợi nhuận, bà Mây tiến hành nhập khẩu ngược lại hàng Nhật về Việt Nam, với đối tượng mục tiêu là những người tiêu dùng trẻ tuổi. Năm 2002, Hoa Sen bắt đầu bán tã lót thương hiệu Daio Paper. 

“Ở Việt Nam, trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu, dù chúng tôi không có nhiều tiền. Những bà mẹ luôn muốn con mình học tốt ở trường và thành công trong sự nghiệp”, bà Mây cho biết.

Tới năm 2010, Hoa Sen bán sữa công thức cho trẻ em nhập của Morinaga Milk. Thương hiệu sữa nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ đến từ châu Âu như Abbott, Nestle và FrieslandCampina.

Để cạnh tranh với chi phí quảng cáo thấp hơn, Hoa Sen đưa sữa của Morinaga đi trực tiếp tới các bà mẹ thông qua mạng xã hội và những chiến dịch tiếp thị trực tiếp tới khách hàng. Các nhân viên của Hoa Sen đưa hàng đến trực tiếp các bệnh viện và các điểm bán lẻ để nâng cao vị thế thương hiệu, kết hợp sử dụng người nổi tiếng để quảng bá trên mạng xã hội. Doanh số của Morigana đã tăng nhanh trong năm qua và dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.

Theo thống kê của bộ công thương Nhật Bản, quốc gia này đã xuất khẩu 53,6 tỷ yên (11.650 tỷ đồng) sữa công thức cho trẻ em vào năm 2017. Trong khi cách đây 4 năm, đây chỉ là con số không tròn trĩnh.

Về phần Hoa Sen, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua liên doanh với đối tác Nhật. Trong năm 2014, doanh nghiệp này mở cửa hàng mỳ Udon đầu tiên tại TP. HCM thông qua liên doanh với Toridoll. Số cửa hàng hiện nay đã tăng lên 8 cửa hàng và Hoa Sen đang dự kiến nhân bản mô hình này thông qua chuỗi nhà hàng cà ri với Ichibanya.

Từ một doanh nghiệp bán buôn nhỏ lẻ, Hoa Sen đã trở thành cánh cổng kết nối Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng tham vọng của nhà sáng lập vẫn chưa dừng lại. Bà Mây muốn Hoa Sen trở thành nơi bất kỳ người Việt nào muốn tìm kiếm hàng hóa Nhật Bản đều phải ghé qua.

Trong số hàng nghìn gian hàng thương mại tại hội chợi Foodex gần Tokyo tháng qua, bà Mây chú ý nhất tới các loại vitamin bổ sung cho trẻ em được sản xuất bởi Unimat Riken. Ngoài ra, bà cũng quan tâm tới các sản phẩm khác như protein ăn kiêng hay collagen của Fine. Unimat gần đây đã bắt đầu phân phối hàng về Việt Nam, và doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ tìm kiếm đối tác địa phương để đẩy mạnh doanh số.

Béo phì, tiểu đường và huyết á cao đang là vấn đề nan giải khi người Việt trở nên giàu có hơn. “Khi đăng ảnh của mình lên Facebook, sẽ rất xấu hổ nếu bạn tăng cân”, bà Mây nói, đưa ra tấm ảnh bà chụp cùng con gái vừa được tải lên mạng xã hội.