Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Đòn bẩy của ngành công nghiệp Hàn Quốc

Hường Hoàng - 13:29, 29/11/2022

TheLEADERNăm 1950, Hàn Quốc là một trong nhưng nước nghèo nhất thế giới. Và sau 72 năm, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia có GDP cao thứ 4 châu Á và cao thứ 10 trên thế giới. Nhiều yếu tố đã đóng góp vào sự thành công của Hàn Quốc, và sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng trong số đó.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Đòn bẩy của ngành công nghiệp Hàn Quốc
Samsung Electronics là một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại Hàn Quốc (Ảnh: Báo Tin Tức)

Nhận thức rõ nét tầm quan trọng của nền kinh tế tri thức

Vào năm 1957, thu nhập tính trên đầu người của Hàn Quốc đạt 74 USD, xuất khẩu đạt 22 triệu USD, số bằng sáng chế bấy giờ đạt 469 đơn. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu điện xảy ra khắp nơi. Nền kinh tế Hàn Quốc trong thời gian này vẫn hết sức khó khăn.

50 năm sau, năm 2007, thu nhập tính trên đầu người của Hàn Quốc đạt 20.000 USD (tăng gần 300 lần), xuất khẩu tăng 15.500 lần (đạt 371.489 triệu USD) với 171.731 bằng sáng chế. Nền kinh tế Hàn Quốc đã trở thành một ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao với các sản phẩm công nghệ thông tin, điện thoại di động, chất bán dẫn, ô tô…

Kết quả đó có được là nhờ Hàn Quốc đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế công nghiệp thành nền kinh tế tri thức!

Nền kinh tế trí thức là một nền kinh tế không ngừng đổi mới sáng tạo, phát hiện ra những đối tượng lao động mới, nguyên liệu mới, công nghệ mới, từ đó tạo ra nhiều giá trị sử dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội ngày một tốt hơn.

Và hơn hết, với tính độc quyền mà sở hữu trí tuệ mang lại, tri thức và ý tưởng đã trở thành nguồn lực vô hạn của mỗi quốc gia. Tại những quốc gia phát triển như Mỹ và nhiều nước châu Âu, doanh thu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ chiếm tới hơn 50% giá trị xuất khẩu.

Với việc chú trọng xây dựng các chính sách, luật pháp, cơ sở hạ tầng sở hữu trí tuệ trong quá trình này, Hàn Quốc vừa có thể tránh được tình trạng sao chép tài sản trí tuệ, dẫn đến tình trạng tổn thất về nguồn lực sáng tạo của doanh nghiệp, mà còn có thể phát huy, khai thác tối đa doanh thu từ tài sản trí tuệ quốc gia.

Sự vững mạnh của nền kinh tế tri thức Hàn quốc hiện nay được khẳng định bởi hàng loạt các tập đoàn lớn xuyên quốc gia như SAM SUNG, LG, HUYNDAI …. Theo đó, đã có hàng nghìn các sáng chế được tạo ra từ các tập đoàn trên.

Theo thống kê, năm 2021, Hàn Quốc có tất cả 267.517 bằng sáng chế, đứng thứ 4 trên toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Nâng cao nhận thức và năng lực SHTT doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc

Tương tự như Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn trên tổng số các doanh nghiệp ở Hàn Quốc (đến 99,9%) với 17,5 triệu lao động, chiếm hơn 80% tổng số lao động cả nước. Tuy vậy, khả năng cạnh tranh của những doanh nghiệp này chỉ bằng 60-70% so với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc.

Vì vậy, Hàn Quốc luôn chú trọng nâng cao nhận thức và năng lực sở hữu trí tuệ của những doanh nghiệp này, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế nói chung. Đối với hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, Hàn Quốc thực hiện tư vấn đồng bộ kiến thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua một số hoạt động sau:

Thứ nhất, thực hiện tư vấn một cách đồng bộ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương. Điển hình, Hàn Quốc thiết lập 29 trung tâm về sở hữu trí tuệ trong cả nước. Các trung tâm này cung cấp dịch vụ tư vấn, thông tin sáng chế và chương trình giáo dục cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời nâng cao và bảo hộ các giá trị thương hiệu của địa phương thông qua hoạt động đăng ký các nhãn hiệu tập thể.

Thứ hai, mỗi tỉnh sẽ lựa chọn ra những doanh nghiệp vừa và nhỏ điển hình có những sáng chế chất lượng và giá trị. Các doanh nghiệp này sẽ được tư vấn, hỗ trợ nộp đơn đăng ký sáng chế, khuyến khích tham gia nhóm “Công ty điển hình”. Từ đó, các doanh nghiệp này có thể dẫn đường cho ngành công nghiệp của cả địa phương.

Thứ ba, Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) thường xuyên có những chương trình, dịch vụ cung cấp thông tin, tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ và các nhà sáng chế đơn lẻ dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích khả năng đổi mới sáng tạo nói chung.

Hỗ trợ tạo ra những tài sản trí tuệ

Về hoạt động khuyến khích tạo ra các tài sản trí tuệ, Hàn Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phí đăng ký sáng chế cho chủ đơn khi đăng ký ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Ở thị trường trong nước, KIPO giảm 50-70% phí nộp đơn sáng chế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giảm bớt gánh nặng cho hoạt động đăng ký sáng chế. Trong đó, các công ty nhỏ được giảm 70%, các công ty cỡ vừa được giảm 50%, và các nhà đầu tư không có khả năng chi trả sẽ được giảm 100%.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng của KIPO sẽ được hỗ trợ chi phí khi đăng ký sáng chế ở nước ngoài.

Thêm vào đó, với số lượng lớn các sáng chế được thực hiện bởi người lao động ở các công ty và viện nghiên cứu, KIPO còn thực hiện chính sách trao thưởng cho sáng chế của các đối tượng này, từ đó khuyến khích họ tăng cường đổi mới, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung.

KIPO cũng cung cấp các chương trình tư vấn miễn phí về vi phạm sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm nâng cao khả năng xử lý những vụ xâm phạm sáng chế ở nước ngoài.

Hỗ trợ khai thác tài sản trí tuệ

Những hoạt động sáng tạo sẽ chỉ có thể đóng góp cho nền kinh tế quốc gia khi sáng chế đó được sử dụng. Vào năm 2006, theo thống kê, tại Hàn Quốc chỉ có 37% các sáng chế và giải pháp hữu ích đã được thương mại hóa. Và chỉ có 20% trong số đó đạt được thành công về thương mại.

Để hỗ trợ thương mại hóa các tài sản trí tuệ hiệu quả, năm 1999, Hàn Quốc thành lập “Hội đồng về Thương mại hóa các công nghệ được bảo hộ sáng chế” bao gồm ba cơ quan cấp chính phủ, đó là: KIPO, Bộ Kinh tế tri thức và Quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hội đồng này điều phối và thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ thương mại hóa các công nghệ đã được bảo hộ sáng chế, đồng thời tăng quỹ thương mại hoá và đầu tư hoặc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn.

Những sáng chế có chất lượng cao sẽ được hỗ trợ định giá, thương mại hóa trên các kênh thương mại điện tử, được chính phủ ưu tiên mua lại và khai thác sử dụng. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc còn tổ chức nhiều triển lãm, hội chợ sáng chế để kết nối các doanh nghiệp sáng tạo và những bên có nhu cầu.

Hàn Quốc còn không ngừng kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào những công nghệ này, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trong nước chuyển giao công nghệ sang những số quốc gia nơi quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ thỏa đáng.

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò đòn bẩy đối với sự phát triển kinh tế và xã hội

Trong kỷ nguyên tri thức, sở hữu trí tuệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Những quốc gia mạnh về sở hữu trí tuệ có thể dễ dàng thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và khuyến khích các hoạt động sáng tạo trong nước, nhờ đó đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp và nền kinh tế.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, các ngành công nghiệp và giới nghiên cứu là tối quan trọng trong việc thúc đẩy sáng chế và sự đổi mới.