Bí quyết để doanh nghiệp xuất khẩu Việt chinh phục thị trường ASEAN

Quỳnh Như - 09:26, 17/10/2018

TheLEADERĐể có thể tự tin chinh phục thị trường ASEAN, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa chất lượng, các doanh nghiệp cần tự mình ra thực địa, nắm được những điểm cốt yếu trong văn hóa và tập quán mua sắm của người dân mỗi nước.

Bí quyết để doanh nghiệp xuất khẩu Việt chinh phục thị trường ASEAN
ASEAN là một thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt cần tập trung khai thác một các hiệu quả (trong ảnh là một siêu thị ở Malaysia. Ảnh minh họa)

Các số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đạt 30,2 tỷ USD, tiếp theo là châu Âu với 27,7 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 3 cùng 23,4 tỷ USD, ASEAN đứng thứ tư với 16,5 tỷ USD.

Chia sẻ tại hội thảo Thị trường ASEAN - Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức vừa qua, ông Phạm Thiết Hoà, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. HCM (ITPC) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội mà các hiệp định thương mại trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) như ATIGA (98% thuế suất về 0% trong năm 2018) mang lại.

Trong khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, ông Hòa nhận thấy, dường như các doanh nghiệp Việt Nam luôn nghĩ lý do mình không thành công là bởi nước bạn giỏi hơn mình. “Khiêm tốn là tốt nhưng đừng quá tự ti nghĩ mình không làm được, nếu nhận thức đúng, làm đúng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin đi vào ASEAN”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, nếu muốn tìm hiểu thị trường hay kết nối hệ thống trong khối ASEAN các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không nên tự đi hoặc đi riêng lẻ mà hãy thông qua những tổ chức uy tín của nhà nước như Sở Công thương hoặc ITPC. Với nhiều nước trong khối ASEAN, uy tín của các DNNVV sẽ tăng lên nhiều bậc khi vào các quốc gia khác cùng các hội sở xã hội hoặc nhà nước.

Nếu một DNNVV đi riêng lẻ có khi 8 tháng đến 1 năm vẫn chưa kết nối được với thị trường nước muốn xuất khẩu, nhưng nếu thông qua sự hỗ trợ của ITPC, thời gian đó có thể rút ngắn từ 1 đến 2 tháng. Đơn cử như Tổng công ty 28 AGTEX, nhờ sự kết nối của ITPC trung bình mỗi năm tăng trưởng xuất khẩu thêm 15%.

Để có thể xuất khẩu thành công, theo ông Hòa, các DNNVV cần làm hai việc: nhận thức đúng về thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại - khảo sát thị trường mục tiêu.

Tăng cường xúc tiến thương mại thông qua việc tham gia các đoàn xúc tiến thương mại của các cơ quan nhà nước như ITPC, kể từ đầu năm ITPC đã tổ chức 40 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cùng 100 hoạt động kết nối giữa các tập đoàn bán lẻ quốc tế với DNNVV hoặc thông qua việc tự tham dự các hội chợ triển lãm ở thị trường mà doanh nghiệp muốn chinh phục.

Cũng như thế, muốn khảo sát thị trường mục tiêu có hiệu quả, các DNNVV nên đi cùng với ITPC, thông qua ITPC, các doanh nghiệp sẽ kết nối dễ dàng hơn với hệ thống siêu thị, tham tán thương mại hoặc tổng lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại.

Các chuyên gia chia sẻ ‘bí quyết’ chinh phục thị trường ASEAN
Ông Phạm Thiết Hoà – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. HCM

Hiện ITPC có mối liên kết với 60 tổ chức thương mại trên khắp thế giới, do đó cơ quan này không chỉ giúp các doanh nghiệp kết nối đúng các đầu mối mà còn có các hướng dẫn cụ thể khi đi vào từng thị trường: gặp ai, nói như thế nào, cách thức liên lạc, bao bì mẫu sản phẩm...

Bên cạnh đó, ông Hòa còn cho rằng, các doanh nghiệp nên tìm hiểu thật kỹ tập quán kinh doanh cũng như văn hóa đặc trưng riêng của mỗi thị trường mà mình muốn xuất khẩu vì mỗi nước mỗi khác.

Ở một góc nhìn khác, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I - một doanh nhân có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu ra thị trường ASEAN và thế giới cho biết: muốn xuất khẩu, doanh nghiệp cần chuẩn bị về vốn, chiến lược, con người và cách thực thi chiến lược.

Một ý tưởng tốt chưa đủ để thành công, nó phải kèm theo chiến lược tốt cộng với những con người thích hợp để thực thi chiến lược đó. Trong tất cả, chuyện thực thi chiến lược đóng vai trò quan trọng nhất, chiếm 50% thành công, trong khi vốn và chiến lược chiếm mỗi thứ 15%, nguồn nhân lực chiếm 20%.

Theo ông Tín, muốn tìm ra chiến lược tốt phải có đủ lượng kiến thức trong lĩnh vực mà mình kinh doanh cũng như tình hình thị trường các nước trong ASEAN. Chúng ta cần phải biết nhu cầu của thị trường nước đó và nếu mình đến đó thì phải cạnh tranh với đối thủ nào?

Các doanh nghiệp hãy trực tiếp đến điều nghiên thị trường mới, đừng chỉ trông chờ vào các công ty nghiên cứu thị trường hay để cho nhân viên của mình đến làm vài điều tra đơn giản… Muốn thành công, nhất định phải "nhúng chân xuống nước" đừng làm theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa”.

Sau khi đã am hiểu thị trường muốn chinh phục, tùy vào thị trường hoặc mục đích của bản thân, doanh nghiệp có thể bước vào thị trường theo 4 cách: qua đại lý, chỉ chọn một đại lý độc quyền, liên doanh với một đối tác bản địa hoặc tự làm.

"Khi đã chuẩn bị đầy đủ, chúng ta hãy mạnh dạn xông pha. Tôi luôn tâm đắc câu nói đừng bao giờ đánh giá thấp chính mình và cũng đừng bao giờ đánh giá thấp niềm tin của bản thân", ông Tín nhấn mạnh.