Bình Thuận trước cơ hội trỗi dậy lần 2

Hứa Phương - 15:08, 08/10/2019

TheLEADERDù các doanh nghiệp cam kết đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực du lịch nhưng làm thế nào để biến kỳ vọng của nhà đầu tư thành hiện thực là bài toán không đơn giản đối với tỉnh Bình Thuận.

Làn sóng đầu tư mới

Gần 450 nghìn tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Bình Thuận tại hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức mới đây không chỉ là con số kỷ lục mà tỉnh Nam Trung Bộ ghi nhận được từ trước đến nay mà còn là con số khổng lồ so với nhiều địa phương khác. 

Nếu chưa tính dự án điện gió Kê Gà với tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD do công ty Enterprize Energy đề xuất, dòng vốn các nhà đầu tư cam kết đổ vào Bình Thuận vẫn là con số lớn. 

Ngay tại hội nghị, Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đầu tư 23.152 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư ký thoả thuận ghi nhớ đầu tư 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng ở nhiều lĩnh vực, từ năng lượng, du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp tới nông nghiệp công nghệ cao.

Để hàng chục tỷ USD ‘đổ’ vào Bình Thuận không nằm trên giấy
Bình Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Quynh.

Bình Thuận đang kêu gọi đầu tư vào ba lĩnh vực chính là du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều nhất trong số những dự án nhận được chủ trương đầu tư thuộc về lĩnh vực bất động sản du lịch

Điển hình như dự án Mũi Né Summerland của Hưng Lộc Phát Corp là tổ hợp giải trí và nghỉ dưỡng với quy mô 31,5 ha nằm ở mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết.

Tập đoàn Hải Phát và công ty liên kết đăng ký đầu tư gần 6.000 tỷ đồng vào các dự án nhà ở, du lịch biển và khu đô thị ở huyện Tuy Phong. 

Nam Group cũng được chấp thuận đầu tư dự án Thanh Long Bay với tổng diện tích lên tới 120ha.

Nếu như trước đây các dự án du lịch ở Bình Thuận có quy mô nhỏ, có diện tích vài ha và quy mô phổ biến chưa tới 200 phòng, thì trong làn sóng đầu tư mới, các nhà đầu tư đã đề xuất những tổ hợp quy mô lớn, trong đó có cả mô hình đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng.

Đơn cử, dự án Mũi Né Summerland khi hoàn thành sẽ cung ứng gần 2.000 căn khách sạn 5 sao, hơn 100 nhà hàng ẩm thực đa chủ đề, hơn 200 cửa hàng mua sắm, tổ hợp hơn 40 quán bar  club và không gian tiệc tùng lớn nhất tại Phan Thiết.

Lớn nhất trong số những dự án đang được triển khai ở Bình Thuận là NovaWorld Phan Thiet của Tập đoàn Novaland. Dự án được phát triển trên diện tích 1.000ha, trải dài 7km bờ biển, với nhiều hạng mục như sân golf, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, vui chơi giải trí biển kết hợp với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và ngôi nhà thứ hai.

Ngoài ra, Bình Thuận cũng là điểm đến của các Tập đoàn lớn như Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Becamex IDC và Công ty Cổ phần Kiến Á.

Chia sẻ về sức hút của tỉnh đối với nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai chỉ ra một loạt lợi thế.

Cụ thể, đối với lĩnh vực du lịch - dịch vụ, ông Hai cho biết, Bình Thuận có bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, sông, hồ, núi, thác với khí hậu trong lành, nhiều di tích văn hóa lịch sử, tâm linh phục vụ phát triển ngành du lịch mũi nhọn.

Trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ xác định Bình Thuận là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Bình Thuận đang tập trung đầu tư, hình thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế.

Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế và trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với lĩnh vực công nghiệp - khoáng sản, Bình Thuận có thế mạnh về chế biến nông - lâm - thuỷ - hải sản, chế biến thành phẩm từ nguồn tro xỉ than, công nghiệp sản xuất và lắp ráp các thiết bị điện - điện tử, công nghiệp năng lượng tái tạo và sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng.

Đặc biệt, Bình Thuận có trữ lượng titan khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng tài nguyên quặng titan Việt Nam, phân bố tập trung, hàm lượng zircon trong quặng cao,… đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến các sản phẩm về vật liệu xây dựng.

Đối với lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, Bình Thuận cũng hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển như diện tích đất nông nghiệp của Bình Thuận hiện có trên 270.000 ha. Trong đó, cây thanh long là đặc sản nổi tiếng, diện tích 27.031 ha với sản lượng trên 518.000 tấn, cao su có diện tích 42.131 ha, sản lượng trên 50.000 tấn.

Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn của cả nước, sản lượng khai thác hàng năm trên 200.000 tấn, có diện tích hơn 4.100 ha phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản các loại.

Để hàng chục tỷ USD ‘đổ’ vào Bình Thuận không nằm trên giấy 1
Dự án Mũi Né Summerland của Hưng Lộc Phát đang triển khai xây dựng phần thấp tầng.

Ông Hai cho biết, theo định hướng phát triển đến năm 2030, Bình Thuận phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột là du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của Bình Thuận.

Cơ hội lấy lại vị thế

Số tiền nhà đầu tư cam kết đổ vào lớn, nhưng làm thế nào để giải ngân số tiền đó để giúp Bình Thuận biến tiền năng thành hiện thực lại là chuyện khác.

Mặc dù đi trước cả nước trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng và từng được mệnh danh là "thủ đô resort" với hàng chục khu nghỉ dưỡng được xây dựng trong làn sóng đầu tư lần thứ nhất hơn 10 năm trước nhưng trong những năm gần đây, Bình Thuận đã lỡ nhịp và bị bỏ lại phía sau khá xa các địa phương khác như Đà Nẵng, Nha Trang, thậm chí Phú Quốc.

Cho đến nay, cả tỉnh mới có hai khách sạn 5 sao với số phòng khiêm tốn. Trong khi đó, mặc dù mới xây dựng khách sạn 5 sao đầu tiên cách đây gần sáu năm nhưng đến nay, Phú Quốc đã có gần 8.000 phòng khách sạn 5 sao. 

Năm ngoái, Bình Thuận mới đón được 675.000 khách quốc tế, cao hơn một chút so với Phú Quốc nhưng kém xa con số 2,8 triệu lượt của Đà Nẵng và Khánh Hoà. Bình Thuận cũng chỉ có một khách sạn thương hiệu quốc tế là Anantara trong khi Đà Nẵng và Phú Quốc đã thu hút được hàng chục tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế.

Theo đánh giá của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, du lịch Bình Thuận bị bỏ lại phía sau vì nhiều lý do, nhưng nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ lãnh đạo địa phương. Cụ thể, trong thời gian dài, Bình Thuận ngủ quên trên chiến thắng và thiếu tầm nhìn chiến lược nên dẫn đến du lịch phát triển chậm lại.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông không được cải thiện và trở thành nút thắt đối với du lịch Bình Thuận. Điển hình như dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết từng thí điểm theo cơ chế hợp tác công - tư do Tập đoàn Bitexco đề xuất nhưng mô hình không phù hợp nên không triển khai được.

Từ TP. HCM ra Phan Thiết phải đi qua con đường độc đạo là Quốc lộ 1A nhưng hiện trong tình trạng xuống cấp và hẹp. Đặc biệt, đoạn từ huyện Xuân Lộc ở Đồng Nai đến trạm thu phí Sông Phan thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận dài khoảng 60km chỉ có hai làn xe, không có dải phân cách ở giữa và được ví như nút thắt cổ chai.

Tất cả các loại xe, từ xe container, xe khách, xe du lịch, xe máy đều đi trên con đường này nên thường có hiện tượng tắc đường, thậm chí xảy ra tai nạn thảm khốc. Khách du lịch đi từ TP.HCM ra Phan Thiết thay vì 2,5 tiếng thì hiện nay phải chạy từ 4 - 6 tiếng, nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Bình Thuận, trong đó có ngành du lịch.

Thực tế, hạ tầng Bình Thuận đang tụt hậu. Dự án sân bay Phan Thiết đã được khởi công vào đầu năm 2015 nhưng còn gặp nhiều vướng mắc nên vẫn chưa triển khai được.

Ngoài ra, theo ông Quang, cuộc thi dù lượn ở Mũi Né tổ chức cách đây hàng chục năm nhưng về sau hầu như không có hoạt động khác nên tác động không nhỏ đến việc thu hút khách du lịch đến với Bình Thuận.

Để hàng chục tỷ USD ‘đổ’ vào Bình Thuận không nằm trên giấy 2
Phối cảnh một hạng mục trong tổ hợp dự án NovaWorld Phan Thiet.

Không chỉ có vậy, lâu nay Bình Thuận không phát triển thương hiệu du lịch, thu hút du khách thông qua nhiếp ảnh. Ngoài việc được phong là "thủ đô resort", Bình Thuận cũng từng được ví là "thủ đô nhiếp ảnh". Mũi Né trước đây đã từng là một trong hai "lò nhiếp ảnh" của Việt Nam, cùng với Sapa.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Một số chuyên gia nhìn nhận, giống như Ninh Thuận, Bình Thuận đã và đang mắc kẹt giữa quy hoạch khai thác khoáng sản và công nghiệp với du lịch, khiến các dự án du lịch không triển khai được. Chẳng hạn, một thời dự án cảng Kê Gà đã làm đình trệ hàng chục dự án du lịch.

Chính ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cũng phải kêu gọi phá bỏ điểm nghẽn về chồng chéo quy hoạch. Ông Hùng nêu rõ việc chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với các quy hoạch ngành khác, nhất là lĩnh vực du lịch, năng lượng.

Hầu hết các dự án lớn, ven biển không thể triển khai vì vướng mắc này. Tỉnh Bình Thuận tích cực kiến nghị Chính phủ xem xét, có ý kiến điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan theo hướng đưa ra ngoài quy hoạch khu vực chưa có điều kiện khai thác, nhằm ‘cởi trói’ cho các dự án đầu tư lĩnh vực khác.

Dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế, Bình Thuận còn nhiều việc cần làm để biến những cam kết trên giấy của nhà đầu tư thành hiện thực. 

Ông Marco Breu, Giám đốc tập đoàn tư vấn quốc tế McKinsey & Company đã đề xuất 18 sáng kiến cốt lõi để định hình và đưa du lịch Bình Thuận vươn lên thành điểm đến đẳng cấp thế giới. Trong đó, Bình Thuận cần hình thành hạ tầng du lịch trọng điểm gồm các khu phức hợp thể thao, trung tâm hội nghị quốc tế cũng như nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, chương trình quản lý chất thải, nâng cấp bãi biển.

Ông Marco Breu cho rằng, muốn đảm bảo thành công thì những ý tưởng trên phải triển khai đồng bộ, nếu làm đơn lẻ sẽ thất bại. Điều quan trọng là đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó lập cơ quan nhà nước chuyên trách về xúc tiến đầu tư để vừa là đầu mối lắng nghe ý kiến và kỳ vọng của nhà đầu tư.

Theo nhà tư vấn này, vì nhà đầu tư tìm kiến lợi nhuận trong trung hạn và dài hạn nên phải đảm bảo những mối quan tâm của họ được chính quyền lắng nghe và tháo gỡ kịp thời vướng mắc.

Công ty tư vấn này cũng khuyến nghị Bình Thuận xem xét phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao, cũng như đầu tư vào các loại hình du lịch đặc thù khác như du lịch chăm sóc và tăng cường sức khỏe, du lịch cho đối tượng kinh doanh và du lịch giải trí.

Đặc biệt, nếu Bình Thuận tham vọng nghiêm túc để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu, phải nghĩ đến sự bền vững, cân bằng lượng khách du lịch với bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng du lịch.