Bức tranh nguồn nhân lực tài chính tương lai

Quỳnh Chi - 08:48, 22/11/2022

TheLEADERBên cạnh giỏi về chuyên môn, có tư duy mang tầm chiến lược, những người làm quản trị tài chính cần xây dựng cho mình một đội ngũ vững mạnh và ngày càng phát triển nhờ không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật các kỹ năng mới theo xu hướng của thời đại toàn cầu hoá và công nghiệp 4.0 cũng như khơi gợi sự thấu cảm ẩn sâu bên trong mỗi con người.

Bức tranh nguồn nhân lực tài chính tương lai
Trao đổi về thúc đẩy chức năng tài chính trở thành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tại sự kiện CFO Summit 2022

Hơn 20 năm trước, Chủ tịch Câu lạc bộ CFO Việt Nam Nguyễn Ngọc Bách từng làm giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn chuyển phát nhanh quốc tế TNT. Tham gia từ những ngày đầu, ông Bách xác định phải làm sao để biến tài chính thành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh còn thiếu thốn nhiều thứ, không có đủ tài liệu và người có kinh nghiệm để học hỏi, ông Bách hiểu rằng, một CFO không thể làm tốt hết mọi việc mà cần một đội ngũ giỏi, tận tâm và liêm chính.

Bên cạnh đó, thay vì giữ mục tiêu của riêng phòng ban mình, ông Bách cho biết, bộ phận tài chính cần bám sát mục tiêu chiến lược của công ty. Ngay từ lúc công ty còn nhỏ đã xây dựng lộ trình để phấn đấu dẫn đầu thị trường, và bộ phận tài chính cũng phải trăn trở để đi cùng và hỗ trợ mục tiêu đó.

Sau hai thập kỷ, thế giới đã có nhiều thay đổi với những xu hướng mới và cũng đồng thời khiến nhiều yếu tố trở nên lỗi thời nhưng có lẽ, người làm quản trị tài chính dù ở thời nào vẫn luôn cần có là chuyên môn giỏi và xây dựng được một đội ngũ vững mạnh để hỗ trợ cho mình trên con đường làm cánh tay đắc lực cho lãnh đạo, thậm chí là sẵn sàng lên dẫn dắt doanh nghiệp ở vị trí CEO khi cần.

“Trên thực tế có thể dùng công nghệ để cạnh tranh nhưng dù có phát triển đến đâu thì con người vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt là trong hành trình phát triển bền vững”, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đồng tình chia sẻ trong sự kiện CFO Summit 2022.

Bức tranh nguồn nhân lực tài chính tương lai
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Thuốc giải cho cơn “mất ngủ” của các giám đốc tài chính

Dẫn một khảo sát hơn 2.000 lãnh đạo trong một hội thảo quốc tế của ACCA, ông Hoàng cho biết, thực trạng cạnh tranh nhân sự trong ngành tài chính hiện nay là thứ khiến các CFO phải “mất ngủ” trong vòng 1 năm tới. 

Cụ thể, 58% cho biết nhân sự tài chính nghỉ việc do nhận được mức lương đề xuất cao hơn ở bên khác, 18% rời đi do tìm được vị trí tốt hơn,… Bên cạnh đó, từ gần 80% người dự báo sẽ gặp khó trong thu hút nhân tài lĩnh vực tài chính trong tương lai.

Bên cạnh nhu cầu nhân sự để đảm nhiệm tốt các công việc hiện có, để đảm bảo đủ con người bổ sung khi tình trạng nghỉ việc ồ ạt đang diễn ra cũng như ngăn chặn tình trạng "nghỉ việc trong yên lặng" (quiet quitting), các doanh nghiệp cũng cần đội ngũ nhân sự lĩnh vực tài chính để đáp ứng các nhu cầu mới khi công nghệ bùng nổ mà khoảng 5 năm về trước chưa ai từng nghĩ đến như áp dụng học máy, blockchain, trí tuệ nhân tạo…trong doanh nghiệp.

Những con số này phần nào khiến các lãnh đạo tham dự hội nghị do câu lạc bộ CFO tổ chức phải suy nghĩ nghiêm túc về cách thu hút và giữ chân nhân tài ngành tài chính một cách hiệu quả với việc thúc đẩy sự chuyển đổi trong tổ chức.

Thay vì chỉ dựa vào thương hiệu tuyển dụng và sự kỳ vọng của thị trường để thu hút những người giỏi nhất thì doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ hiện có và khai thác các nguồn lực thay thế.

Thay vì đóng khung năng lực của nhân sự theo từng phòng ban và phát triển năng lực dựa theo nhu cầu tổ chức thì doanh nghiệp cần trao quyền cho nhân sự trong việc học tập, đào tạo theo nhu cầu của người lao động để phát huy tối đa năng lực và coi học tập là một trải nghiệm thú vị.

Thay vì dùng các yếu tố bên ngoài để tác động đến sự lựa chọn nghề nghiệp của nhân viên thì doanh nghiệp cần thực sự thấu hiểu mong muốn của người lao động để tìm cách khiến họ gắn bó với tổ chức.

Bức tranh nguồn nhân lực tài chính tương lai 1
Thảo luận về thách thức quản trị tài chính trong bối cảnh hiện nay trong sự kiện CFO Summit 2022

Đối với việc phát triển đội ngũ, ông Hoàng cho rằng, những người làm tài chính sẽ không chỉ phải giỏi chuyên môn mà còn phải hội tụ nhiều kỹ năng như tính linh hoạt, có tư duy phản biện, cải tiến và sáng tạo, có khả năng hợp tác với các bên, có khả năng dự báo, dẫn dắt sự thay đổi bằng cách học tập trọn đời, quyết đoán và thích nghi với sự thay đổi.

Như ở PNJ, ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng phòng tài chính cho biết, công ty này đã có hệ thống tài chính kế toán được "đo ni đóng giày" mà người kiến trúc sư trưởng là CFO Đặng Thị Lài. Hệ thống này được thiết kế để đi cùng với chiến lược của công ty trong kế hoạch 5-10 năm. Câu chuyện tài chính cũng được PNJ đưa vào từng hoạt động, “ngóc ngách” của doanh nghiệp để toàn bộ phòng ban có thể có chung ngôn ngữ với bộ phận tài chính.

Đáng chú ý, muốn làm một cố vấn đắc lực cho người đứng đầu cũng như là đối tác với các phòng ban trong doanh nghiệp, nhân sự làm ngành tài chính cần có sự thấu cảm được khơi dậy và hun đúc theo thời gian. Không có sự thấu cảm thì làm sao hiểu được trăn trở của người đứng đầu, làm sao hiểu các phòng ban cần gì, người cấp dưới của mình đang thiếu động lực ra sao…

Họ cũng cần bổ sung những kỹ năng mới phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, đặc biệt là các kiến thức kỹ năng về công nghệ để có thể không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí mà tăng hiệu quả.

Dẫn lời CFO Microsoft Amy Hood, ông Toàn Kiều, Giám đốc SMC Secment (Microsoft) nhấn mạnh, việc áp dụng công nghệ mang tính đổi mới giúp các CFO dẫn dắt đội ngũ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mạnh hơn thông qua tính tuân thủ, chính xác và hiệu quả. Đặc biệt, nhờ khả năng khai thác tốt dữ liệu, họ có thể có các insight (sự thật ngầm hiểu) tốt để gợi ý cho đội ngũ kinh doanh.

Bên cạnh đó, bà Trần Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam bổ sung, CFO có vai trò dự báo, định hướng và tham gia chiến lược khi mà xu hướng phát triển bền vững đang tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Bà cho biết nếu 3 năm trước, các thị trường toàn cầu nói nhiều về quản trị công ty thì đến nay họ đã nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững, đầu tư phải đảm bảo mang lại nhiều lợi ích cho công dân trên toàn cầu. Nếu phát triển bền vững trước đây là tự nguyện thì các doanh nghiệp giờ đây đã phải tuân thủ các quy định cụ thể với những yêu cầu về công bố thông tin. Vai trò của những người làm CFO đối với hành trình phát triển bền vững lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, CFO của ngân hàng HSBC cho biết, điều quan trọng là phải tạo được môi trường làm việc, một văn hoá doanh nghiệp mà đội ngũ tin tưởng lẫn nhau, sẵn sàng nói ra những điều đang suy nghĩ. Nhờ đó, CFO có thể tập hợp mọi người cùng tìm cách giải quyết vấn đề.

“Chúng ta đang ở trong một môi trường nhiều bất ổn và khó đoán với nhiều thách thức xảy ra liên tục. Nhưng dù ở trong tình huống như thế nào thì các doanh nghiệp vẫn cần nhìn về phía trước để hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, các CFO nói riêng và nhân sự tài chính nói chung có vai trò quan trọng, đặc biệt là dựa vào các con số để đưa ra các dự đoán, xây dựng các kịch bản, đề xuất cách thức ứng phó”, ông Teng Theng Dar, Chủ tịch Hội Doanh nhân châu Á nhận định.

Ông Bách cũng nhấn mạnh, hiện nay, một số CEO chưa nhận thức đúng về vai trò của CFO và chính nhiều CFO cũng chưa khẳng định được vị trí của mình trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, các CFO cần tự nâng cấp bản thân, chủ động tham gia cùng ban lãnh đạo để xây dựng và triển khai hoạt động chiến lược và đặc biệt là xây dựng một đội ngũ nhân sự tài chính có tâm và có tầm.