Các ngân hàng phát triển đa phương tăng tốc tài trợ khí hậu

Phương Anh - 12:17, 06/12/2023

TheLEADERCác ngân hàng phát triển đa phương tại COP28 mới đây đã đưa ra tuyên bố chung về những hành động cấp thiết và cụ thể để gia tăng quy mô tài trợ và nâng cao việc đo lường kết quả khí hậu.

Không chỉ vậy, các ngân hàng này cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác cấp quốc gia và tăng cường đồng tài trợ, cũng tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông báo này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung tại COP28 ở Dubai.

Các ngân hàng phát triển đa phương này bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Hội đồng Ngân hàng phát triển châu Âu, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, nhóm Ngân hàng Phát triển liên Mỹ, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, Ngân hàng Phát triển mới và Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Cụ thể, trong tuyên bố chung, các ngân hàng phát triển đa phương tái khẳng định cam kết đối với hành động khí hậu và phát triển bao trùm về mặt xã hội, đáp ứng giới và tích cực với tự nhiên.

Cùng với đó, phát huy các sứ mệnh khác nhau và tận dụng các mạng lưới khách hàng và quốc gia, các mô hình hoạt động, khu vực địa lý và chuyên môn riêng biệt.

Các ngân hàng phát triển đa phương sẽ đạt được mục tiêu này thông qua tăng cường tập trung vào việc đo lường kết quả, đầu ra và tác động về khí hậu; hỗ trợ có phối hợp cho các quốc gia và thể chế địa phương trong việc xây dựng và triển khai các Chiến lược dài hạn (LTS).

Ngoài ra, các ngân hàng này cũng sẽ tăng cường hợp tác cấp quốc gia; thu hút nguồn vốn tư nhân với quy mô lớn và hỗ trợ các nỗ lực nâng cao về thích ứng và quản lý rủi ro thiên tai.

Những cuộc khủng hoảng về khí hậu và sinh thái gắn liền với nhiều thách thức toàn cầu khác. Theo đó, các ngân hàng trên cũng cam kết tăng cường hợp tác phù hợp với các sứ mệnh và khuôn khổ quản trị tương ứng về thiên nhiên, nước, y tế và giới.

Đơn cử, về nước, các ngân hàng mong muốn tăng số lượng người được hưởng lợi từ việc hỗ trợ các hệ thống nước thích ứng với khí hậu, đặc biệt là ở các khu vực căng thẳng về nước.

Các bên cho biết sẽ hợp tác làm việc để cải thiện hiệu quả và quản lý tài nguyên nước, duy trì nguồn tài chính công vốn đang khan hiếm cho an ninh nước và huy động tài chính thương mại cùng sự tham gia của khu vực tư nhân, bao gồm cả thông qua các cải cách thượng nguồn khi cần thiết.

Các bên cũng sẽ tìm cách cải thiện tính bền vững của các dịch vụ nước và vệ sinh, xây dựng môi trường chính sách, thể chế và pháp lý hiệu quả, đồng thời, tăng cường quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch trong lĩnh vực nước.

Tuyên bố chung của các ngân hàng phát triển đa phương nêu rõ: “Cánh cửa cơ hội để bảo đảm tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người đang đóng lại nhanh chóng. Nhận thức được mối liên hệ giữa ba cuộc khủng hoảng hành tinh về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm, việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) đòi hỏi tất cả chúng ta phải tăng cường nỗ lực một cách khẩn trương trên quy mô lớn”.

Ông Warren Evens, đặc phái viên về khí hậu của ADB, đánh giá, hợp tác giữa các ngân hàng phát triển đa phương rất quan trọng trong giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là một nhiệm vụ lớn và phức tạp, cần được khẩn trương thực hiện ngay từ bây giờ.

Ông cho biết thêm, ADB cam kết tăng cường nguồn tài trợ khí hậu cần thiết từ nguồn lực tự thân và thông qua quan hệ đối tác, nhằm mục tiêu giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của ngân hàng cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng trước tác động của khí hậu.

Tuyên bố chung của các ngân hàng phát triển đa phương được xây dựng dựa trên những tiến bộ và kết quả chính đã đạt được cho đến nay.

Năm ngoái, các ngân hàng đã cung cấp tài trợ khí hậu và huy động tài chính tư nhân ở mức kỷ lục.

Cùng với nhau, các bên nói trên đã cam kết 61 tỷ USD tài trợ khí hậu cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, tăng gần 20% so với năm trước đó và gần 100 tỷ ở tất cả các nền kinh tế nơi họ hoạt động.

Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tài trợ cho thích ứng khí hậu chiếm gần 40% số tài trợ cam kết và tổng số tiền đồng tài trợ cho khí hậu đạt 46 tỷ USD, trong đó, 15 tỷ USD là huy động tài chính tư nhân.