Cần thêm nhiều cơ chế thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Hoàng Đông - 17:38, 21/03/2023

TheLEADERQuy định tỷ lệ tái chế bắt buộc, khuyến khích sử dụng nhựa tái sinh là một số khuyến nghị được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đưa ra để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, chính thức có hiệu lực vào năm 2022 đã đưa Việt Nam đã trở thành nước đi đầu về kinh tế tuần hoàn trong số các quốc gia đang phát triển, cũng là lời khẳng định của Chính phủ về tầm nhìn tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Trong đó, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cộng đồng doanh nghiệp đều đồng tình rằng EPR là giải pháp quan trọng và cần thiết để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm xoay quanh việc làm sao để thực thi công cụ này đạt hiệu quả cao nhất, tránh tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.

Kiến nghị với Chính phủ tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu quan điểm, EPR đưa ra tỷ lệ tái chế bắt buộc, từ đó thúc đẩy hoạt động tái chế.

Tuy nhiên, thiếu sót của công cụ EPR tại Việt Nam, theo EuroCham, là chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích tiêu dùng, sử dụng nguyên vật liệu tái chế. Như vậy, rất có thể viễn cảnh sẽ xảy ra trong tương lai gần là vật liệu tái chế tràn lan trên thị trường nhưng không bán được cho ai.

Chính vì điều này, EuroCham kiến nghị cần bổ sung thêm quy định tỷ lệ hàm lượng vật liệu tái chế bắt buộc trong sản phẩm sản xuất hoặc nhập khẩu để sử dụng tại thị trường Việt Nam.

Thị trường vật liệu thứ cấp cũng là mối quan tâm của các doanh nghiệp Anh quốc, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham). Những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng nhựa tái sinh thay cho nhựa nguyên sinh là điều được BritCham đề xuất với Chính phủ tại VBF 2023.

Mặt khác, để vật liệu tái chế đáp ứng được tiêu chuẩn sử dụng mà không làm giảm đi chất lượng sản phẩm, đại diện cộng đồng doanh nghiệp EU cũng đề nghị công bố danh sách những tiêu chí rõ ràng cho các nhà tái chế, dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chí này cũng cần phải bao gồm nội dung về môi trường như xử lý nước thải, khí thải…, tránh tình trạng các đơn vị tái chế trở thành nguồn ô nhiễm thứ cấp.

Tuy nhiên, tái chế chỉ là một mắt xích trong chuỗi mô hình kinh tế tuần hoàn. Để thực sự khép kín vòng lặp nguyên vật liệu, hệ thống theo dõi chất thải đạt chuẩn, bao gồm thông tin về thành phần, độ bẩn, đặc tính, nguồn thái… cần phải được thiết lập.

Phát biểu tại phiên cấp cao VBF 2023, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, cho biết, VCCI đang xây dựng và sẽ công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) vào tháng 4 tới đây.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đây là bộ chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh xanh, đánh giá mức độ tuân thủ cũng như ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của doanh nghiệp địa phương, đồng thời đánh giá mức độ quan tâm và khuyến khích đầu tư xanh của chính quyền.

Theo EuroCham, đã có nhiều hệ thống, chương trình theo dõi, truy xuất nguồn gốc chất thải trên toàn cầu nhưng vẫn chưa có “cầu nối” nào để đưa những hệ thống, chương trình này áp dụng tại Việt Nam. Do đó, một cơ chế thừa nhận lẫn nhau giữa cơ chế quốc tế và dữ liệu thu gom, tái chế chất thải của Việt Nam là điều cần thiết để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Song song với cơ chế khuyến khích, chế tài xử lý vi phạm cũng cần phải được kiện toàn. Thực tế, tình trạng vi phạm quy định về môi trường trong sản xuất, kinh doanh vẫn còn rất phổ biến ở cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ những quy định môi trường.

Vì vậy, EuroCham đề xuất cần nâng mức xử phạt để hạn chế tối đa những hành vi sản xuất, kinh doanh gây hại tới môi trường. Đây sẽ là động lực quan trọng để doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị cho bước chuyển tiếp sang kinh tế tuần hoàn.