Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích

Kiều Mai - 09:11, 07/01/2019

TheLEADERMàu đỏ của máu giờ đây đã trở thành màu xanh của đước, của rừng, nhắc nhở thế hệ sau về một thời đau thương nhưng đầy hào hùng của các chiến sĩ chiến khu Rừng Sác.

Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 1 giờ ô tô nhưng huyện Cần Giờ rất khác với nhịp sống sôi động, ồn ã nơi phố thị. Xe chúng tôi đi nhanh trên con đường nhựa thẳng tắp, hai bên ngập tràn màu xanh của cây cối.

Sở hữu hơn 30.000 hecta rừng ngập mặn, Cần Giờ hiện đang là quần thể các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nếu không được giới thiệu, có lẽ không nhiều người tưởng tượng ra rằng thiên đường của các loài sinh vật này cách đây gần 50 năm là vùng đất “rừng thiêng nước độc” đầy bom đạn, đầy gian khổ và hi sinh.

Ít ai biết rằng, nằm sâu trong rừng đước là trung tâm đặc khu Rừng Sác, nơi những chiến sĩ của Đoàn 10 đặc công nước sinh sống và chiến đấu với Mỹ gần một thập kỷ.

Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích
Để vào sâu bên trong, du khách có thể di chuyển bằng ca nô nếu nước dâng cao hoặc đi theo đường bộ với chiều dài khoảng 2 km

Với khoảng 1.000 chiến sĩ, cán bộ, Đoàn 10 được giao nhiệm vụ phá hủy mặt hậu cần của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, đánh chìm các loại tàu chiến, ngăn chặn con đường huyết mạch cũng như đánh phá các mục tiêu bến cảnh mà tàu về dự trữ bom đạn, nhiên liệu và lương thực.

Là trung tâm đầu não của Mỹ ngụy, nơi chỉ huy một đội ngũ chiến tranh khổng lồ của miền Nam Việt Nam với hàng triệu lính, trăm ngàn xe tăng, máy bay, tàu chiến nhưng chính quyền lúc bấy giờ vẫn không làm sao bứng được cái gai nhọn chiến khu Rừng Sác nằm cách Sài Gòn chưa đầy 30 cây số.

Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 1
Khu làm việc, sinh sống được thiết kế đơn sơ, sử dụng chất liệu địa phương

Hàng ngày, tàu chiến và máy bay Mỹ rót vào chiến khu Rừng Sác nào bom, nào đạn, cả những cuộc đổ bộ lính bộ binh với quy mô lớn và liên tục hòng tiêu diệt bằng được các chiến sĩ đặc công.

Đối phó với cuộc chiến tranh hiện đại và tàn bạo của Mỹ ngụy là lòng quả cảm và trí thông minh của những chiến binh anh hùng. Họ ẩn hiện khắp nơi và liên tục gây thiệt hại cho đối phương trong điều kiện khắc nghiệt và cái chết luôn rình rập.

Họ đã sống bởi sự đùm bọc của nhân dân và tồn tại bởi chính nghĩa mà họ đeo đuổi, đó là giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước.

Chúng tôi – những người trẻ và cả thế hệ trước không khỏi giật mình khi nhìn lại cuộc sống đầy nguy hiểm và thiếu thốn nơi đây. 

Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 2
Môi trường đầm lầy khiến các chiến sĩ đặc công phải chiến đấu với thêm một kẻ thù là cá sấu

Ngày ấy, pháo đài B52 với hàng vạn tấn bom và chất độc rải thảm làm cho chiến khu trở nên trơ trụi. Sự sống tưởng như không còn trên chiến khu Rừng Sác khi cái chết luôn đứng trước mặt bởi bom đạn, bởi cá sấu nhưng điều kì tích vẫn xảy ra với những trận đánh khiến Sài Gòn khiếp sợ.

Tháng 8/1966, Mỹ đưa vào tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp, 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm với lực lượng bảo vệ dày đặc cả dưới sông, trên bộ và trên trời.

Trong hơn 1 tháng, các chiến sĩ đặc công phải dầm mình trong nước, trong bùn để nghiên cứu địa hình, địa vật và đưa ra kế hoạch tác chiến. Sáng ngày 23/8, chỉ với 2 quả thủy lôi, các chiến sĩ đặc công đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10.000 tấn cùng khí giới chìm xuống lòng sông.

Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 3
Mô hình các chiến sỹ nghiên cứu trận đánh kho xăng Nhà Bè

Một trận đánh khác không thể không kể tới chính là trận kho xăng Nhà Bè với lời thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng chưa về". Đầu tháng 12/1973, chỉ với 8 chiến sĩ dũng cảm mưu trí, Đoàn 10 Rừng Sác đã vượt qua sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn đốt kho xăng Nhà Bè cháy suốt 12 ngày đêm.

Sau ngày hòa bình, 860 chiến sĩ đã ngã xuống mảnh đất này khi tuổi mới đôi mươi và trong đó, hơn 540 người đã không thể tìm thấy xác và hài cốt, một phần do hoạt động ở môi trường sình lầy, bom đạn làm mất mộ và một phần là vì cá sấu ăn thịt.

Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 4
Những kỷ vật của một thời chiến đấu gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng
Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 5
Các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã ngã xuống mảnh đất này vì lý tưởng hòa bình cho dân tộc
Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 6
Mô hình tái hiện khu vực cứu chữa thương, bệnh binh
Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 7
Bồn chứa nước mưa sinh hoạt
Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 8
Xưởng quân giới
Chiến khu Rừng Sác: Nơi đầm lầy vẫn mọc lên kỳ tích 9
Chiến khu giờ đây đã xanh trở lại, vũ khí được thay bằng ý trí và trí lực