Chọn cách chơi mới với Trung Quốc

Phạm Sơn - 09:49, 16/12/2023

TheLEADERThị trường, nền kinh tế Trung Quốc đã có những sự “lột xác”, đòi hỏi mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc cũng phải có thay đổi để tận dụng cơ hội mới.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Tính riêng 11 tháng năm nay, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 155 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 55 tỷ USD.

Có thị trường rộng lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người, lại có chung đường biên giới, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán tiêu dùng với Việt Nam nên hiển nhiên Trung Quốc có nhu cầu lớn nhập khẩu hàng từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ nhiều năm nay đều thích xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, bởi đây được coi là một thị trường tương đối dễ tính, đặt ra ít rào cản thương mại hơn so với các thị trường lớn khác như châu Âu, Mỹ.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc đang dần trở nên khó tính, dẫn đến hàng hóa Việt Nam ngày càng khó xâm nhập được vào thị trường này.

Tiêu biểu, những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như lệnh 248, 249 gần đây được Trung Quốc ban hành, với nội dung đã có sự tham khảo các quy định của Mỹ, châu Âu, đã gây ra tình trạng tắc biên hàng nông sản trong suốt một thời gian dài.

Không thể nói Trung Quốc “chơi xấu” trong trường hợp này, bởi lẽ trước khi thi hành lệnh 248, 249, nước bạn đã báo trước khoảng một năm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị.

Mặt khác, việc ban hành tiêu chuẩn mới hoàn toàn là dễ hiểu khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngày càng phát triển, chuẩn mực tiêu dùng cũng được nâng cao.

Giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu theo tư duy “tránh bỏ trứng vào cùng một giỏ” được đưa ra để doanh nghiệp tránh thiệt hại bởi những thay đổi từ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, dù có đa dạng thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ lớn, lại thuận lợi về kho vận.

Mặt khác, nếu đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn để xuất sang Mỹ, Nhật, châu Âu thì không có lý do gì doanh nghiệp lại phải “chịu thua” thị trường Trung Quốc. Như vậy, sự thay đổi của thị trường Trung Quốc đang triệt phá đi kênh xuất khẩu dễ tính của Việt Nam, đặt doanh nghiệp Việt vào tình thế bắt buộc phải thay đổi để nâng cao chất lượng và quy chuẩn.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần phải tự nâng cao tiêu chuẩn thị trường. Bởi lẽ, hàng hóa kém chất lượng không còn dễ tiêu thụ tại Trung Quốc, rất có thể sẽ chuyển hướng sang những thị trường lân cận, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường cũng như sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng.

Chọn cách chơi mới với Trung Quốc
Trung Quốc và Việt Nam đều mong muốn nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế phù hợp với tiềm năng cũng như nhu cầu thời đại. Ảnh: Hoàng Anh

Bên cạnh thương mại, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, từ những bất ổn toàn cầu cũng như chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài của thị trường Trung Quốc.

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam bổ sung dòng vốn đầu tư phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều quan ngại rằng, liệu sự tăng trưởng từ dòng vốn này có thực chất, có đem lại giá trị gia tăng cho Việt Nam hay các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là kênh tạm nhập tái xuất, là điểm đến cho những dây chuyền cũ, lạc hậu?

Cần phải nhìn nhận, Trung Quốc từ lâu nay vẫn được mệnh danh là công xưởng của thế giới, nơi diễn ra phần lớn các hoạt động sản xuất, lắp ráp, gia công phục vụ cho những chuỗi cung ứng khổng lồ, từ da giày, dệt may cho đến điện tử, viễn thông, cơ khí.

Tuy nhiên, công xưởng này đang trở thành công xưởng công nghệ cao. Những năm gần đây, Trung Quốc thành lập hàng trăm khu công nghệ cao khắp đất nước, quy tụ những phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu phát triển có trình độ cao.

Trung Quốc cũng đang dẫn đầu số lượng bằng sáng chế hàng năm, với số lượng áp đảo Mỹ trên nhiều lĩnh vực, theo số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Đây chính là “vốn” để Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia G7 ở các lĩnh vực được coi là sẽ dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu trong tương lai như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, xe điện, công nghệ viễn thông.

Tiến lên một bậc thang mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có thể sẽ tiếp nhận “những gì còn sót lại” của nền công nghiệp lạc hậu trước kia. Tuy nhiên, nếu đã đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư, hợp tác công nghệ cao với các nền kinh tế khác, Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác bình đẳng với Trung Quốc để tham gia những ngành công nghệ mới.

Muốn làm được điều này, Việt Nam cần phải tỉnh táo để lựa chọn, sàng lọc kỹ lưỡng các dự án đầu tư đến từ Trung Quốc, thông qua việc thiết lập những tiêu chí, cam kết đầu tư rõ ràng và tránh tình trạng trải thảm đỏ để bất chấp thu hút đầu tư phục vụ cho “căn bệnh thành tích”.

Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến có thể nói là ngoạn mục sau gần 40 năm thực hiện Đổi mới. Hơn nửa thế kỷ cải cách, Trung Quốc cũng “lột xác” hoàn toàn, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới, được dự kiến sẽ “soán ngôi” Mỹ trong tương lai không xa.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam mong muốn hợp tác công bằng với Trung Quốc như một điểm tựa cho phát triển kinh tế. Mặt khác, Trung Quốc cũng rất coi trọng Việt Nam, có thể thấy qua 36 văn kiện hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước được ký kết nhân dịp chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Rõ ràng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều không mong muốn tiếp nhận hàng hóa hay dòng vốn kém chất lượng từ phía đối phương. Quan hệ kinh tế Việt – Trung còn nhiều dư địa để nâng tầm, tuy nhiên sẽ cần phải diễn ra theo một cách mới, phù hợp với trình độ phát triển, tham vọng của hai nước cũng như xu thế của thời đại.