Cơ giới hóa và chế biến nông sản Việt cần 'cú đấm thép' về chính sách

Nhật Hạ - 19:47, 21/02/2020

TheLEADERThủ tướng cho rằng Chính phủ cần tập trung vào chính sách nào được coi là ‘cú đấm thép’ để tháo gỡ vướng mắc, phát triển nông nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa.

Cơ giới hóa và chế biến nông sản Việt cần 'cú đấm thép' về chính sách
Cơ chế chính sách hiện chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ giới hoá nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã phát triển trong 10 năm qua với công suất khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu một năm, cùng hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra...

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5 - 7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 8 - 10%/năm, trong đó, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD và có mặt tại hơn 186 nước và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, chiếm trên 70%, có thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn). Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm, bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác. 

Tổn thất sau thu hoạch còn lớn ở mức 10 - 20% do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu.

Sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70 - 85%. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15 - 30%, trong đó thủy sản chiếm 30%, các loại nông sản khác khoảng 10 - 20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm 10%.

Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện. Trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.

Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế nên hiệu quả chính sách không cao.

"Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này trong thời gian qua nhưng chưa tập trung", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp hôm nay.

"Nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp", theo Thủ tướng. 

Tuy vậy, lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Cơ giới hóa còn thấp, thấp hơn cả Thái Lan, nên năng suất lao động nông nghiệp thấp. 

Do đó, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào chính sách nào được coi là ‘cú đấm thép’ để tháo gỡ vướng mắc, phát triển nông nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Cơ giới hóa và chế biến nông sản Việt cần 'cú đấm thép' về chính sách
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị hôm nay. Ảnh: Quang Hiếu.

Thủ tướng nêu ra 8 vướng mắc chính trong ngành nông nghiệp.

Thứ nhất, "nếu nông sản không chế biến sẽ khó tăng giá trị", chế biến sâu là hướng đi quan trọng để nông sản Việt chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”.

Ví dụ, thanh long chỉ có thể giữ 20 ngày, chuối 40 ngày nên nếu vận chuyển xa thì khó giữ tươi, khâu bảo quản phức tạp.

Thứ hai, "Việt Nam ở đâu cũng có sản phẩm nông nghiệp, cũng có đặc sản", cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều rất quan trọng.

Thứ ba, vai trò của thị trường nội địa còn yếu, cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đây được xem là ưu tiên hàng đầu để người dân có nông thủy sản sạch, có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ tư, năng suất lao động nông nghiệp còn thấp. Tỉ lệ lao động trong nông nghiệp cần giảm mạnh bằng cách áp dụng cơ giới hóa. Đồng thời, lao động quản lý cũng rất quan trọng, “một người lo bằng kho người làm”.

Thứ năm, về định hướng chính sách cho lĩnh vực, cần kéo dài thời gian, giảm lãi suất vì tỉ suất lợi nhuận trong nông nghiệp thấp, đồng thời đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lưu ý vấn đề này.

Thứ sáu, ngành nông nghiệp cần tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ như có các giống mới chịu hạn, mặn tốt, ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí để nâng cao giá trị, chất lượng.

Thứ bảy, muốn cạnh tranh được, nông sản Việt cần tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển.Ví dụ, xuất khẩu một quả xoài từ Đồng Tháp thì chi phí logistics chiếm khoảng 50%.

Thứ tám, Việt Nam cần xây dựng thương hiệu nông sản. Từ đó, quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, tạo tiền đề để đẩy mạnh sản phẩm vào các siêu thị lớn, trung tâm lớn, xuất khẩu lớn.

Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý về chính sách tích tụ ruộng đất và cho biết, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một nghị quyết về chính sách đất đai trong nông nghiệp.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đứng trong Top 10 thế giới về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. 

Về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, phấn đấu đến 2030, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. 

Sắp tới, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đầu đứng trong Top 5 nước hàng đầu thế giới về chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ.