Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: Bình đẳng trong giáo dục là quyền được từ bỏ

Đặng Hoa - 10:02, 14/01/2019

TheLEADERNhiều phụ huynh hiện nay đang ép con mình đi trên con đường các em không hề mong muốn, khiến các em bị áp lực đè lên và phải mang theo gánh nặng không đáng có ấy suốt đời.

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: Bình đẳng trong giáo dục là quyền được từ bỏ
Cựu CEO FPT, Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam. Ảnh: fpt.edi

Xuất phát từ ước mơ theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin, một người đàn ông 40 tuổi tìm đến FUNiX, trường đại học online đầu tiên của Việt Nam do cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam sáng lập. Sau một kỳ học đầu tiên, anh này quyết định nghỉ học với lời cảm ơn tới trường “Cảm ơn trường đã giúp em nhận ra rằng: em có ước mơ, em đã được thử nhưng em không phù hợp và không nên đi trên con đường này”.

Đối với nhiều người, đây có vẻ là một câu chuyện thất bại của người đàn ông trung tuổi bị lỡ bước giữa lưng chừng, thậm chí chưa học hết một năm đã bỏ học. Thế nhưng đối với ông Nguyễn Thành Nam, người đàn ông ấy đã thực sự tốt nghiệp khi tìm ra sự thật rằng mình không nên trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

“Tốt nghiệp là tự trả lời được câu hỏi của chính cuộc đời mình, ‘tôi là ai? tôi muốn gì? và điều gì phù hợp với tôi?’ chứ không phải là những con điểm 7, điểm 8 hay một tấm bằng trên tay”, ông Nam cho biết.

Kể lại câu chuyện của chính mình khi vẫn còn trên ghế nhà trường, là học sinh của trường chuyên, lớp chọn được cả bố mẹ và thầy cô yêu mến, ông Nam chia sẻ, dù là niềm tự hào của gia đình và nhà trường song ông cũng phải trải qua không ít áp lực và khổ hạnh.

Nhờ may mắn vượt qua được sức ép và kỳ vọng từ gia đình và chính bản thân mình, không như bao người khác phải mang theo đến già, cựu CEO FPT sẵn sàng từ bỏ kiến thức của những năm tháng du học ở Nga để làm những điều mới mẻ mà ông thích sau khi về nước.

Đối với ông Nam, sự từ bỏ cũng chính là điều thể hiện tính bình đẳng trong giáo dục. Nhiều khi phụ huynh ép con cái đi trên con đường mà các em không muốn nhưng cũng không dám từ bỏ.

“Không hợp thì phải được quyền từ bỏ nhưng nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng cho điều này nên vô hình trung khiến nhiều em phải mang theo gánh nặng không đáng có suốt cả đời”, ông Nam chia sẻ với TheLEADER bên lề buổi giao lưu với chủ đề Bình đẳng giáo dục cho mọi người nằm trong khuôn khổ lễ hội âm nhạc BridgeFest - Thu hẹp khoảng cách do Đại sứ quán Hoa Kỳ và Oxfam Việt Nam tổ chức.

Ngày xưa suy nghĩ về điểm số quá nhiều đã tạo áp lực cho sinh viên, nhưng để học tốt và thành công, ông Nam cho rằng phải tiếp xúc nhiều hơn. Theo đó, mục đích lớn nhất của việc học ở trường có thể không phải là giúp sinh viên có tấm bằng đẹp, có được công việc đúng chuyên môn qua thời gian mà là giúp họ khám phá ra đam mê của mình là gì và chính xã hội sẽ giúp họ thực hiện điều đó.

“Điều quan trọng là cần cân bằng sức khoẻ, đam mê và hạnh phúc. Giáo dục phải làm cho người ta tốt lên từ trong cảm xúc. Giáo dục giúp chúng ta tìm ra chính mình và hiểu ra chính mình”, lãnh đạo FUNiX nhìn nhận.

Nhận thức được điều đó, ngay từ khi thành lập “trường đại học trên mây” đầu tiên của Việt Nam, ông Nam đã xác định nguyên tắc hoạt động của FUNiX là sinh viên có quyền lựa chọn thời điểm tốt nghiệp. Tốt nghiệp là quyết định của sinh viên, không phải là quyết định của nhà trường.

Theo ông Nam, điều quan trọng nhất sinh viên bây giờ cần có là tinh thần tự học. Nói về bình đẳng trong giáo dục, rõ ràng ai cũng có quyền được học nhưng đó cũng là con đường mỗi người nắm giữ cho chính mình.

Tuy nhiên, thực tế được ông Nam chỉ ra là các trường học ở Việt Nam đang dạy nhiều quá nên khiến sinh viên mất đi tính tự học, sự hứng thú tự tìm tòi, nghiên cứu và đến lúc chán nản thì không dám ra quyết định và quay trở lại đổ lỗi cho thầy cô.

“Học hành không phải là con đường cao tốc. Con đường ấy có nhiều lối rẽ và các bạn phải đưa ra quyết định có rẽ hay không. Tất nhiên, có thể tham vấn những người có kinh nghiệm nhưng người đưa ra quyết định rẽ chỗ nào cuối cùng vẫn là sinh viên. Quyết định đó có thể sai nhưng những sai lầm đó sẽ giúp họ lớn lên và thành công, quan trọng là phải tự tin”, nhà sáng lập đại học FUNiX nhận định.

Nhìn nhận những yếu tố cản trở sinh viên tiếp cận sự bình đẳng đặc biệt này, ông Nam cho rằng nếu mọi người có thể dừng lại khi cuộc sống có áp lực thì việc nghỉ học khi gặp áp lực ở trường học là không thể vì chắc chắn sẽ bị đuổi học.

Ngoài ra, phụ huynh cũng là một yếu tố cản trở rất lớn những quyết định táo bạo của sinh viên. Ông Nam cho biết, học sinh, sinh viên hiện nay đang học theo ý bố mẹ thay vì mong muốn của chính mình. Theo đó, muốn có bình đẳng trong giáo dục thì phụ huynh phải thay đổi tư duy.

“Việc bỏ dở giữa chừng khi học tập quá áp lực hoặc cảm thấy không phù hợp đang diễn ra và sẽ trở thành xu thế thế. Tuy nhiên, khi điều này đáng nhẽ ra là một việc hết sức bình thường thì chính hệ thống giáo dục hiện nay đang biến nó trở thành ngoại lệ (exception)”, ông Nam khẳng định.

Theo nhà sáng lập FUNiX, Internet sẽ là một môi trường giáo dục bình đẳng nơi một cậu bé người dân tộc thiểu số hoàn toàn có cơ hội tiếp cận với những chương trình giáo dục tốt như sinh viên của một trường đại học hàng đầu của Mỹ mà không hề phải trả chút học phí nào. Đó là nơi sinh viên có thể nghỉ chân giữa đường mỗi khi mỏi mệt để đưa ra quyết định tiếp tuc bước đi hay tìm một lối rẽ mới. Và đó cũng sẽ là một môi trường lý tưởng để sinh viên tiếp xúc với thế giới rộng lớn hơn và tự tìm kiếm cho mình đâu là đam mê.

Tại mô hình học tập mà FUNiX đang áp dụng, bình đẳng là quyền được đi học và cũng là quyền được dừng lại khi việc học quá nặng nề. Nếu sau này sinh viên có mong muốn cũng có thể quay lại tiếp tục chương trình đang bỏ giữa chừng.

Bình đẳng còn liên quan đến vấn đề về khoảng cách. Theo đó, đối với những người ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến các thành phố lớn để học thì cần phải tìm cách mang trường đến cho họ. Nếu làm bằng phương pháp truyền thống chắc chắn sẽ không hiệu quả và Internet và giáo dục từ xa sẽ là lời giải cho bài toán hóc búa này.