Đã đến lúc tái cơ cấu du lịch Đà Nẵng

Quỳnh Chi - 09:13, 18/09/2020

TheLEADERĐiểm đến du lịch Đà Nẵng đã phát triển đến cuối giai đoạn “trưởng thành” và bước vào đầu giai đoạn “suy thoái” với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên “nhàm chán” với du khách.

Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Với việc đón 8,7 triệu lượt khách năm 2019, tỷ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của địa phương này đã đạt tới 31,4%. Đây được xem là tỷ lệ đóng góp vào loại lớn nhất so với các địa phương có ngành du lịch phát triển trong cả nước.

Đã đến lúc tái cơ cấu du lịch Đà Nẵng
PGS, TS Phạm Trung Lương

Tuy nhiên tại buổi họp bàn về Đề án cơ cấu lại ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng 2030, PGS,TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhận định, sự xuất hiện của nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò ngành kinh tế mũi nhọn cũng như sự phát triển bền vững của điểm đến Đà Nẵng đã đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng.

Thứ nhất, du lịch Đà Nẵng đang quá phụ thuộc vào một số thị trường mà hiệu quả còn hạn chế trong khi tiềm ẩn rủi ro biến động thị trường. Tỷ trọng của thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong tổng số khách du lịch quốc tế tăng liên tục trong những năm gần đây và đạt 70,5% năm 2019. Trong khi đó, mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của những thị trường này thấp hơn nhiều so với các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ.

Mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch, nhất là du khách quốc tế hiện có xu hướng giảm. Công suất sử dụng buồng trung bình cũng đi theo xu hướng này, đặc biệt với nhóm khách sạn 2 sao trở xuống (chỉ đạt 30-40%), trong khi đây là nhóm chiếm tới 37,1% tổng số buồng vào năm ngoái. 

Đây được xem là yếu tố tác động đến việc thực hiện cơ cấu lại du lịch thành phố Đà Nẵng đứng từ góc độ thị trường, để đảm bảo sự phát triển của du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở nên bền vững và hiệu quả hơn. 

Thứ hai, Đà Nẵng hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu phù hợp của hệ thống sản phẩm và dịch vụ du lịch với vai trò “cửa đến - trung tâm” của vùng duyên hải miền Trung và tình trạng mất cân đối trong cơ cấu hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức lãnh thổ du lịch. 

Trong một thời gian dài, hoạt động phát triển du lịch Đà Nẵng chủ yếu tập trung ở dải ven biển, dẫn đến sự mất cân đối trong trong phát triển hệ thống sản phẩm du lịch và các dịch vụ. Điều này làm giảm hiệu quả kinh doanh du lịch, đồng thời hình thành nên “bờ đê” các khu nghỉ dưỡng biển lấp kín đường ra biển, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân cũng như sự phát triển bền vững của du lịch.

Thứ ba, những áp lực của hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt là việc xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, đến môi trường tự nhiên và xã hội ở một số địa bàn du lịch trọng điểm của thành phố mà điển hình là bán đảo Sơn Trà và khu vực trung tâm thành phố đã xuất hiện

Ông Lương cho rằng đây là yếu tố quan trọng đòi hỏi cơ cấu lại du lịch, đặc biệt về thị trường du lịch để đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực của những thị trường du lịch đại chúng đến môi trường tự nhiên và xã hội trên địa bàn thành phố, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Du lịch Đà Nẵng quyết không rơi vào suy thoái
Trong một thời gian dài, hoạt động phát triển du lịch Đà Nẵng chủ yếu tập trung ở dải ven biển

Thứ tư, xét trên khía cạnh vòng đời phát triển, điểm đến du lịch Đà Nẵng đã phát triển đến cuối giai đoạn “trưởng thành” (hưng thịnh) và bước vào đầu giai đoạn “suy thoái” với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên “nhàm chán” với du khách, cần thiết phải đầu tư “làm mới” lại. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần cơ cấu lại đầu tư du lịch để đảm bảo sự phát triển du lịch của điểm đến Đà Nẵng vượt qua được điểm “liệt” này trong vòng đời phát triển điểm đến.

Thứ năm, với tác động ngày một rõ của biến đổi khí hậu, dải ven biển nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng biển của Đà Nẵng đã và đang xuất hiện hiện tượng xói lở. Tình trạng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như các cơn bão mạnh, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng kéo dài... gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của thành phố. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy Đà Nẵng xem xét lại tổ chức lãnh thổ du lịch.

Trước sự bộc lộ những yếu điểm trong phát triển du lịch sau một thời gian phát triển nóng, UBND thành phố Đà Nẵng đã lập tức xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành du lịch thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ngay sau khi cơ bản được kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. 

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, điều chỉnh lại cơ cấu du lịch thành phố theo bốn lĩnh vực cơ bản, gồm: cơ cấu lại thị trường; cơ cấu lại sản phẩm du lịch; cơ cấu lại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (hệ thống cơ sở lưu trú); cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch. 

Đồng thời, du lịch địa phương này chú trọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về lượng khách phù hợp cơ cấu lại thị trường, để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu về thu nhập du lịch, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của thành phố. 

Đà Nẵng phấn đấu đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 50% - 50%; cơ cấu thị trường quốc tế Châu Âu - Bắc Mỹ là 20%, Đông Bắc Á là 57%, Đông Nam Á (gồm ASEAN và Úc, New Zealand) là 20% và thị trường khác (Trung Đông, Nga…) là 3%. Điều chỉnh lại khoảng 60% tổ chức lãnh thổ du lịch thành phố trên quan điểm và nội dung cơ cấu lại theo lãnh thổ.

Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành việc cơ cấu lại du lịch, đạt tỷ lệ giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 45% - 55%; cơ cấu thị trường quốc tế Châu Âu - Bắc Mỹ là 30%, Đông Bắc Á là 40%, Đông Nam Á là 25% và thị trường khác là 5%. Đạt tỷ lệ cơ cấu lại 100% lãnh thổ du lịch.