Dấu ấn doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững

Phạm Sơn - 09:26, 13/10/2022

TheLEADERDoanh nghiệp là chủ thể và là người “dẫn dắt cuộc chơi” trong xu thế phát triển bền vững, theo ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD).

Dấu ấn doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). Ảnh: VEM.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, lực lượng doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp luôn có những đóng góp tích cực và đáng được ghi nhận cho sự phát triển chung của đất nước. Đó là những đại doanh gia khơi dậy tinh thần dân tộc thời kỳ bị thực dân đô hộ, là những nhà tư sản yêu nước cống hiến hết mình cho Cách mạng, cho đến những doanh nghiệp tiên phong khai phá những lĩnh vực mới, làm giàu và dựng xây thương hiệu Tổ quốc.

Đến nay, vai trò là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã được công nhận. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần phát triển về kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tạo ra dấu ấn và tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển bền vững.

Nhân ngày doanh nhân 13/10, TheLEADER đã có buổi trò chuyện với ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban quan hệ đối tác VBCSD,  chuyên gia hàng đầu với nhiều năm kinh nghiệm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững, để nhìn nhận rõ hơn vai trò của doanh nghiệp trong xu thế mới này.

Trước đây, doanh nghiệp được coi là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn về kinh tế, xã hội, tuy nhiên ngày nay đang được nhìn nhận là một “đối tác” quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững. Theo ông, vai trò của doanh nghiệp đối với công cuộc phát triển bền vững là như thế nào?

Ông Phạm Hoàng Hải: Năm 2000, 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đồng thuận về việc thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ (8 MDGs). 8 MDGs này nhấn mạnh vai trò của xã hội và của các nhà nước.

Bối cảnh khi đó, tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các chính phủ để chung tay vào giải quyết các vấn đề như xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, loại bỏ bất bình đẳng, dịch HIV…

Sau đó, khi GDP toàn cầu tăng lên và có những bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cần phải được cập nhật cho phù hợp với bối cảnh. Đến năm 2015, MDGs đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, cũng là lúc Liên hợp quốc đưa ra Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (17 SDGs), cũng là khung tham chiếu cho phát triển bền vững của thế giới hiện nay.

Trong 17 SDGs, chính phủ đóng vai trò xây dựng cơ sở pháp lý, còn doanh nghiệp đóng vai trò thực thi thông qua đóng góp phát triển kinh tế để xây dựng xã hội, đảm bảo các vấn đề xã hội và môi trường. Cả 17 SDGs đều cần phải có kinh tế để thực hiện. Vì vậy, có thể nói, với công cuộc phát triển bền vững hiện nay, doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt cuộc chơi.

Với công cuộc phát triển bền vững hiện nay, doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt cuộc chơi

Vậy doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến sự phát triển bền vững từ khi nào, thưa ông?

Ông Phạm Hoàng Hải: Trước đây, Việt Nam đi theo mô hình bao cấp, doanh nghiệp hoạt động thống nhất của theo sự quản lý của Nhà nước. Đến năm 1986, Việt Nam mới thực hiện đường lối Đổi mới và từng bước mở cửa nền kinh tế. Khu vực tư nhân bắt đầu hình thành và phát triển.

Đến năm 1993, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã mở đường cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh buôn bán trong nước, doanh nghiệp mở rộng sang xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều này đặt ra một vấn đề rằng không phải cứ “bao cấp”, cứ sản xuất cái gì thì thị trường mua cái đó nữa. Thị trường quốc tế là những nền kinh tế tiên tiến hơn Việt Nam, họ yêu cầu hàng hóa phải có chất lượng, bên cạnh đó là quá trình sản xuất phải tốt, không gây hại cho môi trường, quyền lợi của người lao động phải được đảm bảo. Những quy định, yêu cầu đó ngày càng trở nên ngặt nghèo hơn qua thời gian.

Những sức ép từ quá trình mở cửa nền kinh tế, cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài, giao thương trực tiếp với quốc tế đã bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển mình để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không biết phải chuyển mình thế nào, phải bắt đầu từ đâu, tiến hành ra sao. Khái niệm phát triển bền vững, khái niệm ESG (môi trường – xã hội – quản trị) vẫn còn quá xa lạ với đa phần doanh nghiệp Việt Nam.

Từ chính nhu cầu và cũng là nỗi trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi đã xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Bản dự thảo đầu tiên của bộ chỉ số CSI được thai nghén từ năm 2014 do tôi cùng một số chuyên gia, giáo sư đầu ngành.

Đến năm 2015, chúng tôi thí điểm bộ chỉ số này ở một số doanh nghiệp, sau đó chính thức ban hành vào năm 2016. Đồng thời, VCCI kiến nghị và được Chính phủ đồng ý sử dụng CSI để đánh giá, công bố thường niên 100 doanh nghiệp bền vững.

Sau 2 năm thực hiện thành công, đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13 về phát triển bền vững khu vực tư nhân, trong đó giao nhiệm vụ cho VCCI tiếp tục đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bằng CSI, đồng thời phổ cập bộ chỉ số này tới cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tăng cường quản trị, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.

Đến năm 2020, Quyết định 136 về phát triển bền vững được ban hành, việc sử dụng CSI để tăng cường năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhiệm vụ chính trị của VCCI.

Bộ chỉ số VCCI là cách tiếp cận đơn giản nhất theo tư duy logic về thực trạng, trình độ nhận thức về quản trị của doanh nghiệp Việt Nam. Quản trị là hệ thống chính sách, quy định, quy chế… được đưa ra để làm sao công ty vận hành, để cấp cao nhất có thể quản lý cấp thấp nhất.

Trong quá trình quản trị, nhiều rủi ro có thể xảy ra. Rủi ro ở đây hiểu theo nghĩa rộng là không chỉ những rủi ro xảy đến cho doanh nghiệp mà còn cả rủi ro doanh nghiệp có thể gây ra cho môi trường, cho xã hội. Quản trị những rủi ro này là điều cần thiết để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

CSI đưa ra tất cả những điều cần thiết đấy, như một cuốn cầm nang để doanh nghiệp nhìn vào và biết làm sao để thực hành phát triển bền vững. Tôi ví bộ chỉ số CSI như một cuốn thực đơn, để nhìn vào đó, căn cứ trên điều kiện thực tế, mong muốn trong tương lai, doanh nghiệp có thể “chọn món” một cách phù hợp nhất.

Qua quá trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững thông qua bộ chỉ số CSI, theo ông, phát triển bền vững đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Ông Phạm Hoàng Hải: Năm 2019, chúng tôi có làm một cái nghiên cứu về những doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ só CSI. Kết quả nghiên cứu cho thấy rõ, doanh nghiệp áp dụng CSI thì doanh thu tăng, sức chống chịu với các biến động cũng tốt hơn.

Thực hành phát triển bền vững, thực hành CSI giúp doanh nghiệp tạo ra những chính sách lao động tốt hơn, quy trình quản trị hiệu quả hơn, nâng cao trách nhiệm của cả bộ máy, từ trách nhiệm báo cáo của cấp dưới tới trách nhiệm giải trình của cấp trên, cấp lãnh đạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng tiết kiệm tài nguyên, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường. Khi các yếu tố về môi trường, xã hội được cải thiện thì yếu tố kinh tế cũng được nâng cao.

Sức chống chịu của doanh nghiệp thì lại càng được thể hiện rõ qua 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua. Trước biến động chưa từng có tiền lệ là đại dịch Covid-19, doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số CSI tỏ ra bền bỉ hơn hẳn những doanh nghiệp khác.

Điều này là bởi CSI tuy không thể dự đoán được dịch bệnh nhưng đã đưa ra được các vấn đề rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải, từ đứt gãy chuỗi cung ứng cho đến vấn đề thiếu hụt lao động. Doanh nghiệp cũng có sẵn nguồn lực tài chính dự phòng để chi trả lương cho nhân viên, có sẵn hệ thống hậu cần, chuỗi vận tải dự phòng để duy trì chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Thực hành phát triển bền vững, kiến tạo giá trị chung chính là xây dựng giá trị tương lai cho chính doanh nghiệp!

Bộ chỉ số CSI không dự đoán được rằng Covid-19 sẽ xảy ra, cũng không chỉ ra những kịch bản cho doanh nghiệp khi phải đối diện với tác động của Covid-19. Tuy nhiên, CSI đã yêu cầu doanh nghiệp phải tự chuẩn bị cho mình những kịch bản ấy. Đó chính là lý do doanh nghiệp thực hành CSI, thực hành phát triển bền vững thì có sức chống chịu tốt hơn.

Trong dài hạn, có thể nói phát triển bền vững là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp. Thực hành phát triển bền vững tạo ra giá trị cho cộng đồng, kéo kinh tế chung đi lên. Đó chính là thị trường tương lai của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, thực hành phát triển bền vững, kiến tạo giá trị chung chính là xây dựng giá trị tương lai cho chính doanh nghiệp.

Xin chân thành cảm ơn ông!