Đầu tư công cần có trật tự ưu tiên, không nên kiểu 'mỗi tỉnh có một dự án'

An Chi - 14:54, 29/10/2018

TheLEADERNhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nợ công, bội chi lớn buộc Chính phủ phải chọn tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, không thể đầu tư dàn trải.

Đầu tư công cần có trật tự ưu tiên, không nên kiểu 'mỗi tỉnh có một dự án'
Trong 2 năm 2019 - 2020, mỗi năm ngân sách phải bố trí nguồn vốn cho đầu tư công khoảng 237 nghìn tỷ đồng

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29/10 về một số nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước và đầu tư công, Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế về khả năng cân đối ngân sách Nhà nước để bố trí vốn thực hiện hằng năm. Tỉ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2016 – 2020 là 2 triệu tỷ đồng, tuy nhiên tương đương với số vốn này là số lượng dự án không hề nhỏ, 9.620 dự án. Hiện nay ở rất nhiều địa phương, số lượng các dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Đặc biệt, với nguồn trái phiếu Chính phủ thì 64 tỉnh thành phố được phân bổ một dự án trong số 260.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới, họ chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án. Ví dụ ở Australia, năm 2018 kế hoạch đầu tư công trung hạn tập trung vào 4 dự án lớn trong đó là dự án sân bay. 

“Còn ở Việt Nam lại làm phép chia một cách khoa học là lấy tổng số vốn chia cho tổng số các dự án được triển khai thì thấy rằng mong muốn được có các dự án quy mô lớn sẽ rất là khó khăn”, bà Mai nói.

Đầu tư công cần có trật tự ưu tiên, không nên kiểu 'mỗi tỉnh đều có một dự án'
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 29/10

Công bằng là nguyên tắc quan trọng được đề cập trong hầu hết nghị quyết về phân bổ ngân sách. Tuy nhiên công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số dự án, một số địa phương được chú trọng mà thực sự cần có một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình thích hợp, dần dần hoàn thiện bức tranh đầu tư công trên toàn quốc, bà Mai nhấn mạnh thêm.

Do đó, vị đại biểu này cho rằng cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có khả năng lan tỏa vùng, miền, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng nêu thực trạng trong 3 năm qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đều không đạt dự toán và nghị quyết của Quốc hội. Năm 2016 đạt 84%; năm 2017 là 81,7% và năm 2018 dự kiến đạt 88,12. 

Trong khi đó giải ngân vốn trái phiếu của Chính phủ cũng rất thấp, trung bình chỉ trên 40%. Việc giao kế hoạch chậm và giải ngân chậm gây giảm hiệu quả đầu tư. Ông Tiến kiến nghị phân tích nguyên nhân chậm giao kế hoạch, giải ngân chậm, xem xét lại các quy định để sửa đổi cho phù hợp tình hình hiện nay.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, khả năng cân đối ngân sách bố trí vốn hằng năm gặp nhiều nhiều khó khăn do việc hoàn thiện thủ tục và lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn còn nhiều bất cập. Lần đầu tiên thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công khiến các bộ, ngành, địa phương lúng túng trong triển khai thủ tục và chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn các dự án tối ưu.

Việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế, do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu, một số bộ, ngành, địa phương sau khi thanh toán nợ đọng, hoàn ứng và bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, gần như không còn đủ vốn để bố trí vốn cho các dự án khởi công mới. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, hiện chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương, nhiều dự án cấp bách, trọng điểm, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí. Tình trạng mất cân đối giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ngày càng tăng, không bảo đảm mục tiêu ngân sách Trung ương đóng vai trò chủ đạo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành và địa phương đôi khi còn bị chậm và thực hiện nhiều lần trong năm 2015, 2016, tuy nhiên đã có cải thiện đáng kể từ kế hoạch năm 2017. Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm còn vướng nhiều thủ tục hành chính, chưa chủ động, kịp thời.

Trong 2 năm còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2015 - 2020, do tốc độ tăng năm sau so với năm trước thấp, nên đã dẫn tới hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019, 2020 của kế hoạch đầu tư trung hạn còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hằng năm.

Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 26 của Quốc hội, trong hai năm tới, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách Trung ương khoảng 237 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu tư là một quá trình liên tục, sẽ có một bộ phận hạn mức vốn thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ được chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục bố trí kế hoạch hằng năm và thực hiện.

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, các đại biểu cho rằng cần đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; cụ thể hóa phương án nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, xin cho trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, có giải pháp chống thất thu, nợ thuế để nâng cao hiệu quả thu ngân sách; rà soát tổng thể để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm gây thất thoát, lãng phí đầu tư công.