Đi tìm sự khác biệt văn hóa của đối tác kinh doanh

Nguyễn Minh Hoà - 08:30, 14/11/2019

TheLEADERHiểu biết chu toàn về sự khác biệt của đối tác kinh doanh đến mức cần và đủ, để biết cách ứng xử sao cho đúng, cho phù hợp chứ không phải vì sự khác biệt mà tránh né hay tẩy chay.

Lâu nay, theo tư duy truyền thống, phần lớn các tổ chức chính trị, hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam chú trọng đi tìm sự tương đồng trong khi thiết lập các mối quan hệ kinh tế -chính trị và an ninh quốc phòng với đối tác là nước ngoài. 

Sự tương đồng trong văn hoá, phong tục tập quán giúp các bên dễ tìm tiếng nói chung, dễ cảm thông với nhau và cả việc dễ xuề xoa cho nhau khi sơ suất. Điều này diễn ra không chỉ ở cấp quốc gia mà còn cả trong quan hệ cá nhân. 

Nếu để ý sẽ thấy hầu như trong thông cáo báo chí quốc gia về mối quan hệ của Việt Nam với quốc gia nào cũng có đoạn được nhấn mạnh là chúng ta (Việt Nam và đối tác) có rất nhiều điểm tương đồng về văn hoá. 

Đó được coi là một nội dung quan trọng, cho dù trên thực tế sự tương đồng đó rất mơ hồ, chẳng hạn như với các quốc gia ở tận châu Phi, ở sa mạc cát nóng hay là một hòn đảo bé tí tẹo ở đâu đó giữa đại dương mênh mông.

Những chuyện như sự tương đồng vì là hai bên đều có biển, đều làm nông nghiệp thì quả thực không ai cãi nhưng thấy lăn tăn. Thật ra tương đồng thì rất hay rồi, nhưng không phải là không có cái dở. 

Ông Apiwat, GS. của ĐH Chulalongkorn đã từng chỉ ra nguyên nhân tại sao các nước Đông Nam Á rất khó hợp tác chặt chẽ về kinh tế, bởi vì anh có cái gì, tôi cũng có cái đó. Nước nào cũng có gạo, cao su, cà phê, điều, chè, trái cây, tôm cá, nên dễ động chạm nhau, như chuyện cạnh tranh giá bán gạo giữa Thái Lan và Việt Nam là một ví dụ.

Đi tìm sự khác biệt văn hóa của đối tác kinh doanh
Phỏng vấn nhà quản lý Hàn Quốc và công nhân Việt Nam tại nhà phân xưởng sản xuất ở Bình Dương, 1998.

Khoảng 20 năm trở lại đây, một xu hướng khác đang nổi lên rất mạnh mẽ, đó là đi tìm sự khác biệt của những người hợp tác. Chính sự khác biệt trong văn hoá, tôn giáo, phong tục tập quán, đời sống và nhất là các chuẩn mực giá trị mới làm nên chân dung của phía hợp tác. 

Vấn đề quan trọng nhất ở đây là cần hiểu biết chu toàn về sự khác biệt đó đến mức cần và đủ, để biết cách ứng xử sao cho đúng, cho phù hợp chứ không phải vì sự khác biệt mà tránh né hay tẩy chay. Ngay trong bản thân sự tương đồng cũng bao hàm cả sự khác biệt. 

Chúng ta thường nói Việt Nam, Lào, Campuchia có rất nhiều sự tương đồng về văn hoá, cùng làm nông nghiệp lúa nước, cùng là đạo Phật, cùng chung biên giới, cùng ăn cơm bằng đũa nhưng trong những cái cùng tương đồng ấy là có biết bao điều khác biệt, nếu coi cái tương đồng lấn át sự khác biệt thì trong nhiều trường hợp sự thất bại trong làm ăn lại chính từ các “khác tí chút ấy”.

Thực tâm mà nói, Việt Nam và Liên Xô cũ, nước Nga ngày nay có rất ít sự tương đồng (hoạ chăng là các giá trị Xô Viết đã mất), mà cái khác biệt nhiều hơn, từ môi trường, khí hậu, con người, phong tục tập quán, đến ẩm thực, nhưng tại sao Việt - Nga lại là mối quan hệ bền chặt chung thuỷ.

Rõ ràng, sự khác biệt nếu thấu hiểu, nếu chấp nhận sẽ là một ưu thế trong quan hệ không chỉ trong chính trị, an ninh quốc phòng mà cố nhiên cả trong kinh doanh.

Hiện nay, Hàn Quốc là một trong ba quốc gia có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, luôn đứng thứ nhất hoặc là hai ở TP. HCM và đứng đầu trong các cộng đồng nước ngoài có dân cư cư trú đông nhất tại Việt Nam với khoảng 120.000 người, chủ yếu ở TP. HCM và Bình Dương, Đồng Nai. Có thể nói Hàn Quốc rất thành công khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng để có được vị thế này, họ đã phải trả giá rất đắt cho việc “thấu hiểu văn hoá” địa phương.

Còn nhớ vào năm 1993, khi những công ty Hàn Quốc đầu tiên đầu tư vào khu vực Đông Nam Bộ thì ngay lập tức xảy ra những trục trặc. Suốt trong ba năm từ 1997 đến 1999, hầu như trên tất cả các mặt báo, truyền hình của Việt Nam phản ánh về xung đột giữa công nhân Việt Nam với chủ Hàn Quốc. Công nhân Việt Nam bị phơi nắng, chạy quanh nhà xưởng, thậm chí cả đánh nhau giữa hai phía. Riêng trong hai năm 1997 - 1998 có 70 vụ đình công diễn ra tại các công ty Hàn Quốc.

Sau đó, những tin tức này cũng được đăng tải trên báo chí, truyền hình của Hàn Quốc tạo ra một làn sóng bức xúc về hình ảnh xấu xí của người Hàn Quốc tại Việt Nam, thậm chí là có nhiều ý kiến là rút người về không đầu tư vào Việt Nam nữa, đỉnh điểm là Tổng thống Hàn Quốc khi ấy là Kim Dae-Jung phải triệu tập một cuộc họp nội các để bàn về vấn đề này. 

Ông đã chỉ thị cho các trường đại học và viện nghiên cứu của Hàn Quốc phải làm rõ lý do tại sao đưa đến cơ sự này. Một cuộc khảo sát lớn được thực hiện bởi 12 giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ Hàn Quốc (tác giả bài viết này tham gia với vai trò đồng chủ nhiệm dự án) trong 6 tháng của năm 1998 tại 8 công ty Hàn Quốc tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, hơn 300 công nhân Việt Nam, 50 nhà quản lý Hàn Quốc và 50 nhà quản lý Việt Nam được chọn trong mẫu khảo sát.

Đi tìm sự khác biệt văn hóa của đối tác kinh doanh 1
Phỏng vấn các lãnh đạo một công ty tại khu Công nghiệp Massan, Hàn Quốc về văn hoá và triết lý kinh doanh, 1998.

Kết luận cuối cùng được đưa ra là ở đây không có sự hận thù hay tẩy chay nào cả mà nguyên nhân là cả hai phía có nhiều sự khác biệt về văn hoá và hai bên không đủ độ chín để thấu hiểu văn hoá của nhau. 

Một vài ví dụ tưởng nhỏ nhưng lại rất điển hình. Người Việt Nam rất hay cười, vui khi cười, buồn cũng cười, đau khổ cũng cười và cười cả khi có lỗi (chúng ta gọi là cười trừ). Với người Hàn Quốc, khi anh có lỗi thì bất kể anh là ai, tuổi có thể lớn hơn nhưng phải cúi đầu xuống nhận lỗi và chịu sự khiển trách của cấp trên. Nhưng ở Việt Nam lại khác, công nhân khi đó chưa quen lao động công nghiệp nên có khá nhiều lỗi, thay vì công khai lỗi để sửa thì lại giấu những sản phẩm như giày bị lỗi vào thùng rác, hoặc là tự ý nghỉ ở nhà vì có đám giỗ, chưa kể là những chuyện tiêu cực khác như bỏ máy trốn đi ngủ, chôm chỉa đồ ra ngoài bán. 

Khi bị nhắc nhở, thấy công nhân Việt Nam không xin lỗi (chắc chưa quen) mà chỉ cười, đốc công người Hàn Quốc lại nghĩ công nhân coi khinh họ, thế là họ đánh công nhân, còn công nhân cũng nghĩ là họ cậy có tiền coi khinh dân mình cho nên cần dạy cho họ biết thế nào là người Việt Nam, vậy là xung đột nổ ra, đánh nhau, máu chảy, tệ hơn là đốt sản phẩm, phá máy, đốt xưởng.

Kết thúc cuộc nghiên cứu, nhóm đã gửi một bản kiến nghị gửi gồm 10 điểm lên Tổng thống Hàn Quốc, trong đó có quy định các công ty Hàn Quốc trước khi đến đầu tư vào Việt Nam phải học để hiểu biết về văn hoá, luật pháp, phong tục tập quán của người bản địa, phải học tiếng Việt đủ giao tiếp, phải tham gia đóng góp công ích cho địa phương và phải quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán, thói quen của Hàn Quốc cho người Việt Nam biết. 

Bằng tất cả sự nỗ lực, hình ảnh của “người Hàn Quốc” dần được cải thiện, và họ trở thành một trong số các nhà đầu tư tốt nhất ở cấp độ tập đoàn kinh tế toàn cầu đến các cá nhân người bán lẻ kim chi, nhân sâm ở Việt Nam. Chìa khoá của vấn đề là văn hoá.

Các doanh nghiệp bất động sản ở TP. HCM không thể không biết đến tập đoàn GS của Hàn Quốc, đó là chủ đầu tư của tuyến đường Phạm Văn Đồng, tham gia xây dựng tuyến Metro số 1, và rất nhiều các dự án bất động sản tầm cỡ khác ở khu vực Đông Nam Bộ.

Tôi có một kỷ niệm khó quên với công ty này, vào năm 2003, trước khi chính thức đổ bộ vào TP. HCM, vị tổng giám đốc tập đoàn này mời tôi đến một nhà hàng Hàn Quốc chỉ yêu cầu tôi nói cho ông ta và các trợ lý về văn hoá, xã hội và con người Sài Gòn, và cả những đặc tính khác biệt của hệ thống chính trị. Đây là điều mà tôi chưa bao giờ thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam khi đi đầu tư ở một nước khác.

Tôi biết, rất nhiều công ty Việt Nam đầu tư vào nước khác, gửi nhân viên, công nhân sang đó làm việc, nhưng trong hành trang của người đi đầu tư, và đi làm thuê hầu như không có chút xíu nào về văn hoá. Chính vì thế người Việt Nam bị sốc khi đến làm việc tại Dubai, Malaysia, thậm chí có nhiều người bị trừng phạt vì vô tình vi phạm vào những điều cấm kỵ của tôn giáo nước sở tại. 

Tất nhiên có không ít công ty bị thất bại trong kinh doanh ở Myanmar, Malaysia, Nga thậm chí là cả ở Lào, Campuchia, trong nhiều nguyên nhân thì có cả việc chưa đặt “hội nhập văn hoá” trở thành một nhiệm vụ quan trọng và dành sự ưu tiên đầu tư đúng mức cho nó.

Không phải bao giờ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” mà trong nhiều trường hợp “thiết lập bằng hữu” lại quan trọng hơn, muốn có được quan hệ văn hoá bền vững thì con đường duy nhất là “hiểu biết văn hoá lẫn nhau, để cùng phát triển”, trong đó nắm bắt sự khác biệt văn hoá là điều cực kỳ quan trọng. Thái độ e dè, tránh né, hay tẩy chay sự khác biệt đều mang lại kết quả thấp, không chỉ trong kinh tế mà cả trong chính trị.

Vĩ thanh

Trước năm 2000, có rất ít người Hồi Giáo đến Việt Nam. Những năm gần đây, khách du lịch từ Malaysia là người Hồi Giáo đến TP. HCM rất đông. Năm 2016, có 408.000 lượt khách, năm 2017 có 420.000 lượt khách, năm 2018 tăng lên khoảng 450.000 lượt khách du lịch. 

Hiện nay khách du lịch đến từ Malaysia chiếm 3,4% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. Chúng ta nên biết, trước khi khởi đầu làn sóng du lịch từ Malaysia đến Việt Nam, chính phủ Malaysia đã cử các nhà nghiên cứu đến thăm dò, và thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, được coi là các mũi khoan rất sâu vào trong cơ tầng văn hoá người Việt, và họ yên tâm để cho công dân của mình đến du lịch Việt Nam bởi người Việt rất thân thiện, cởi mở, không kỳ thị với người Hồi Giáo như một vài nơi khác trên thế giới.