Doanh nghiệp làm kinh tế tuần hoàn vì điều gì?

10:00, 05/06/2024

TheLEADERTạo ra giá trị và lợi nhuận là động cơ quan trọng nhất để doanh nghiệp triển khai các giải pháp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Doanh nghiệp làm kinh tế tuần hoàn vì điều gì?
Doanh nghiệp làm kinh tế tuần hoàn với mục tiêu tạo giá trị. Ảnh: Hoàng Anh

Tại một doanh nghiệp sản xuất túi nylon ở Hải Dương, quy trình sản xuất được áp dụng tuyệt đối các giải pháp sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, vận chuyển nguyên vật liệu hoàn toàn bằng robot. Lý giải về việc “chơi lớn”, chủ doanh nghiệp cho biết phải ứng dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn để đáp ứng nhu cầu của đối tác ở Nhật Bản.

Đó là câu chuyện điển hình về việc doanh nghiệp chủ động triển khai kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xuất phát từ chính nhu cầu của khách hàng, đối tác. Bởi lẽ, khách hàng, đối tác chính là đối tượng tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kể lại câu chuyện tại Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững", TS. Nguyễn Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường, cho biết, đối với doanh nghiệp, quyết định chuyển đổi được đưa ra nhằm mục tiêu tạo ra lợi ích. Vì vậy, trước yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ đưa ra các giải pháp chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp triển khai các giải pháp xanh, tuần hoàn không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, doanh nghiệp vận hành theo hướng xanh sẽ gia tăng năng suất, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn và chống chịu rủi ro.

Cùng với đó, uy tín, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao, giúp doanh nghiệp trở nên thân thiện hơn trong mắt khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.

Những động lực đó là rất quan trọng bởi theo TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, kinh tế tuần hoàn không phải câu chuyện “một sớm một chiều” mà là một tiến trình dài hạn.

Tiến trình đó đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống để từng bước hình thành các hoạt động sản xuất, tiêu dùng dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ và tầm nhìn chia sẻ.

Một hành trình dài và bền bỉ như vậy, doanh nghiệp khó có thể đi được chỉ với tâm niệm phụng sự xã hội mà không quan tâm đến khía cạnh tạo ra giá trị. Mặt khác, mô hình dù có tác động tích cực tới môi trường, xã hội nhưng không tạo ra giá trị và lợi nhuận thì cũng khó tồn tại trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những mô hình đem lại hiệu quả tốt và tạo ra giá trị nhưng bản thân doanh nghiệp lại không được hưởng giá trị đó.

Ông Thái lấy ví dụ như tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – khu công nghiệp “tiệm cận” kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, nước thải được xử lý rất sạch nhưng lại phải đổ ra sông vì chưa có tiêu chí cho phép doanh nghiệp được kinh doanh hay tái sử dụng loại nước này.

Cũng tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, doanh nghiệp có ý tưởng tốt, muốn triển khai nhưng không được vì vướng phải các quy định, điển hình như ý tưởng xây dựng khu xử lý rác thải trong khu công nghiệp.

Những khó khăn, vướng mắc ấy xuất phát từ cơ chế, đòi hỏi giải pháp tháo gỡ đến từ phía chính sách. Theo ông Thái, cần có sự thông suốt, thống nhất giữa các văn bản pháp luật, chẳng hạn như hiện nay có chính sách sản phẩm kinh tế tuần hoàn được ưu đãi về thuế thì trong các bộ luật về thuế cần sửa đổi để thể hiện điều này.

Mặt khác, ông Thái cũng đề xuất cần xây dựng và mở rộng đối tượng truy cập vào cơ sở dữ liệu, thông tin về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong thực thi và cả nhà hoạch định trong xây dựng chính sách.

Còn theo ông Mạnh, Việt Nam cần có một lộ trình phù hợp, bao gồm đầu tiên là nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, kế đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế, từ đó hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, bên cạnh việc tích cực triển khai các hoạt động liên kết, giám sát, đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, cần tập trung ưu tiên một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng và có tính cấp bách như nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến chế tạo, giao thông, năng lượng.