Doanh nghiệp nhà nước không phải cứ muốn là chuyển đổi số được

Việt Hưng - 15:18, 26/07/2023

TheLEADERThậm chí có tình trạng "trên chỉ đạo, dưới không nghe, thiếu sự cam kết từ người lao động" trong quá trình chuyển đổi số ở khối các doanh nghiệp nhà nước.

Chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức", ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) cho biết, 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm tới chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình nhưng phần lớn chưa biết bắt đầu từ đâu.

Đại diện Bộ TT&TT đã chỉ ra những khó khăn chung mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số như: chi phí đầu tư, thói quen kinh doanh khó thay đổi, thiếu sự cam kết từ lãnh đạo, hay thậm chí có tình trạng "trên chỉ đạo, dưới không nghe, thiếu sự cam kết từ người lao động", thiếu nhân lực nội bộ...

Riêng với khối doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng, những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số còn nằm ở vấn đề thể chế, quy định tổ chức, cũng như hành lang pháp lý, cách thức kiểm soát rất chặt chẽ.

"Trước hết phải thấy rằng doanh nghiệp nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Doanh nghiệp nhà nước, có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc", Viện trưởng DTSI nói.

Theo ông Giang, bởi sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên quá trình này tạo ra nhiều thách thức trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới, hoặc triển khai những thử nghiệm về mô hình kinh doanh.

Doanh nghiệp nhà nước không phải cứ muốn là chuyển đổi số được
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam - Ảnh: VOV

Bên cạnh đó, vị chuyên gia nêu ra thực tế việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn tại doanh nghiệp nhà nước và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số.

"Thay vì tạo ra một tác động tổng thể, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể thay vì tổng thể", ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Tất nhiên, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Do đó, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, chuyển đổi số trước hết là một cuộc cách mạng về thể chế, trong đó tư duy và quyết tâm của người đứng đầu là điểm quan trọng nhất.

Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, ông Thành nêu: "Có doanh nghiệp tư nhân nói với tôi muốn được áp dụng những chính sách, ưu đãi như doanh nghiệp nhà nước. Còn phía các doanh nghiệp nhà nước lại muốn được vận hành như doanh nghiệp tư nhân".

Ngoài nút thắt về thể chế, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho rằng thách thức của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi số còn đến từ đặc thù ngành, nghề kinh doanh. Trong đó, các ngành đặc thù được ông Kiên nêu bao gồm: hàng không, đường sắt, vận tải biển... 

Theo đại diện VNPT, không có một phần mềm, ứng dụng hay nền tảng số nào phù hợp với mọi ngành nghề, nhất là với những ngành đặc trưng và có tính phân hóa cao thuộc khối doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, lời giải của VNPT trong tiến trình này đó là ngoài các công nghệ, nền tảng mà đơn vị đang tự phát triển, thì còn kết hợp cùng các chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế tư vấn cho các doanh nghiệp nhà nước nhằm đạt được các tiêu chuẩn chuyển đổi số chung nhất của ngành.

Doanh nghiệp nhà nước không phải cứ muốn là chuyển đổi số được 1
Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số trước hết là một cuộc cách mạng về thể chế, nhất là với khối doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: VOV

Chia sẻ kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số cho nhiều địa phương và doanh nghiệp, ông Bùi Trung Thành - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số khu vực miền Bắc của Base.vn yếu tố nòng cốt quyết định sự thành công trong mọi dự án chuyển đổi số.

Theo ông Thành, chuyển đổi số chính là hành trình thay đổi thói quen nhằm xây dựng doanh nghiệp số chứ không đơn thuần là ứng dụng công nghệ, cập nhật tính năng mới. 

Gần đây, Base.vn đã có buổi làm việc cùng Sở Khoa học và Công nghệ, cũng như các doanh nghiệp tại Hải Phòng. Các bên đều thống nhất, chi phí chuyển đổi số tỉ lệ nghịch với thời gian và sự quyết liệt của lãnh đạo. Lãnh đạo càng dành thời gian tìm hiểu, quyết liệt chỉ đạo, sử dụng và cải tiến thì chi phí bỏ ra càng giảm và tỉ lệ thành công càng cao.

Nhất là với khối doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo cần tham vấn và trao đổi thực sự sâu sát về cách thức triển khai với đơn vị cung cấp, thay vì chỉ xem phiên bản trình diễn thử, dùng thử giải pháp công nghệ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng khó lựa chọn giải pháp, hoặc phải thay đổi giải pháp liên tục. 

Một ví dụ chuyển đổi số thành công đó là trường hợp của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Nhờ chuyển đổi số, Rạng Đông từ một doanh nghiệp truyền thống có lịch sử hơn 60 năm đã thiết lập được một mặt bằng tăng trưởng mới khi tốc độ tăng trưởng trung bình đột phá lên mức 20%.

Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT Rạng Đông cho biết, thay vì chỉ tập trung vào yếu tố công nghệ, Rạng Đông đã quyết tâm chuyển đổi đồng thời ba lĩnh vực là: sản phẩm, mô hình kinh doanh và tinh thần sáng tạo.

Về mặt sản phẩm, Rạng Đông không còn phụ thuộc vào lĩnh vực cốt lõi là chiếu sáng, mà đã tiếp cận được các thị trường mới như: nhà thông minh, thành phố thông minh, hay nông nghiệp công nghệ cao.

Về mô hình kinh doanh, công ty đã mở rộng kênh bán hàng ra đa nền tảng bên cạnh các kênh đại lý truyền thống. "Chuyển đổi số giúp Rạng Đông dễ dàng tiếp cận xu hướng thương mại điện tử với các nền tảng như Tiki, Lazada, Shopee… thay cho thói quen ra cửa hàng mua sản phẩm như trước đây", ông Kết nói.

Để thúc đẩy tinh thần sáng tạo và tư duy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Rạng Đông chủ động xây dựng bốn trung tâm nghiên cứu và phát triển trên cả nước, đầu tư vào quỹ đổi mới sáng tạo, cũng như thỏa thuận hợp tác với các viện nghiện cứu, trường Đại học và các đối tác lớn trong nước như: FPT, VNPT, Viettel...