Doanh nhân Việt kiều Đức nhiều trăn trở với thương hiệu cá tầm Việt

An Chi - 09:32, 15/10/2018

TheLEADERCâu chuyện về những ngày đầu đưa cá tầm, cá hồi về Việt Nam gắn liền với hành trình trở về quê hương của ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Việt Đức.

Doanh nhân Việt kiều Đức nhiều trăn trở với thương hiệu cá tầm Việt
Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Việt Đức

Mỗi lần đến Sa Pa, ngoài nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, chắc hẳn mỗi du khách đều muốn thưởng thức đặc sản cá hồi, cá tầm được nuôi tại chính nơi đây vốn đã rất nổi tiếng từ hơn 10 năm trước.

Việt Nam đã nuôi thành công hai giống cá của vùng xứ lạnh này từ lâu, song ít ai biết rằng, người đi tiên phong trong việc đưa giống cá ngoại lai quý hiếm này về nuôi trồng trên đất Việt lại là một Việt kiều đã từng có 35 năm sinh sống và làm việc tại Đức.

Câu chuyện về những ngày đầu đưa cá tầm, cá hồi về Việt Nam gắn liền với hành trình trở về quê hương của ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Việt Đức.

Trở về

Tình cờ gặp ông Nguyễn Trọng Cử tại một buổi hội thảo về doanh nghiệp tư nhân, nếu chỉ nhìn vẻ ngoài, có lẽ khó có ai nghĩ rằng ông là chủ của chuỗi 7 trang trại nuôi cá tầm, cá hồi trên khắp cả nước, cung cấp toàn bộ con giống, thức ăn cho hơn 200 hộ dân nuôi loại cá này tại Sapa. Và càng không ai nghĩ ông là Việt kiều, một luật gia đã có hơn 35 năm sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Sau nhiều năm trở về Việt Nam khởi nghiệp như ông tự nhận mình là "nông dân chính hiệu", bao nhiêu vẻ hào nhoáng, hoa lệ của một Việt kiều Đức đã được ông trả lại hết nơi đất khách quê người, chỉ còn lại một con người giản dị với nước da rám nắng với gió sương và chất giọng Hà Tĩnh khó lẫn vào đâu được.

Quyết định trở về Việt Nam từ đầu những năm 2000 của ông và gia đình khi đang có một cuộc sống rất đủ đầy tại Đức lúc đó đã khiến không ít người ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi ông lại chọn hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại một lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản còn rất mới mẻ, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.

Ông Cử tâm sự, nỗi niềm đau đáu hướng về quê hương chính là động lực đã thôi thúc ông trở về Việt Nam khi ấy. Chia sẻ về sự bén duyên với cá tầm, cá hồi, ông cho rằng, cá hồi là 1 trong 10 thực phẩm rất được yêu thích của nhân loại, còn cá tầm, trứng cá tầm, không cần giới thiệu nhiều, chắc ai cũng biết rằng nó vốn được mệnh danh là “vàng đen trên bàn tiệc”, nhiều nhà tỷ phú nổi tiếng nghe đến tên cũng phải “sáng mắt lên” ngưỡng mộ. 

Đây vốn là hai loại cá mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người dân nuôi trồng và doanh nghiệp song lại chỉ được biết đến ở các nước ôn đới. 

Lúc đầu ông không có ý định khởi nghiệp với hai loại cá này tuy nhiên khi về Việt Nam và tìm hiểu tại một số địa phương, ông vô tình biết được rằng Việt Nam là một nước nhiệt đới nhưng tại một số khu vực vùng vúi cao lại có khí hậu ôn đới, rất phù hợp để phát triển các loại cá xứ lạnh. 

"Bên cạnh đó, việc Việt Nam khi ấy chưa có công nghệ nuôi trồng cá tầm, cá hồi trong nước, khiến tôi quyết tâm làm một cái gì đó mới mẻ thay vì đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống khác", ông Cử chia sẻ. 

Sát cánh cùng ông tại thời điểm đó có nhiều chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu Thuỷ sản nước lạnh và đặc biệt là là Udo Grob, người bạn Đức lâu năm, chuyên gia hàng đầu về cá nước lạnh. 

Đầu tư bài bản, chuyên nghiệp ngay từ đầu tại cơ sở đầu tiên tại Sapa thế nhưng những khó khăn khi bắt tay vào một lĩnh vực mới là rất lớn. Ông Cử cho biết, cá hồi, cá tầm có nguồn gốc từ xứ lạnh, để nuôi trồng thành công ở một nước nhiệt đới như Việt Nam là điều không đơn giản, nếu không nói là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt, ấp được trứng cá tầm với điều kiện ở khí hậu trong nước là cả một kỳ công.

Khi chọn Sapa là nơi ươm giống cá tầm, nước ở đó rất lạnh, khoảng 13 - 14 độ, ông phải đầu tư hệ thống nâng nhiệt để ấp cá tầm ở 18 độ. Sau đó đưa trứng cá tầm đã thụ tinh về nước ngoài về, nhanh chóng đón ở sân bay để đưa lên Sapa ấp thành con giống. 

Bao công phu là vậy, song nguy cơ đổ bể có thể đến bất cứ lúc nào bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong kỹ thuật, khâu vận chuyển hoặc những nguy cơ không thể lường trước như mất điện... cả mẻ cá trị giá hàng tỷ đồng có thể tan thành mây khói chỉ sau một tích tắc. 

Ông Cử chia sẻ, ông đã nhiều lần thất bại khi mới đầu bắt tay làm, có những giai đoạn thất bại liên tiếp, tuy nhiên cũng vì thế mà sau nhiều lần không thành, ông đã tìm ra cách để ấp trứng và nuôi thành công cá tầm tại Việt Nam.

Đến nay, doanh nghiệp của ông là Công ty TNHH thương mại và đầu tư Việt Đức đã có 7 trang trại nuôi cá tầm cá hồi trên cả nước. Trong đó, 3 trang trại tại Sapa, 1 trang trại tại Hoà Bình và các trang trại tại Đà Lạt. 

Bên cạnh đó, ông cũng đang mở rộng sản xuất sang lĩnh vực cung cấp giống, thức ăn cho cá, chuyển giao công nghệ nuôi trồng cá tầm cá hồi theo mô hình sạch cho người dân các địa phương. Tại Sapa, công ty của ông hiện cung cấp giống và thức ăn cho hơn 200 hộ dân nuôi cá tầm, cá hồi tại địa phương này.

Khát vọng đưa cá tầm, cá hồi thương hiệu Việt ra thế giới

Ông Cử kể lại, những ngày còn bên Đức khi có ý định về Việt Nam khởi nghiệp, ông đã được nghe những người thương nhân trong nước rời Việt Nam ra nước làm ăn ngoài nói rằng, “chúng tôi ở trong nước còn không thể kinh doanh được thì ông ở nước ngoài về làm sao làm được”. Khi đó, ông đã rất trăn trở.

"Ở nước ngoài, tôi hiểu được rằng chỉ có phát triển tư hữu mới phát triển được đất nước. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân là linh hồn của tư hữu. Nước nào càng phát triển kinh tế tư nhân, nước đó càng giầu mạnh".

Nhà nước cần đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa để phát triển doanh nghiệp tư nhân. Có như vậy mới có thể quy tụ, thay đổi và phát triển nội lực của dân tộc.

Vừa qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân như cắt giảm giấy phép con, thủ tục đầu tư thông thoáng hơn cùng những hỗ trợ về vốn. Song quá trình triển khai trên thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bản thân doanh nghiệp của ông cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đất đai, vốn từ nhà nước, nhất là khi đầu tư các trang trai quy mô lớn.

Nói về việc phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, vị lãnh đạo này cho rằng, tiềm năng là rất lớn, Việt Nam là một đất nước 4.000 năm lịch sử, suất phát từ ngành nông nghiệp. Nông nghiệp phải là trụ cột để phát triển một nền kinh tế bền vững, sau đó mói đến công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Cử, vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là các sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn vào, gây khó khăn rất lớn cho sản xuất trong nước.

Thế mạnh của ngành nuôi cá tầm tại Việt Nam sau bao nhiêu công sức của ông và doanh nghiệp đã ngày một khẳng định, song thời gian gần đây ông lại rất lo lắng khi cá tầm Việt đang "lao đao" trên chính sân nhà bởi cá tầm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc đội lốt hàng Việt.

"Nhiều lần lên Lào Cai, nhìn qua biên giới với Trung Quốc, từ cửa khẩu, tôi thấy từng đoàn xe với các sản phẩm nông sản trở về từ bên kia biên giới. Trong đó có các sản phẩm cá tầm, cá hồi mà họ nói rằng là hàng của Việt Nam".

"Sau thời gian dài gắn bó với nông nghiệp, tôi quá thấm để nói rằng, Việt Nam muốn phát triển nông nghiệp, chúng ta cần quản lý và kiểm soát biên giới. Nếu không, người tiêu dùng Việt sẽ mãi tiêu thụ thực phẩm bẩn, hàng nhập lậu", ông Cử nhấn mạnh.

Mong muốn của ông là người dân được sử dụng sản phẩm sạch, chất lượng từ "trang trại đến bàn ăn". Qua đó, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh con cá tầm Việt Nam, nhằm từng bước thay đổi ý thức người tiêu dùng. Chuỗi Nhà hàng Thác Bạc – Sa Pa tại Sapa và Hà Nội của ông chính là minh chứng cho tâm huyết này.

Tuy nhiên, khát vọng của Việt kiều này chưa dừng lại ở đó, ông Cử cho biết, hiện nguồn cá tầm, cá hồi của Việt Nam chưa đủ để đáp ứng thị trường trong nước. Trong thời gian tới, ông sẽ cùng với nông dân Việt Nam phát triển ngành nuôi thủy sản này mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới một tương lai không xa, cá tầm, cá hồi của Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới, khẳng định thương hiệu với thị trường quốc tế.