Đón cơ hội mới

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - 14:34, 16/02/2024

TheLEADERKhông chỉ là giải pháp xử lý chất thải, kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội để doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước.

Đón cơ hội mới
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, tại nhiều vùng nông thôn trên khắp cả nước, người nông dân đã biết cách kết hợp chăn nuôi, thủy sản với trồng trọt để tận dụng chéo những phụ phẩm nông nghiệp theo mô hình vườn – ao – chuồng, từ đó tiết kiệm chi phí, cải thiện sinh kế.

Cũng tại một số vùng nông thôn, vào thời điểm nông nhàn, người dân lại chuẩn bị xe thồ, quang gánh đi “thu cũ đổi mới”, thu gom, nhặt nhạnh đủ loại phế liệu, từ tóc rối, dép cũ cho đến nhôm, đồng, sắt, nhựa, đồ điện tử cũ hỏng… đem về bán cho những xưởng gia công, tái chế.

Kinh tế tuần hoàn, một khái niệm mới xuất hiện và dần được phổ biến một vài năm trở lại đây, đã xuất hiện ở Việt Nam từ những hình thức đơn sơ, giản dị và rất đỗi thân quen như vậy.

Một bức tranh sôi động

Xuất hiện một cách giản dị như vậy, khó có thể ngờ được rằng kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu. Khái niệm kinh tế tuần hoàn được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, là mô hình kinh tế đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các bộ, ngành đang “mỗi người một việc” để chuẩn bị cho sự triển khai mạnh mẽ mô hình kinh tế tuần hoàn. Bộ Tài nguyên và môi trường phụ trách soạn thảo kế hoạch hành động quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo cơ chế thí điểm.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương cũng triển khai những chương trình, đề án riêng liên quan đến sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, với nhiều nội dung hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Ở cấp địa phương, dù đang trong giai đoạn giữa nhiệm kỳ nên khó đưa kinh tế tuần hoàn vào chương trình hành động mới, tuy nhiên cũng có một số địa phương tiên phong lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch hay xây dựng các đề án liên quan, tiêu biểu như TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng.

Thực tế, những năm gần đây, có thể thấy rõ một quá trình thay đổi mạnh mẽ về tư duy chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tiêu biểu nhất, đánh dấu mốc quan trọng nhất có lẽ phải kể đến cam kết của Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26.

Những điều đó như một mệnh lệnh chính trị đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, các thị trường lớn cũng đặt ra nhiều rào cản thương mại mới liên quan đến phát thải, tạo ra sức ép khiến doanh nghiệp bắt buộc phải tìm kiếm phương thức sản xuất, kinh doanh bền vững hơn.

Dưới những áp lực đó, có thể thấy, mối quan tâm hàng đầu của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp hiện nay là tìm kiếm giải pháp cắt giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường trong hoạt động.

Các giải pháp được đưa ra hết sức đa dạng. Tuy nhiên, theo tôi quan sát, doanh nghiệp đang hướng đến trung hòa carbon nhiều hơn là tập trung vào câu chuyện kinh tế tuần hoàn. Trên thực tế, nếu khéo léo vận dụng, kinh tế tuần hoàn không hề xa rời với mục tiêu cắt giảm khí thải.

Ngoài ra, thời gian qua cũng có một số cái tên tiêu biểu tiên phong triển khai kinh tế tuần hoàn. Trong nhóm doanh nghiệp FDI, Nestlé, Heineken, Coca Cola đang bền bỉ thực hiện những giải pháp thực sự ấn tượng và đem lại nhiều kết quả khả quan như thay đổi thiết kế bao bì, thu hồi năng lượng, tận dụng phụ phẩm, tái chế bao bì.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng không kém cạnh, với nhiều giải pháp được triển khai từ khá sớm, vận dụng kinh tế tuần hoàn một cách tài tình trên cơ sở kinh nghiệm có sẵn. Đơn cử như dùng phụ phẩm thủy sản để sản xuất nhiều mặt hàng chất lượng cao ở Vĩnh Hoàn, Việt Nam Foods hay hiện đại hóa ngành công nghiệp tái chế ở Nhựa tái chế DUYTAN.

Bức tranh sôi động của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam không thiếu những gương mặt mới, với những dự án khởi nghiệp sáng tạo. Chúng ta có DrobeBox của một doanh nhân trẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tối ưu hóa hành vi mua sắm thời trang, Sokfarm ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn sản xuất mật hoa dừa, hay ứng dụng di động để thu gom phế liệu như VECA, mGreen.

Đón cơ hội mới 1
Giải pháp 've chai công nghệ' của VECA

Ở Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, tôi làm việc với không ít doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu thêm về mô hình kinh tế tuần hoàn. Họ tìm đến mô hình này với nhiều mục đích, có doanh nghiệp vì để tạo giá trị thương hiệu, cũng có doanh nghiệp hướng đến giá trị sâu hơn là tiết kiệm chi phí và cao hơn là định hình, xây dựng chiến lược doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, có nhiều áp lực và cả động lực để doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, dường như đâu đó trong những doanh nghiệp này vẫn còn sự e dè, tìm hiểu mang tính chất thăm dò. 

Có lẽ do nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu đúng bản chất của mô hình kinh tế tuần hoàn. Nội dung tiếp theo, mong rằng ít nhiều giúp doanh nghiệp có được cách hiểu đúng về mô hình này.

Cơ hội

Trong khi Việt Nam đang loay hoay với bài toán quản lý chất thải thì tại nhiều nước phát triển, tỷ lệ thu gom, tái chế một số vật liệu đã đạt đến con số trên 90%. Tỷ lệ này không đến một sớm một chiều mà là kết quả của một chuỗi giải pháp được triển khai từ rất sớm và không ngừng được điều chỉnh trong suốt một thời gian dài.

Chẳng hạn, tại Phần Lan, hệ thống đặt cọc – hoàn trả đã được vận hành từ cách đây hơn 70 năm, thiết lập một hệ thống hàng nghìn máy thu hồi vỏ chai, vỏ lon trên khắp đất nước.

Hay như tại Nhật Bản, cuộc chiến chống chất thải được phát động từ năm 1971, trải qua nhiều lần sửa đổi, thử nghiệm nhiều giải pháp khác nhau, đến nay đã thành công xây dựng thói quen phân loại rác thải cho người dân và thúc đẩy tái chế hiệu quả nhiều loại phế liệu, từ bao bì đến những thiết bị điện tử, điện gia dụng.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, mới tiếp cận khái niệm kinh tế tuần hoàn vài năm trở lại đây và vẫn đang trong quá trình chuẩn bị để triển khai. Trong xử lý chất thải, chúng ta đã có cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hay chính sách phân loại rác tại nguồn, sẽ chính thức có hiệu lực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dù đi sau, cơ hội dành cho Việt Nam là rất lớn.

Đón cơ hội mới 2
Kinh tế tuần hoàn đem lại cho Việt Nam những cơ hội lớn. Ảnh: Hoàng Anh

Tại các nước phát triển vốn sở hữu nhiều mô hình kinh doanh hiệu quả giúp chuỗi cung ứng được tối ưu hóa, kinh tế tuần hoàn quan tâm nhiều ở góc độ quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phục hồi tự nhiên.

Còn tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn mang ý nghĩa lớn hơn như vậy, bởi mô hình này gắn với đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ giải bài toán môi trường mà còn là tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần bảo tồn, bảo vệ các giá trị văn hoá.

Chúng ta gom những mục tiêu đó vào mô hình kinh tế tuần hoàn, mở ra một bức tranh rộng lớn hơn, giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tập trung và huy động nguồn lực. Nhờ đó, kinh tế tuần hoàn, bên cạnh việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm, còn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Việt Nam tiến xa hơn và góp phần hiện thực hóa những mục tiêu kinh tế, xã hội.

Vận hội

Khái niệm kinh tế tuần hoàn phổ biến tại Việt Nam trong một giai đoạn thật đặc biệt. Nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lại tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn do những bất ổn chưa có hồi kết trên toàn thế giới.

Hàng vạn doanh nghiệp đang oằn mình gánh chịu những tác động đa chiều của nền kinh tế, đang phải bù đầu lo tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để bán được hàng, để duy trì sản xuất, lấy tiền đâu để trang trải chi phí, trả lương cho nhân viên.

Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp coi kinh tế tuần hoàn là một điều gì thật vô bổ, vô nghĩa, nghĩ rằng “tôi phải sống đã rồi có gì tính sau” hoặc “cơm áo gạo tiền còn chưa lo xong, tiền đâu ra mà chuyển đổi”.

Thực tế, câu chuyện nền kinh tế, bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không hề có sự mâu thuẫn.

Ngẫm lại, bản chất của kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh. Áp dụng kinh tế tuần hoàn tức là doanh nghiệp phải áp dụng một mô hình kinh doanh mới. Nếu mọi thứ đều trong trạng thái ổn, doanh nghiệp vẫn bán được hàng, vẫn có tiền về đều để trang trải chi phí và để tích lũy, tái đầu tư thì lấy đâu ra động lực để doanh nghiệp tìm kiếm một con đường mới, thay đổi mô hình kinh doanh mới?

Thực chất, các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn rất đa dạng, không phải giải pháp nào cũng tốn nhiều tiền bạc của cải để đầu tư. Có những giải pháp đơn giản có thể áp dụng ngay, đem lại giá trị nhìn thấy được trong bối cảnh khó khăn như hiện nay như tiết kiệm năng lượng thông qua tận dụng nguồn năng lượng dư thừa hay tận dụng phế phẩm, phụ phẩm làm đầu vào giá rẻ cho sản xuất.

Những giải pháp đó có thể mới chỉ là bước đi ban đầu nhưng rất cần thiết. Càng trong khó khăn, thách thức, doanh nghiệp càng cần phải làm việc một cách thông minh hơn, hiệu quả hơn, thông qua những mô hình mới tiêu biểu như kinh tế tuần hoàn. Điều này không chỉ để giải quyết vấn đề ngắn hạn mà đóng góp tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong cả dài hạn.

Tư duy mới

Tháng 10 vừa qua, 20 nghìn chai mật hoa dừa của Công ty Trà Vinh Farm (Sokfarm) đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ. Sản phẩm này là kết quả của một mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt.

Phương pháp chiết xuất mật hoa dừa được anh Phạm Đình Ngãi và chị Thạch Thị Chal Thi lấy cảm hứng từ cách “mát xa” hoa dừa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, từ đó giúp bà con tận dụng vùng đất nhiễm mặn, tận dụng phụ phẩm cây dừa để làm sinh kế.

Mô hình này đặc biệt ở chỗ Sokfarm không nói nhiều đến rác thải. Sản phẩm mật hoa dừa là kết tinh của giá trị sinh thái kết hợp với văn hóa truyền thống dân tộc Khmer, là sản phẩm an lành, tốt cho sức khỏe, cũng là giải pháp nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đón cơ hội mới 3
Phương pháp 'mát xa' hoa dừa của Sokfarm. Ảnh: Tạp chí Công thương

Vợ chồng anh Ngãi và chị Chal Thi cũng khéo léo trong khâu xúc tiến thương mại hay chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, giúp mật hoa dừa tiếp cận tới nhiều nhóm khách hàng hơn, vững bước tiến ra thị trường trong và ngoài nước.

Không quá hiếm những mô hình sáng tạo như vậy đang được triển khai, chẳng hạn như hãng xe điện Datbike, GSM tích hợp hoặc hợp tác với một số đơn vị vận tải để đảm bảo đầu ra hay Green Connect xử lý chất thải hữu cơ liên kết với công ty thực phẩm để bán nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ. 

Những mô hình đó cho thấy tiềm năng vô hạn trong việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi lẽ, như đã nói, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh với yếu tố cốt lõi là kéo dài vòng đời vật chất và hướng tới tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Hiểu đúng, tư duy đúng về kinh tế tuần hoàn là nền tảng cho các doanh nhân vận dụng trí tuệ, óc sáng tạo nhằm vận dụng kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả, phù hợp với mô hình, điều kiện, nguồn lực của doanh nghiệp.

Các dự án khởi nghiệp có thể sẽ lợi thế hơn bởi ngay từ đầu đã xác định hướng đi là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Còn đối với những doanh nghiệp lớn, nhiều năm hoạt động, sự chuyển đổi sẽ khá vất vả và khó khăn.

Một khó khăn lớn là nhiều khi nhà lãnh đạo không nắm toàn quyền quyết định mà phải thông qua hội đồng cổ đông hay nhà đầu tư. Việc triển khai một cách đồng bộ cho cả bộ máy lớn với nhiều phòng ban và đội ngũ nhân sự khổng lồ cũng không hề dễ dàng. Nói cách khác, điều này liên quan đến không chỉ ý chỉ của nhà lãnh đạo mà còn là câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp hay bản lĩnh quản trị của doanh nhân.

Tuy nhiên, mọi giải pháp sẽ luôn bắt đầu từ tư duy đúng. Nhiều thế hệ doanh nhân đã đồng hành với đất nước, lèo lái doanh nghiệp vượt qua những thách thức lịch sử để góp sức lực đưa nền kinh tế từ xuất phát điểm rất thấp đạt được đến những thành tựu như ngày nay. Tin tưởng rằng, với sự tài ba, bản lĩnh ấy, thách thức áp dụng kinh tế tuần hoàn không làm khó được những doanh nhân đất Việt. 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM