Duyên nợ với làng quê

Hồng Hoa - 15:00, 07/02/2019

TheLEADERNghệ sỹ Nhất Lý và ê kíp đã khắc họa được hồn cốt của văn hóa làng trong một không gian nghệ thuật hoàn toàn chân thực và gần gũi với À Ố Show, Sương sớm, Làng tôi, Teh Dar và Palao.

Được xem vở diễn Palao ở sân khấu Lune Hội An, giữa trăng soi vằng vặc bên sông Hoài, nhấp chén trà đặc với nghệ sĩ Nhất Lý trong câu chuyện thấm buồn về đất nước, càng thấm thía hồn dân tộc lừng lững trong các tác phẩm của anh và cộng sự. Một đất nước với 54 tộc người đã xuyên qua khói lửa của chiến tranh, mất mát, tù đày… hiển hiện thật lung linh và hào sảng trong lớp lớp văn hóa, văn minh thăm thẳm.

Một Việt Nam nên thơ và chân thực

Palao tái hiện về cuộc sống văn hóa dân tộc Chăm qua góc nhìn nghệ thuật và âm nhạc đương đại độc đáo. Các nghệ sỹ tham gia vở diễn sẽ vừa múa, hát, vừa chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm.

Palao trong tiếng Chăm nghĩa là “buông, thả trôi, để đón nhận những điều mới mẻ”. Mang tinh thần và triết lý Chăm với hơi thở hoàn toàn đương đại, nghệ sĩ Nhất Lý và ê kíp của mình đã khắc họa một làng quê Chăm vừa xưa cũ, vừa thật mới mẻ, sống động. Thanh âm của các nhạc cụ lễ tục xưa được chắp cánh trong những chuyển động cơ thể mãnh liệt thấm đẫm cảm xúc.

Duyên nợ với làng quê
Nghệ sỹ Nhất Lý

Thông điệp của Palao ở Lune là nói lên chu trình tu tập của một đời người qua nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử, đó không chỉ là một bi kịch của mỗi cá nhân mà đó là cả một số phận của một dân tộc. Nếu sự buông đó không mang đúng ý nghĩa qua bốn cấp độ một cách trọn vẹn thì sự bế tắc ắt phải xảy ra, sự tỉnh thức của lý trí và rung động của tình yêu phải nhường chỗ cho bạo lực của chiến tranh dẫn đến sự tồn vong một mất một còn! Khi đó mọi thứ đều chết chóc tang thương trong sự hủy diệt hoang tàn đổ nát, tất cả đều thua cho dù đó là kẻ chiến thắng hay là người chiến bại trong một phức cảm phân liệt không thể xóa bỏ trong bất cứ hình thức nào.

Đó là một bài học lịch sử mà không phải ai cũng thuộc và muốn nhắc lại dù chỉ một lần trong đời, muốn quên cũng không thể được ngoài những kẻ vô học và mất hẳn lương tri và nhân tính.

Cuộc sống chỉ có thể hồi sinh khi chúng ta biết Palao theo đúng nghĩa của nó, hiện tại sẽ dần dà hàn gắn lại mất mát của quá khứ để cùng nhau nhìn về tương lai trong sự buông xả diệu kỳ.

Palao ở Lune đã làm được điều đó khi đã chạm vào trái tim của từng khán giả trong những tràng pháo tay cảm thông, những giọt lệ muộn màng đọng nơi khóe mắt cứ chực tuôn rơi như chính mình là người trong cuộc! Đó chỉ mới là bước khởi đầu trong một hành trình dài đi tìm chân lý.

Khi Làng Tôi đang diễn tại Hà Nội, À Ố Show diễn tại Nhật, Teh Dar diễn tại Pháp, thì Nhất Lý đang ngồi cùng tôi để kể về hành trình gian khổ tạo dựng nên Palao đang diễn tại Hội An, để một lần nữa giúp mỗi người Việt sống, khóc cười, chia sẻ từng nhịp thở, để hiểu rõ mình là ai.

Hành trình tạo dựng lại không gian vật chất và tinh thần tiêu biểu cho một ngôi làng Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, và bây giờ là làng Chăm, nhằm giới thiệu về văn hóa Việt thông qua cốt tủy là văn hóa làng, với diễn viên chính là người của làng, chứa đựng những gì tinh hoa nhất của mỗi một vùng đất là cách làm xuyên suốt của anh, để tìm đến sự thật, tìm đến cái đẹp.

Làng tôi là một làng quê Việt, bình dị nhưng đầy chất thơ, với những hội hè rộn rã, trẻ nô đùa, thanh niên dựng nhà, người nông dân cày cuốc sáng sớm tinh mơ. Tất cả được tái hiện thông qua nghệ thuật xiếc kết hợp với chất liệu tre, cùng các pha tung hứng ngoạn mục và dàn nhạc gồm hơn 20 loại cụ dân tộc đặc sắc.

Duyên nợ với làng quê 1
Một cảnh trong vở diễn Làng tôi

Nhất Lý cho rằng: “Tạo ra một cái làng để người xem cảm nhận rõ nhất về văn hóa đa dạng và đa sắc của người Việt, từ kiến trúc, ăn mặc, đi lại, ứng xử, giao thương, tinh thần… với những gì thật nhất, mộc nhất, Làng tôi nằm trong dòng chảy đó. Số phận một người không thể không nằm trong vận mệnh dân tộc. Tôi là một người lạc quan, tôi tin vào sự thay đổi của vận mệnh dân tộc. Làng tôi thành công được là nhờ may mắn thay đổi cách nhìn, thay đổi thế giới quan, giữ được tư duy độc lập.”

Để tạo dựng Palao cần tư vấn về lịch sử, nghệ thuật rất kỹ càng. Nhóm của Nhất Lý đã mời nhà nghiên cứu dân tộc Chăm Inrasara Phú Trạm, một nhà văn, một dịch giả thấu hiểu hơn ai hết về văn hóa Chăm. Anh đã đến Hội An cùng Nhất Lý ăn dầm nằm dề suốt một tháng trời để kể về những câu chuyện khác lạ của một nền văn hóa khiêm cung, có một lịch sử bi thương tưởng đã bị vùi lấp nhưng vẫn lừng lững hiện dần lên khuôn mặt khác lạ độc đáo.

Theo chân Inrasara về Ninh Thuận, tìm đến người dân quê của làng dệt, làng gốm, làng thuốc… gặp gỡ tìm hiểu, Nhất Lý còn được gặp cả con trai Inrasara, sau đó anh vừa là đồng tác giả của Palao, vừa là diễn viên, đã cùng 10 người Chăm nữa về đây, để tạo dựng một làng Chăm trong tâm tưởng. Họ đâu chỉ là đi diễn, họ quyết định phải bỏ làng đến đây sinh sống vì hiểu mình đang làm một điều gì có ích hơn cho dân tộc mình, văn hóa cội nguồn của mình.

Một điều quý giá phải kể đến là chính quyền Hội An đã ý thức rất rõ phải tạo nên một sân khấu đích thực để làng quê Việt Nam được hiện lên trong ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Và Nhà hát Lune đã ra đời, một điểm đến đáng tự hào của Hội An, mà ở đó, ê kíp Lune Production được thỏa sức sáng tạo.

Dự án xây dựng Nhà hát Lune được bắt đầu từ hai năm trước. Chính quyền Hội An sau khi xem À Ố Show đã có thiện chí mời đoàn về đây. Mất hai năm dựng rạp, cũng cả một khó khăn. Rạp xây theo kiểu bán kiên cố, một nửa quả cầu khung sắt, căng phủ bạt, trên là sân khấu, giống nhà bạt xiếc thôi… nhưng được làm mềm mại lại bằng tre.

“Hội An giống một ốc đảo, đâu đó môi trường kinh tế chính trị còn nhiều bất cập, nhưng đây là ốc đảo đỡ nhất cả về văn hóa, chính trị. Cách làm của họ được người dân kính trọng, đó là cách rất được. Chính quyền địa phương thực ra rất chủ động, có sự gặp nhau thật, điều gì tốt nhất họ làm và có hiệu quả”, Nhất Lý cho biết.

Hỏi anh làm thế nào để tạo nên hồn vía, tinh thần rất mạnh cho Làng Tôi, Teh Dar, Palao? Anh chia sẻ: “Văn hóa làng đã mất mát đi nhiều, trong quy luật, luôn thay đổi từ dạng này sang dạng khác, nhưng sự đứt đoạn trong tiếp nối tinh thần không do chiến tranh, không do hoàn cảnh kinh tế, mà do ý thức hệ tạo ra. Hiện nay, chúng ta chỉ có nhan nhản những sản phẩm “nhái” ca trù. Không biết cái hay, cái đẹp của hát văn, hát cội, thì làm sao gìn giữ đúng nguồn gốc, đúng chất lượng.”

Ý thức việc này, nhiều năm nay Nhất Lý đã gặp gỡ, tìm hiểu về ca trù. Muốn hiểu về ca trù phải tìm đến những con người còn giữ được những tinh túy, tinh hoa. Quay trở lại làng, người ta biết đến nông thôn Việt Nam qua phong cảnh thiên nhiên, mùi nước chua, mái lá mái rạ, mùi của con tôm con cá… Thời sơ tán Nhất Lý đã thấu hiểu cảm giác ấy, chẳng cần phải cóp tâm để có điều ấy. Khi làm Làng tôi, tất cả đều trỗi dậy.

Với Palao, ê kíp của Nhất Lý phải giải thích cho những người dân làng Chăm hiểu là làm thật để họ cảm nhận rất rõ đây là chương trình nghệ thuật cao cấp cho văn hóa của họ. “Thực ra mình tạo điều kiện cho dân làng làm công việc của họ thôi, nhưng nếu tự họ làm thì họ không biết làm gì… Trong tương lai khi dân làng nắm phương pháp, mở mang ra, sẽ làm tiếp công việc của mình. Mình làm toàn chuyện tử tế, có gì xấu đâu, mình chỉ nghĩ khác một tí, ít giáo điều một tí,” Nhất Lý chia sẻ.

Duyên nợ với làng quê 2
Hình ảnh giới thiệu vở diễn Palao

Còn với Teh Dar, phải đi lên Tây Nguyên ba, bốn đợt, gặp nhiều nghệ nhân, tập hợp họ lại. Ban nhạc năm người thì bốn người tìm được từ chân núi Lang Biang, họ là người Ê Đê, Giaray, không có nghề, đi hát rong cho khách du lịch. “Văn hóa truyền thống họ đã mất rồi, phải đẩy họ tìm lại chính mình, còn mảnh vỡ nào đó thì sử dụng, theo cách trào lưu âm nhạc hiện nay. Mình cũng không làm bảo tồn bảo tàng, truyền thống là phải thay đổi, làm giống các cụ đâu có tồn tại. Tôi không phục dựng lại, mà truyền tải hồn vía Tây Nguyên, tinh thần Tây Nguyên”, Lý tâm sự.

Hành trình trở về của một con người yêu tự do

Cha Nhất Lý là người Việt, còn mẹ anh lại là cô gái Pháp, cả hai đã dành hết tình yêu cho Việt Nam. Tôi nhớ mãi những ngày chiến tranh, nhà Nhất Lý ở đối diện với nhà tôi trong khu tập thể Cơ Khí Hà Nội. Ba anh em anh cùng lớn lên với chúng tôi, cùng đi sơ tán, cùng thấm thía sự thiếu thốn, đói ăn, đói mặc… Nhưng anh luôn bị hắt hủi, bị trẻ con bu vào trêu chọc bởi vẻ ngoài lai Tây. Từng là chứng nhân của những biến cố đau thương của lịch sử dân tộc và gia đình, anh thấm thía hơn ai hết những mất mát trong đời sống văn hóa Việt. 

Chứng kiến nỗi đau của cha khi bị buộc phải rời khỏi quê hương một lần nữa, khi sống ở xứ người, anh mới cảm nhận rõ rệt cái gốc gác Việt Nam của mình. Cũng như cha mẹ mình, anh nghĩ mình là người Việt, tâm hồn anh còn Việt Nam hơn cả người Việt, nhưng không ai nhìn nhận anh là người Việt.

Nhất Lý hồi tưởng: “Trước khi gặp nhau ở Pháp, cha mẹ tôi đã là hai người cộng sản. Là một trong bốn vị lãnh đạo Hội Việt kiều yêu nước Pháp, phụ trách khối công nhân, năm 1962 ông quyết định về Hà Nội khi Việt Nam còn hai chính thể. Lý tưởng của cha là đem vợ con về Hà Nội để xây dựng đất nước theo lời kêu gọi của Cụ Hồ. Đặt tên tôi là Nhất Lý, cha mẹ tôi lúc ấy đã xác quyết rằng chỉ có một con đường về Việt Nam.”

Ít ai biết lần đầu tiên về Việt Nam làm Làng tôi là thời gian khủng hoảng nhất của cuộc đời anh. Ba đứa con không nhìn mặt cha, vợ thì cho rằng về Việt Nam không có tương lai, nên hai người đã chia tay. “Lúc đó tôi mới hiểu thế nào là cô đơn, bị bỏ rơi. Một câu nói đã cứu tôi: Ngày hôm nay là ngày đầu tiên của những ngày còn lại trong cuộc đời mình. Nó cho phép tôi gượng dậy được”. Trong cái rủi có cái may, nhờ có độ lùi văn hóa Việt Nam trong thời gian dài, khi quay trở lại, tự nhiên anh cảm nhận rất rõ về cái đẹp mà những người đang ngụp lặn trong đó không nhận thấy. 

Thật hi hữu, duyên nợ với Hội An đã đưa ba anh em và các con anh cùng trở về. Con trai anh hiện phụ trách phần tổ chức, gặp gỡ, làm hợp đồng cho đoàn với các nước khi sang biểu diễn. Chị gái anh là đoàn trưởng của Lune ở Hội An, quản lý về chuyên môn, còn anh trai thì tham gia sáng tạo.

“Cuối cùng tất cả đều tụ hết về đây. Rất tự nhiên, không cố tình, đến một ngày chợt thấy cả nhà mình trong đó”.

Duyên nợ với làng quê 3
Anh em Nhất Lý và mẹ tại Hà Nội thưở nhỏ

Tất cả các dự án đều có có Nhất Lý, anh trai Nhất Lý là Nguyễn Lân và đạo diễn Tuấn Lê. Lân làm về sáng tạo, giống như người cày ruộng ban đầu, xới tung mảnh đất lên để có thể gieo cấy, tạo nền tảng làm việc với nghệ sĩ từ khi tuyển sinh đến sáng tạo. Hầu như diễn viên theo trường lớp rất khó tuyển vì họ bị theo cái nếp, thực sự trở thành những kẻ nô lệ, giải thoát cho họ khó lắm. Rất khó khăn khi kéo ai đó đi cùng. Con đường ban đầu không rõ ràng như thế, như vào rừng vạch lá tìm đường đi. Rõ ràng đây là một công cuộc, xây dựng con đường nghệ thuật mới cho Việt Nam, nói nghiêm túc là cuộc cách mạng nhỏ…

Sự gặp gỡ giữa nhà sản xuất Lune Prodution – Võ Thành Trung với Nhất Lý vào năm 2011 đã tạo một bước ngoặt đánh kể. Từ Việt Nam, các vở diễn Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar… lần lượt bước ra khỏi biên giới, chu du đến những sân khấu lớn của 15 quốc gia, qua đó hàng trăm nghìn khán giả nước ngoài cảm nhận được chiều sâu của văn hóa Việt.

Có nhà tổ chức và sản xuất, Nhất Lý thoát khỏi nỗi lo cơm áo, toàn tâm cho nghệ thuật. “Khi có tiền bản quyền đàng hoàng, sống không bận tâm đến tiền bạc nữa, dù mình không có nhu cầu tiền bạc. Bao nhiêu tiền cũng không đủ cho công việc, nhưng để sống thì lúc nào cũng dư…Khi bốn chương trình đều sáng đèn, 10% doanh số chia cho 4 người, một năm doanh thu mấy chục tỷ, mỗi quý cũng được khoảng 150 triệu. Nhớ ngày nào mới về Việt Nam, cùng làm với Đỗ Bảo, nghĩ chỉ cần sao một tháng có 5 triệu để sống, giờ thì mình là một trong số ít người Việt Nam hài lòng với cuộc sống của mình. “Được là”- Đó là điều khó nhất”, Nhất Lý cười xòa.

Nhìn anh giản dị, hiền khô trong bộ áo nâu sồng, bộ râu trắng muốt và nụ cười sảng khoái, ít ai biết lúc cần “đanh đá” anh cũng đanh đá ra phết. Lặn lội khắp các hang cùng ngõ hẻm, sưu tập, tìm kiếm các nghệ nhân ca trù, hát ả đào, hát xẩm… kho tàng âm nhạc dân tộc với anh là vô tận: “Mình đã là kẻ tự do, không ai bắt mình làm nô lệ được. Phù Sa Lab đúng nghĩa là một phòng thí nghiệm âm nhạc, ở đó tôi tìm cách tiếp cận nghệ sĩ, nói chuyện với họ, chia sẻ tư tưởng tự do, tự họ giác ngộ thôi, từ đó nhen nhúm cộng động nghệ sĩ tự do thật. Tất cả đều bắt đầu từ nhận thức. Vấn đề “được là” quan trọng lắm.”

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng