Fintech Việt Nam đang đói vốn đầu tư mạo hiểm?

Việt Hưng - 10:05, 05/12/2022

TheLEADERSau VNLife và MoMo, thì dường như các startup, fintech kế cận chưa thực sự "chín" cả về tư duy, lẫn năng lực để tiếp tục nhận được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế.

"Mùa đông" với mảng Fintech tại Việt Nam

Hiện số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam đã lên đến hơn 160 công ty phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017. Trong đó, có tới gần 70% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở lĩnh vực Fintech.

Những đổi mới, sáng tạo về công nghệ tài chính đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng thông qua việc bổ khuyết, giải quyết tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện hành…

Fintech đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, cũng là cấu phần trọng yếu để góp vào việc đạt mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số trong cuộc CMCN 4.0 mà nhiều quốc gia đang hướng tới, trong đó có Việt Nam.

Nghiên cứu của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội fintech Singapore được chia sẻ trong báo cáo Fintech in ASEAN 9 tháng đầu năm 2022 vẫn duy trì mạnh mẽ với tổng vốn gọi được lên tới 4,3 tỷ USD thông qua 163 thương vụ.

Singapore và Indonesia tiếp tục là các quốc gia Đông Nam Á gọi nhiều vốn thành công nhất cho mảng Fintech. Ngược lại, vốn đầu tư mảng công nghệ tài chính tại Việt Nam có dấu hiệu giảm mạnh so với năm 2021.

Năm ngoái, vốn đầu tư vào Fintech tại Việt Nam chiếm khoảng 12% trong khu vực Đông Nam Á với hai thương vụ lớn là VNLife và MoMo đều chính thức trở thành Kỳ lân công nghệ (các công ty có định giá trên 1 tỷ USD), thì năm nay con số này chỉ còn là 5%.

Đây là điều đã được dự báo từ trước, khi nhiều chuyên gia cho rằng, các startup Việt Nam nói chung sẽ phải sẵn sàng cho "mùa đông" sắp tới - khi mà tình hình kinh tế chung đang có nhiều rủi ro, biến động. Các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ ngày một khắt khe hơn, cũng như dòng tiền đầu tư mạo hiểm sẽ ngày càng thắt chặt hơn.

Ngoài ra, một khía cạnh khác cũng được các chuyên gia nhắc tới, đó là sau VNLife và MoMo, thì các startup kế cận chưa thực sự "chín" cả về tư duy, lẫn năng lực để tiếp tục nhận được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế.

Hiện về cơ cấu đầu tư nói chung trong mảng Fintech Đông Nam Á, lĩnh vực thanh toán vẫn đang huy động được nhiều vốn nhất. Theo sau là hai lĩnh vực tiềm năng gồm cho vay và tiền kỹ thuật số.

Fintech Việt Nam đang đói vốn đầu tư mạo hiểm?
Các startup Việt Nam nói chung sẽ phải sẵn sàng cho "mùa đông" sắp tới

Hoàn thiện hệ sinh thái Fintech hiệu quả

Giới chuyên gia cho rằng, muốn cải thiện hiệu quả hệ thái Fintech Việt Nam thì phải tạo điều kiện cho sự đổi mới có đất để nảy mầm, sinh sôi và lớn lên.

Bên cạnh việc rà soát, xây dựng để hoàn thiện các khung khổ pháp lý, thì việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát như mô hình Fintech Innovation Hub (Trung tâm đổi mới công nghệ tài chính) tại Việt Nam cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia đề cập tới.

Nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng xây dựng hệ thống vườn ươm và tạo cơ chế thử nghiệm để giúp các công ty này tăng cường sự cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và đưa ra nhiều sản phẩm có ích với xã hội.

Hay nói cách khác, những Fintech Innovation Hub, Fintech Hub, hay Fintech Lab… sẽ góp phần tạo nền tảng hỗ trợ để các Fintech thu hẹp hơn khoảng cách từ ý tưởng, phát minh tới việc đưa sản phẩm ra thị trường. Mô hình này đã xuất hiện và khá thành công tại một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Singapore…

"Triển khai Fintech Innovation Hub, hay Fintech Hub… sẽ giúp kết nối những ý tưởng, các giải pháp mới trong phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ từ các doanh nghiệp Fintech tới các cơ quan quản lý, để từ đó tìm ra được tiếng nói chung, lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất, có thể triển khai được hiệu quả trên thị trường", ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky Việt Nam chia sẻ.

Đồng quan điểm, ThS. Phan Thu Trang - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhìn nhận, các vườn ươm và trung tâm hỗ trợ đang được mở rộng, với mục đích xây dựng một hệ sinh thái năng động và toàn diện.

Thực tế, việc tìm kiếm và ươm mầm tài năng đòi hỏi các Fintech phải chấp nhận bỏ ra một số vốn không nhỏ. Trong khi đó, công tác đào tạo Fintech còn hạn chế, chủ yếu là đào tạo đơn ngành về tài chính hoặc công nghệ. Nên để tuyển dụng nguồn nhân lực phù hợp là vấn đề tương đối nan giải cho các nhà lãnh đạo các công ty Fintech.

Bởi vậy, cơ quan nhà nước cũng nên xem xét khuyến khích xây dựng các chương trình đào tạo cho lĩnh vực mới mẻ này, đặc biệt mở rộng các chương trình ươm mầm tài năng để giúp cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vị chuyên gia cho rằng, sự quan tâm của Chính phủ đồng thời xác định rõ định hướng phát triển, tạo điều kiện về nguồn lực, cả về vốn lẫn con người sẽ là yếu tố then chốt để các mô hình này phát huy được vai trò của mình.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch VINASA chia sẻ, Fintech đang đóng vai trò trọng tâm trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực công nghệ tài chính, làm thay đổi cách quản trị tài chính cho các doanh nghiệp.

Fintech Việt Nam thật sự đã tạo ra làn sóng, và đã xuất hiện kỳ lân trong lĩnh vực này. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng đã có Làng Fintech, có Câu lạc bộ Vina Fintech... tạo ra sân chơi, tư vấn, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Fintech kết hợp với các định chế tài chính. Trong đó có hệ thống ngân hàng, các tập đoàn lớn tạo điều kiện khởi nghiệp Fintech thành công, đóng góp cho chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số Việt Nam.

Song cũng theo ông Thắng, đổi mới sáng tạo đã khó, đổi mới sáng tạo mang dấu ấn của Việt Nam còn khó hơn rất nhiều. Bởi thế, việc sáng tạo phải để lại thương hiệu riêng, có thể kết nối được, và chia sẻ được về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn lực cũng như hiệu quả mang lại.

"Khởi nghiệp thành công, bên cạnh chính sách, cơ chế của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp Fintech cũng cần thực hiện theo ba bước: ý tưởng sáng tạo, triển khai khả thi, mang lại hiệu quả. Có như vậy mới tạo ra động lực phát triển cho xã hội và đất nước", ông Thắng chia sẻ quan điểm.