Gần 40 địa phương đang triển khai thành phố thông minh

Việt Hưng - 15:14, 26/11/2020

TheLEADERTrong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018.

Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh lần thứ 4 - Smart City Summit 2020 đã thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu theo dõi trên các nền tảng trực tuyến và 27 điểm cầu tại 27 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8-2018 đã đưa ra các quan điểm và nguyên tắc trong tổ chức triển khai xây dựng ĐTTM tại Việt Nam và xác định các nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn để thực hiện.

Cùng với đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2020 đã đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá, phát triển đô thị thông minh là công cuộc chuyển đổi số cho một đô thị với 3 nội dung chính gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đô thị thông minh là nơi thí điểm, thử nghiệm triển khai các dịch vụ mới, mô hình mới, thí điểm các chính sách mới bằng việc sử dụng công nghệ số mới, làm ngay từ khâu xây dựng quy hoạch phát triển đô thị.

Gần 40 địa phương đang triển khai thành phố thông minh
Gần 40 địa phương đang triển khai thành phố thông minh

Theo các chuyên gia, thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào các mạng lưới thành phố thông minh. Trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018. Bên cạnh đó, hiện có gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhận định, thành phố thông minh là một xu thế không thể đảo ngược, giải pháp tối ưu giải quyết các vấn đề của đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng.

Mô hình thành phố thông minh giúp các đô thị tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn hơn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ là của Chính phủ, mà cần sự ủng hộ, đồng hành, vào cuộc mạnh mẽ của tất cả người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng Viện KH&CN VINASA, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ phần mềm Hài Hòa chia sẻ, trong bối cảnh cách mạng 4.0, xây dựng thành phố thông minh có nghĩa là tích hợp công nghệ số để xây dựng đô thị đáng sống.

Các giải pháp công nghệ phải kết hợp với các giải pháp công trình và giải pháp quản lý mới có thể phát huy tối đa hiệu quả. Và lấy người dân làm trung tâm phải được hiểu theo cả 2 chiều: vì dân và do dân, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và sự tham gia của toàn bộ cộng đồng dân cư.

"Muốn xây dựng đô thị thông minh bền vững thì giải pháp cơ bản là “cấy gene thông minh”, thể hiện qua quy hoạch, quy chế và quy chuẩn. Các khu đô thị mới phải thông minh ngay từ đầu và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất để đảm bảo khả năng kết nối tạo thành một tổng thể thông minh", ông Quang nêu quan điểm.

Theo ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), giai đoạn tới, phát triển thành phố thông minh sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá; Thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hoá liên thông đa ngành; Nghiên cứu ứng dụng, phát triển quy hoạch thành phố thông minh bền vững;

Lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án thí điểm phát triển thành phố thông minh bền vững; đẩy mạnh chính phủ điện tử; Xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển; Tập trung đào tạo cán bộ đầu mối của Đề án 950; Xây dựng cơ chế điều phối phát triển; Tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế.