Giải pháp phục hồi ngành hàng không Việt Nam sau dịch

Phương Linh - 08:31, 06/02/2021

TheLEADERCác giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành hàng không cần bao gồm hỗ trợ trực tiếp, phát triển cơ sở hạ tầng và thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức trong ngành hoạt động.

Giải pháp phục hồi ngành hàng không Việt Nam sau dịch
Hàng không luôn là ngành có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ở bất kỳ quốc gia nào, hàng không luôn là ngành có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Ngành hàng không không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng GDP mà còn tác động mạnh mẽ tới việc kết nối quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào đời sống.

Hàng không là động lực cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Sự phát triển kinh tế bền vững của phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định và phát triển của ngành hàng không.

Ông Nề dẫn chứng, tại Việt Nam, theo số liệu thống kê và báo cáo của các doanh nghiệp, chỉ tính riêng Vietnam Airline, Vietjet, ACV, VATM đã có tới 4 vạn cán bộ, nhân viên, tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 22.000 tỷ đồng/năm.

Tính một cách tương đối, doanh thu của ngành hàng không chỉ đứng sau TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng (các địa phương có tổng sản phẩm vượt 190.000 tỷ đồng/năm) và đứng trên 59 tỉnh thành khác.

Về nộp ngân sách, ngành hàng không nộp ngân sách tương đương vị trí thứ 9 trong top 10 địa phương có số thu lớn nhất cả nước. Doanh thu ngành hàng không gấp 21 lần doanh thu ngành đường sắt, nộp ngân sách gấp gần 100 lần ngành đường sắt.

Giữ một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế là thế, tuy nhiên, theo ông Nề, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 vừa qua, ngành hàng không đã bị thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Hoạt động hàng không bị đình trệ khiến nhiều hãng giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Giải pháp hỗ trợ ngành hàng không phục hồi và tăng trưởng trở lại để làm động lực vực dậy cả nền kinh tế là yêu cầu bức thiết đang đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước ngay lúc này.

Theo ông Nề, để phát triển bền vững ngành hàng không trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, Chính phủ cần áp dụng một cách tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó các giải pháp cần xoay quanh ba mảng gồm hỗ trợ trực tiếp, phát triển cơ sở hạ tầng và thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức trong ngành hoạt động.

Khi ngành hàng không gặp khó khăn, sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho các doanh nghiệp có liên quan là rất cần thiết, đem lại những kết quả và tác động thiết thực. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không, Nhà nước cần tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp lý, từ đó, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với lĩnh vực hàng không.

Cần hoàn thiện hệ thống chính sách đối với ngành hàng không

Để hoàn thiện hệ thống chính sách đối với ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần tập trung vào 9 nội dung cơ bản.

Giải pháp thứ nhất, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành các quy định, thủ tục thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế. Việc đảm bảo hoạt động bình thường trở lại cho các hãng hàng không là yếu tố then chốt để toàn ngành hoạt động bình thường trở lại.

Hiện nay, các quy trình, thủ tục bay nội địa đã ổn định trở lại, tuy nhiên, đối với đường bay quốc tế, triển vọng phục hồi vẫn đang gặp phải không ít thách thức do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Thời gian vừa qua, Vietnam Airline đã thử nghiệm một số đường bay tới Hàn Quốc, Nhật Bản. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đàm phán với một số nước để khôi phục trở lại đường bay quốc tế, thậm chí là chuẩn bị cả các đề án mở đường bay mới sang các nước chưa có đường bay trực tiếp tới Việt Nam.

Tuy nhiên, các đối tác này cũng yêu cầu phải có quy trình thủ tục bay có hiệu lực pháp lý, đáng tin cậy, đảm bảo an toàn cho khách hàng và cho nơi tiếp nhận họ sau khi bay. Một khi đáp ứng được những yêu cầu này, đường bay quốc tế sẽ phục hồi trở lại. 

Khi đó, không chỉ các doanh nghiệp hàng không phục hồi lại hoạt động bình thường mà nhiều ngành khác cũng có điều kiện khôi phục nhanh hơn. 

Giải pháp thứ hai theo ông Nề là Chính phủ cần kéo dài thời gian thực hiện các khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không.

Cụ thể, Chính phủ cần giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không. Mức giảm ít nhất là 70% thay vì mức 30% hiện nay và kéo dài thời gian áp dụng tới hết năm 2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần kéo dài thời gian thực hiện các giải pháp giảm giá dịch vụ đối với các hãng hàng không và nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ hoạt động bay cho tới đầu năm 2022 theo kịch bản lạc quan hoặc cuối năm 2023, đầu năm 2024 theo kịch bản xấu nhất của toàn ngành.

Giải pháp thứ ba là hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam kéo dài thời gian thanh toán. Về vấn đề này, các hãng hàng không đã có kiến nghị về gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng dưới hình thức tín dụng với những phương thức thanh toán cụ thể.

Ông Nề nhớ lại, một giải pháp tương tự như vậy đã được Chính phủ tung ra để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009. Lúc đó, Chính phủ đã dành 1 tỷ USD để hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong hai năm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, gói hỗ trợ như vậy cũng cần được thực hiện dưới hình thức hỗn hợp cả tín dụng ngắn hạn và tín dụng dài hạn. 

Theo đó, ông Nề đề xuất hai phương án: Nếu lãi suất dài hạn khoảng 10%/năm, các ngân hàng thương mại hỗ trợ 2%, Chính phủ bù lãi suất 8% hoặc các ngân hàng thương mại hỗ trợ 2%, Chính phủ bù lãi suất 6%, hãng chịu 2%. Như vậy, nếu bù lãi suất 8%/năm, mỗi năm Chính phủ sẽ chi 2.000 tỷ đồng và trong 3 năm chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng.

9 giải pháp phục hồi ngành hàng không Việt Nam sau dịch 2
TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam

Giải pháp thứ tư để hỗ trợ ngành hàng không phục hồi là kích cầu du lịch nội địa, đẩy mạnh các chương trình du lịch trong nước. Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể mở cửa trở lại thì du lịch nội địa chính là cứu cánh cho ngành hàng không có thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Thứ năm là giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không xử lý nợ sau khủng hoảng. Theo ông Nề, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp hàng không đã áp dụng là giãn, hoãn các nghĩa vụ thanh thanh toán, kể cả nợ nhà cung cấp, nợ tín dụng, nợ lương nhân viên, nợ thuế đối với nhà nước.

Tuy nhiên, chi phí thường xuyên của các doanh nghiệp hàng không là rất lớn. Năm 2019, trong điều kiện hoạt động bình thường, chi phí bình quân một ngày của Vietnam Airline là 268 tỷ đồng, Vietjet là 128 tỷ đồng. Chi phí cho mỗi tháng lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 3.800 tỷ đồng.

Do đó, khi hoạt động của ngành hồi phục trở lại, các khoản nợ này khó có thể thanh toán trong 1 năm. Chính vì vậy, nhà nước cần tiếp tục áp dụng các quy định về dãn thanh toán nghĩa vụ tài chính cho các doanh nghiệp, ít nhất là cho phép chậm thanh toán trong vòng 1 – 2 năm nữa đối với các khoản nợ đã phát sinh trong thời kỳ khủng hoảng.

Giải pháp thứ sáu là rà soát, đánh giá chính sách hiện hành về xây dựng và quản lý các sân bay, hoàn thiện quy trình thủ tục đầu tư xây dựng các sân bay. Từ đó, Chính phủ cần triển khai nhanh chóng các dự án đầu tư xây dựng sân bay, các công trình kỹ thuật tại sân bay và các công trình phục vụ hoạt động của các sân bay nhưng đặt tại các địa điểm lân cận gần sân bay.

Thứ bảy là điều chỉnh quy hoạch giao thông vùng sân bay để sớm có hệ thống giao thông đồng bộ, đảm bảo kết nối tốt các sân bay với toàn bộ địa bàn mà mỗi sân bay phục vụ.

Giải pháp thứ tám là “mềm dẻo hoá” chính sách tạm nhập tái xuất xăng dầu hàng không. Theo ông Nề, trong thời gian tới, giá dầu có thể có những biến động khó lường. Trong ngắn hạn, giá dầu có thể đạt tới mức đáy. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp hàng không có thể cân nhắc phương án lợi dụng tình hình giảm giá để tăng lượng nhập khẩu xăng dầu và bán ra khi giá tăng lên để thu lợi nhuận.

Giải pháp cuối cùng để ngành hàng ông phục hồi và phát triển bền vững được ông Nề chỉ ra là hoàn thiện hệ thống các chính sách, các quy định liên quan đến công tác đào tạo nhân lực cho ngành hàng không. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu về nhân sự cho ngành hàng không đang rất cấp bách thì đào tạo nhân sự là yếu tố vô cùng quan trọng để phát triển ngành hàng không Việt Nam.