Giám đốc World Bank: Điều kiện tốt để đi với tốc độ nhanh hơn

Vũ Long ghi - 07:01, 08/02/2019

TheLEADERÔng Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới chia sẻ những ấn tượng và gợi ý về con đường phát triển của Việt Nam.

Giám đốc World Bank: Điều kiện tốt để đi với tốc độ nhanh hơn
Cầu Nhật Tân. Ảnh: Forty Media

Ấn tượng

Điều tôi ấn tượng nhất của năm 2018 là Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô rất tốt, tính chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam với những cú sốc bên ngoài rất hiệu quả, nhất là trong bối cảnh trong nước thì trần nợ công, khung đầu tư trung hạn đã làm hạn chế rất nhiều việc thực hiện các dự án lớn, việc giải ngân các dự án rất là chậm, bên cạnh bối cảnh quốc tế rất khó khăn, nhiều nước thu nhập trung bình còn đang gặp phải khủng hoảng.

Nhớ lại cách đây sáu tháng, trong báo cáo “điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam”, chúng tôi cũng chỉ dám đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam tăng ở mức 6,3%. Thế nhưng, đến nay chúng ta thấy tình hình rất là khác, dự báo kinh tế của chúng tôi là ở mức 6,8%. 

Trong sáu tháng vừa qua, có thể nói kinh tế Việt Nam phát triển rất tốt, trung bình là 7%, trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và có những vấn đề liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cách đây sáu tháng, chúng tôi nghĩ rằng nó ảnh hưởng không tốt đối với Việt Nam, nhưng nhìn lại sáu tháng vừa qua, chúng ta thấy Việt Nam tận dụng tốt cơ hội đó và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, giữ được mức lạm phát thấp ở mức một con số. 

Đây là những tiền đề rất tốt và có tác động tích cực lên tâm lý và sự tin tưởng của các nhà đầu tư, do vậy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên.

Tự hào

Trong suốt 25 năm vừa qua, kể từ khi Việt Nam lần đầu tổ chức hội nghị CG tham vấn với các nhà tài trợ đầu tiên ở Paris đến nay, quá trình phát triển của Việt Nam cũng như tham vấn với các nhà tài trợ đã trải qua nhiều lần thay đổi. Thời ban đầu gọi là Hội nghị tham vấn các nhà tài trợ, sau đấy là Hội nghị các đối tác phát triển, Hội nghị phát triển Việt Nam và bây giờ là Diễn đàn cải cách và phát triển. Điều đó chứng tỏ vai trò các nhà tài trợ qua từng thời kỳ có khác nhau, mục đích hội nghị khác nhau, như vậy vai trò các nhà tài trợ có chuyển đổi theo từng dấu ấn thời kỳ phát triển của Việt Nam.

Điều kiện tốt để đi với tốc độ nhanh hơn
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam

Việt Nam bây giờ khác hẳn so với trước đây. Nhớ lại thời kỳ đầu “đổi mới”, tại thời điểm đó tỉ lệ người dân Việt Nam có điện chỉ khoảng 12%, nhưng nếu tính đến thời điểm gần đây năm 2017 thì 99% người dân Việt Nam có điện. Giáo dục cơ bản và phổ thông của Việt Nam lên đến 97-98% người dân Việt Nam trong độ tuổi được đi học và kết quả đó của Việt Nam tương đối tốt và không có nhiều nước ở mức độ thu nhập trung bình thấp như Việt Nam mà được lấy giáo dục phổ thông làm ví dụ cho nhiều nước khác trên toàn cầu. Việt Nam có thể tự hào về những sự phát triển như vậy.

Người cầm lái

Quá trình phát triển đất nước như vậy thì rõ ràng vai trò của các nhà tài trợ và đối tác phát triển đa phương như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, và đối tác phát triển song phương đã thay đổi. Có nhiều thành tựu Việt Nam đạt được và vai trò các nhà tài trợ đã khác.

Đơn cử như nông nghiệp, cách đây mấy chục năm khi tôi còn bé biết về hình ảnh Việt Nam là một nước đói, nghèo và rất nhiều thuyền nhân, nhưng bây giờ Việt Nam nói về nông nghiệp là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Với sự hỗ trợ và tư vấn xuyên suốt như vậy, Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng tôi thì luôn luôn nói với các lãnh đạo Việt Nam rằng, những người như chúng tôi chỉ là hành khách hoặc cùng lắm chỉ là lái phụ mà thôi còn Chính phủ Việt Nam và người dân Việt Nam mới là người điều khiển đoàn tàu phát triển của Việt Nam, và chúng tôi luôn cam kết là một đối tác tin cậy, chiến lược nhưng vẫn chỉ là một lái phụ hoặc là một hành khách tích cực.

Tốc độ

Rõ ràng chúng ta thấy nếu so sánh Việt Nam năm 1990-2000 và 2017-2018, để thấy có sự thay đổi một cách rất rõ rệt, nhưng liệu chúng ta có thể làm tốt hơn và nhanh hơn được không? Rõ ràng là vẫn có thể làm tốt hơn, và nhanh hơn được. Nhưng, quá trình phát triển nhiều khi không phải là một con đường thẳng, sẽ có những chỗ vấp, có những vấn đề phức tạp khó có thể giải quyết nhanh chóng.

Trong hai năm vừa qua, sự phát triển của Việt Nam, các dự án được thực hiện và giải ngân tốc độ chưa được như mong muốn. Bù lại, có những cái Việt Nam làm rất tốt, như trong 2-3 năm vừa qua, con đường phát triển của Việt Nam đã rõ ràng hơn, các chính sách đưa ra có tính chiến lược và tốt hơn, và như vậy nó tạo một điều kiện rất tốt để Việt Nam có thể đi một tốc độ nhanh hơn trong tương lai.

Ví dụ, kinh tế vĩ mô ổn định trong hai năm vừa qua, tỉ lệ lạm phát rất thấp, đấy là điều kiện tốt để doanh nghiệp nước ngoài có thể vào đây đầu tư và phát triển. Có những yếu tố làm giải ngân của các dự án chậm trong thời gian vừa qua, ví dụ như chúng ta bắt đầu áp dụng vào khung đầu tư trung hạn chẳng hạn. Đó là một yếu tố làm cho các dự án giải ngân chậm; hay như áp dụng trần nợ công cũng là một phần làm cho các dự án giải ngân chậm.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm qua, Chính phủ cũng đã nhận ra được vấn đề khi áp dụng khung, định mức như vậy. Quan trọng là quá trình thảo luận giữa hai bên, giữa các đối tác phát triển và Chính phủ dẫn đến việc có những vấn đề Chính phủ cần phải điều chỉnh. Quốc hội vừa rồi đã thông qua gói 60.000 tỉ đồng để hỗ trợ thêm cho việc giải ngân các dự án để có thể đẩy nhanh tốc độ các dự án tốt hơn. Đấy là một động thái rất tốt khi Chính phủ đã lắng nghe và có điều chỉnh những cái chưa làm được tốt trong thời gian vừa qua để thời gian sắp tới tốt hơn.

Điều kiện tốt để đi với tốc độ nhanh hơn 1
Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long

Cùng là quá trình thảo luận giữa các đối tác phát triển và Chính phủ, Chính phủ đã rất lắng nghe và cầu thị, và đã bắt đầu bước vào một chương trình nghị sự mà tôi thấy rất hứa hẹn trong tương lai. Đó là Chính phủ đã bắt đầu nhìn thấy các thủ tục hành chính, thủ tục quy trình phức tạp, chính vì vậy Chính phủ đã bắt đầu áp dụng quy trình chính phủ điện tử với sự hỗ trợ của chúng tôi, nhằm tăng cường tính minh bạch, tăng tính trách nhiệm giải trình và đơn giản hoá quy trình, thủ tục. Hy vọng rằng khi áp dụng chính phủ điện tử, quy trình thủ tục sẽ rõ ràng, minh bạch và có tính trách nhiệm cao hơn.

Cơ hội vàng

Phải ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Rõ ràng so với 10 nước trong nhóm CPTPP thì Việt Nam đứng ở cuối, thế nhưng tôi nghĩ đây rõ ràng là một cơ hội chứ không phải là một bất lợi của Việt Nam, bởi vì chúng ta hãy nhìn vào những nước ở trong CPTPP, họ đã làm những gì và những cải cách nào họ đã thực hiện, và chúng ta có thể đi một con đường nào, gọi là đường tắt để thực hiện nhanh hơn. Ở đây tôi nghĩ cạnh tranh cũng là một động lực để ra những thay đổi một cách tích cực đối với Việt Nam.

Ví dụ, năm ngoái sau khi thứ hạng của Ma Rốc thấp hơn Việt Nam, họ có cử một đoàn sang Việt Nam để xem Việt Nam làm những gì, những cải cách nào của Việt Nam làm Việt Nam nằm trên Ma Rốc. Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế của Việt Nam, họ quay trở lại xem những gì Ma Rốc có thể làm được và họ đã thực hiện rất nhiều cải cách trong tầm tay của họ. Năm thay thứ hạng của Ma Rốc lên cao hẳn lên.

Rõ ràng đây là một thách thức đối với Việt Nam khi Việt Nam tham gia CPTPP nhưng tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội vàng cho Việt Nam. Giống như đá bóng chúng ta thăng lên một thứ hạng cao hơn, chúng ta phải tìm hiểu xem để chơi ở một hạng trên ấy, chúng ta cần phải làm cái gì, cần có cải cách như thế nào để chúng ta được chơi ở hạng trên, không tụt hạng và thậm chí có thể thăng tiến ở hạng trên đó. Việc thực hiện CPTPP sẽ là một động lực tiếp theo để Việt Nam tiếp tục con đường cải cách sâu rộng để tiếp tục cạnh tranh với các nước, không chỉ trong nhóm 10 nước CPTPP mà cả những nước khác.

Động lực tăng trưởng

Việt Nam cần chú ý đến hai vấn đề, xu hướng kinh tế toàn cầu đang đi như thế nào và cần chuẩn bị gì để đáp ứng và tận dụng được xu hướng đó.

Yếu tố thứ nhất Việt Nam cần để ý là bên ngoài, chuẩn bị như thế nào với những cú sốc từ bên ngoài. Thứ hai là Việt Nam cần chú ý đến cải cách, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và xử lý nợ xấu, và phải tiếp tục tốc độ cải cách mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian vừa qua trên một số lĩnh vực quan trọng. Và nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu là đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8%. Biết đâu còn có thể cao hơn.

Trong tương lai, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng hơn là số lượng. Ví dụ như chất lượng của giáo dục, chất lượng của đầu tư, chất lượng của cải cách, chất lượng của nguồn nhân lực đặc biệt liên quan đến thời đại của kỹ thuật số, như vậy có liên quan đến cải cách, sáng tạo để đưa đất nước lên một tương lai phát triển có chất lượng cao hơn.

Ví dụ như Việt Nam hoàn toàn có thể chú trọng lựa chọn chất lượng của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới đặc biệt, ưu tiên đầu tư có khoa học công nghệ cao. Điều đó có liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, gồm hệ thống giáo dục, đào tạo nghề trong thời gian sắp tới, để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho đầu tư chất lượng cao và công nghệ cao của Việt Nam.

Về chất lượng của cơ sở hạ tầng như điện chẳng hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn, khuyến khích môi trường đầu tư để tư nhân đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, gió, sinh học để vẫn tạo ra nguồn năng lượng điện cho phát triển đồng thời lại làm giảm lượng khí rác thải nếu sử dụng than.

Chúng ta cần hiểu ở đây giống như một cuộc thi chạy, khi mà Việt Nam chạy, các nước khác cũng chạy. Việt Nam cũng có nhiều cải cách và thay đổi, nhưng các nước khác đi nhanh hơn. 

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc san Dấu ấn & Khát vọng