Giữ bí mật thương mại để tạo lợi thế cạnh tranh

Tùng Anh - 10:27, 01/06/2022

TheLEADERCông thức chế biến Coca-Cola và mã nguồn của phần mềm Windows là một trong số những ví dụ điển hình về thông tin bí mật được bảo hộ là bí mật thương mại.

Giữ bí mật thương mại để tạo lợi thế cạnh tranh
Công thức chế biến Coca-Cola được bảo hộ là bí mật thương mại

Mọi doanh nghiệp đều có bí mật thương mại. Một số doanh nghiệp nhận thức rõ được tầm quan trọng của bí mật thương mại và đã xây dựng các chính sách chặt chẽ để bảo đảm sự bảo hộ bí mật thương mại của mình chống lại việc bộc lộ có thể gây tổn hại cho công ty.

Một số doanh nghiệp đang nhận ra tầm quan trọng của bí mật thương mại khi mà các đối thủ cạnh tranh cố gắng có được các danh sách khách hàng, kết quả nghiên cứu hoặc kế hoạch tiếp thị, thuê nhân công nhằm tận dụng bí quyết kỹ thuật của họ. Và các công ty đang nhận ra rằng họ có một số thứ có giá trị cần được bảo hộ.

Nói một cách chung nhất, thông tin kinh doanh bí mật bất kỳ tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh có thể được coi là bí mật kinh doanh. Việc sử dụng trái phép những thông tin đó bởi người khác ngoài chủ sở hữu được coi là hành vi không lành mạnh và xâm phạm bí mật thương mại.

Phụ thuộc vào hệ thống pháp luật, việc bảo hộ bí mật thương mại cấu thành một bộ phận trong khái niệm chung về bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh hoặc được dựa trên các quy định cụ thể hoặc án lệ về bảo hộ thông tin bí mật. Trong khi quyết định cuối cùng về cái gì tạo nên bí mật thương mại cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể, thì rõ ràng là hoạt động cạnh tranh không lành mạnh đối với bí mật thương mại bao gồm cả các tin tức công nghiệp và thương mại, vi phạm hợp đồng và xâm phạm bảo mật.

Nhìn chung, bí mật thương mại có một số chi phí liên quan đến phát triển chúng và không phải là kiến thức thông thường trong công nghiệp. Thậm chí, thông tin tiêu cực như các phương pháp nghiên cứu đã được tìm ra và không có giá trị gì cũng có thể là bí mật thương mại.

Danh mục về các đối tượng có thể được coi là bí mật thương mại bao gồm: (1) quy trình, kỹ thuật và bí quyết kỹ thuật trong sản xuất; (2) bộ sưu tập dữ liệu chẳng hạn như danh sách khách hàng; (3) kiểu dáng, hình vẽ, kế hoạch và bản đồ; (4) các thuật toán, quy trình được thực hiện trong chương trình máy tính và bản thân chương trình máy tính; (5) công thức sản xuất sản phẩm; (6) chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch xuất khẩu, kế hoạch tiếp thị; (7) thông tin tài chính; (8) hồ sơ cá nhân; (9) tài liệu hướng dẫn; (10) nguyên liệu; (11) thông tin về các hoạt động nghiên cứu và triển khai.

Bảo hộ bí mật thương mại

Không giống với sáng chế, bí mật thương mại được bảo hộ mà không cần phải đăng ký - nghĩa là không cần thực hiện thủ tục bất kỳ. Theo đó, bí mật thương mại có thể được bảo hộ vô thời hạn hoặc cho đến khi thông tin vẫn còn tính bí mật.

Vì một số lý do, việc bảo hộ thương mại có thể đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, có một số điều kiện đối với thông tin được coi là bí mật thương mại. Việc tuân thủ các điều kiện đó có thể làm cho việc bảo hộ bí mật thương mại khó khăn và tốn kém hơn so với ban đầu.

Trong khi các điều kiện đó có thể là khác nhau giữa các nước thì vẫn có một số tiêu chuẩn chung được quy định tại điều 39 Hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới.

Thứ nhất, thông tin phải là bí mật, nghĩa là không được biết đến một cách rộng rãi giữa hoặc được tiếp cận một cách dễ dàng bởi những người xử lý thông tin đó một cách thông thường. 

Thứ hai, phải có giá trị thương mại vì nó là bí mật. 

Thứ ba, phải được chủ sở hữu áp dụng những biện pháp thích hợp để giữ bí mật cho thông tin đó, ví dụ như thông qua các điều khoản bảo mật trong hợp đồng sử dụng lao động, các hợp đồng không bộc lộ...