Gợi ý chiến lược giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng

Phạm Nam Long, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty CP Abivin Việt Nam - 20:10, 15/08/2021

TheLEADERNguy cơ Việt Nam bị đánh bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu khi các cường quốc sản xuất như Trung Quốc và Ấn Độ trở lại đường ray đang hiện hữu một cách rõ rệt.

Gợi ý chiến lược giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng
Ông Phạm Nam Long, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty CP Abivin Việt Nam

Là người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngành logistics, “đứt gãy chuỗi cung ứng” là từ khóa mà tôi được nghe nhiều nhất trong những ngày qua.

Theo ước tính sơ bộ, mỗi ngày thực hiện chỉ thị 16, Việt Nam sẽ mất khoảng 1.200 tỷ đồng ở TP.HCM và khoảng 900 tỷ đồng ở Hà Nội so với việc thực hiện chỉ thị 15/19. 

Nếu có công cụ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, mỗi thành phố sẽ tiết kiệm được khoảng 20 - 40 tỷ đồng/ngày để giúp nhân dân có đủ hàng hóa tiêu thụ, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo thực hiện hoạt động giãn cách xã hội và an toàn.

Từ một nền kinh tế xuất khẩu đến nguy cơ bị đánh bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Nikkei, từ đầu tháng 8/2021, Việt Nam đứng cuối trong chỉ số đánh giá khả năng phục hồi sau đại dịch của 120 quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc ở vị trí đầu bảng và Ấn Độ, dù vài tháng trước đây còn bị tấn công ác liệt bởi Covid-19, thì nay đã lên hạng 57, trên Việt Nam hơn 60 bậc.

Ở giai đoạn trước, Chính phủ kiểm soát được dịch bệnh nên chuỗi cung ứng nội địa gần như không có quá nhiều biến động. Xuất khẩu thậm chí có dấu hiệu khởi sắc hơn do “giành được” những thương vụ quốc tế lớn. Đến nay, tình trạng đã rất nguy hiểm!

Viễn cảnh các thành phần trong chuỗi cung ứng sẽ “chết dần” rất dễ xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh khả năng sản xuất và tiêm vaccine còn phải mất ít nhất sáu tháng để đạt miễn dịch cộng đồng, các phương án về thuốc hiện chưa được phổ biến, biến chủng Covid mới đang phát triển và lây lan với tốc độ ngày một nhanh. 

Ngay chính các quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng cũng chưa có biện pháp hữu hiệu mà mất rất nhiều thời gian để phục hồi chỉ sau khi có hiệu quả miễn dịch cộng đồng từ tiêm vaccine đại trà.

Là một nước xuất khẩu, nếu không nhanh chóng cho hoạt động sản xuất và vận chuyển được diễn ra hiệu quả trong thời gian ngắn tới đây, thì chưa kịp nắm bắt cơ hội mới chớm nở từ đổi mới, Việt Nam đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của tổn thương nền kinh tế. 

Nguy cơ bị đánh bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu khi cường quốc sản xuất như Trung Quốc và Ấn Độ trở lại đường ray đang hiện hữu một cách rõ rệt.

Mặt khác, là một đất nước diện tích nhỏ, đang đóng cửa do dịch bệnh và không có nhiều lựa chọn thay thế về địa bàn sản xuất, Việt Nam khó có thể trở lại mạnh mẽ như các nước lớn. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh và quản trị nền kinh tế hữu hiệu hơn từ các cấp chính quyền.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thực sự là gì?

Trước đây, nguồn cung ứng nội thành của Hà Nội và TP.HCM gồm các cửa hàng ăn truyền thống, chuỗi F&B, tạp hóa và siêu thị. Hai nhóm đầu tiên đã bị đóng cửa, riêng nhóm siêu thị và tạp hóa được mở, nhưng nếu bất chợt có ca nhiễm bệnh thì sẽ phải ngừng hoạt động ngay lập tức.

Biện pháp vận chuyển hàng hóa từ nhà bán lẻ về người tiêu dùng, hay giao hàng tại nhà, trở thành ưu tiên số một. Việc này đòi hỏi một đội ngũ nhân viên giao hàng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu người dân và giải phóng hàng hóa cho nhà bán lẻ. 

Tuy nhiên hiện nay con số được cấp phép vẫn hạn chế để đảm bảo điều kiện giãn cách xã hội và do chưa có công cụ quản lý việc đi lại của nhân viên giao hàng hữu hiệu.

Trong hoạt động vận chuyển liên tỉnh, hàng hoá, hàng nông sản sản xuất ra từ các địa phương vệ tinh không được phép hoặc hạn chế mang vào thành phố lớn để tiêu thụ. Việc này gây ra tồn kho lớn, hỏng hàng, khiến cho nhà sản xuất nhỏ lẻ khó xoay vòng vốn để hoạt động cho giai đoạn tiếp theo, cuối cùng sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Trong mảng vận tải quốc tế, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ đang ảnh hưởng nặng nề tới xuất nhập khẩu. 

Một đối tác của Abivin trong lĩnh vực vận tải cảng biển đã thông tin rằng tồn kho tại cảng tăng quá cao đến mức không thể kiểm soát do các nhà sản xuất không đến cảng lấy hàng. Nhà sản xuất thì lên tiếng về những đơn hàng quốc tế bị đánh mất do tình hình dịch bệnh và vận hành tại cơ sở sản xuất không đủ đảm bảo tiến độ...

Hàng hóa không được lưu thông làm nhân dân trong thành phố bị đói hoặc không có nhiều lựa chọn về tiêu dùng. Người dân nghèo, thu nhập thấp là nhóm dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế Việt Nam, thì không thể chống chọi và ảnh hưởng lớn tới an sinh, trật tự tại các thành phố. Hoạt động sản xuất bị ngưng trệ dẫn tới hiện trạng thất nghiệp tràn lan.

Về lâu về dài, người dân lao động sẽ di chuyển về các thành phố vệ tinh, mang theo dịch bệnh và cả những giá trị lao động từ kỹ năng và tay nghề, vốn là nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của thành phố lớn. Điều này khiến cho các công ty khi mở cửa trở lại mất rất nhiều chi phí để duy trì mối quan hệ và hiệu quả lao động, ảnh hưởng đến nền kinh tế tại thành phố và quốc gia.

Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ phải và sớm mở cửa nền kinh tế nhưng cần có giải pháp hiệu quả và an toàn để giải quyết những mối nguy này trong chuỗi cung ứng.

Bốn yêu cầu cho chiến lược quản lý chuỗi cung ứng cho Hà Nội và TP.HCM

Thứ nhất, một chiến lược tốt phải tính đến một xã hội và nền kinh tế sau đại dịch.

Tuần vừa rồi Abivin tiếp tục có các buổi làm việc, chia sẻ với lãnh đạo và cán bộ tại Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương, TP.HCM và Hà Nội. Khó có cơ hội nào mà tôi lại được tiếp cận đến các cấp quản lý trực tiếp như vậy về những vấn đề khó khăn trong đợt dịch và cách mà Abivin có thể đóng góp.

Nhưng tôi cũng nhận thấy chúng ta bàn quá nhiều đến những ca nhiễm bệnh, vậy những người không mắc bệnh cần làm gì và họ sẽ sinh hoạt ra sao trong và sau đại dịch?

Gợi ý chiến lược giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng 1
Thói quen sinh hoạt của các cá nhân và doanh nghiệp thay đổi trong đợt dịch

Thói quen sinh hoạt của các cá nhân và doanh nghiệp đã thay đổi trong đợt dịch này, kéo dài ảnh hưởng ít nhất thêm một vài tháng nữa để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép.

Một xã hội trực tuyến đã, đang, và sẽ tạo nên một cấu trúc mới của xã hội và nền kinh tế. Nếu thiếu một công cụ quản lý hiệu quả để theo kịp bước chuyển này, nhà nước sẽ không thể đảm bảo duy trì và tăng trưởng nền kinh tế trong thời điểm đại dịch - thời điểm cần sự vào cuộc lớn nhất từ các cấp chính quyền.

Là xương sống của nền kinh tế, số hóa chuỗi cung ứng hàng hóa phải được giải quyết đầu tiên để đảm bảo các nhu cần cơ bản là ăn no, mặc ấm và an ninh xã hội.

Về ngắn hạn, Việt Nam cần chuyển đổi số chuỗi cung ứng nội thành và ngoại thành, hay nhắm vào nhóm nhà phân phối và nhà bán lẻ, đảm bảo hàng hóa được lưu thông và thực hiện an sinh xã hội. Về trung hạn, cần chuyển đổi số nhóm liên tỉnh và vận tải quốc tế, hay nhóm cảng và nhà sản xuất, không gây trì trệ, lãng phí, và giảm nguy cơ bị đánh bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về dài hạn, một hệ thống quản lý chuỗi cung ứng ở cấp Chính phủ, cấp chính quyền địa phương và ở tất cả doanh nghiệp có thể kết nối với nhau, lập kế hoạch tổng thể từ trung ương tới địa phương sẽ giúp cho Việt Nam vận hành để đối phó với mọi tình huống diễn biến xảy ra của dịch bệnh.

Thứ hai, một chiến lược tốt phải dựa trên hiện trạng năng lực ngành.

Từ khi thành lập, Abivin đã luôn hướng đến một tầm nhìn về việc quản lý năng lực vận hành chuỗi cung ứng cho các chủ thể trong nền kinh tế hàng hóa. Dựa trên hàng loạt khảo sát thị trường ở các quy mô lớn nhỏ, ở thời điểm bảy năm trước và ngay cả bây giờ, chúng tôi nhận thấy chuỗi cung ứng của ta vẫn được vận hành một cách tương đối lạc hậu và thiếu hiệu quả. 

Bằng chứng là chi phí logistics vẫn chiếm 17% GDP Việt Nam, cao hơn 10 - 13% so với các nước phát triển và 7% so với trung bình thế giới (số liệu năm 2018 thống kê bởi Armstrong & Associates).

Có một hiểu biết chung trong ngành là nhóm 50 doanh nghiệp sản xuất, vận tải, phân phối lớn, đa quốc gia đứng đầu đang nắm giữ 80% thị trường ở các phân khúc khác nhau của chuỗi cung ứng. 

Việc tập trung giải quyết bài toán tối ưu cho nhóm này có thể  được thực hiện thông qua nền tảng quản trị vận tải, hệ thống báo cáo bảng biểu và đặc biệt là thuật toán định tuyến, chất hàng 3D dựa trên những ràng buộc khó như chặn tuyến đường, loại hình hàng hóa vận tải, mức hàng dự trữ và trung chuyển đa dạng trong chuỗi cung ứng. 

Giải pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất, năng suất và khả năng cạnh tranh mà còn là công cụ hiệu quả để doanh nghiệp, xa hơn là các cấp chính quyền, quản lý được dòng chảy hàng hóa từ dữ liệu thực và tránh bị ảnh hưởng lớn bởi những biến động của xã hội.

Đại dịch là nguy cơ nhưng cũng là cơ hội. Nó là nguy cơ với những đơn vị không chịu chuyển đổi và gây ra những cản trở cho một nền kinh tế tương lai nhưng cũng là cơ hội để họ bứt tốc, vượt lên trên để làm chủ cuộc chơi.

Ở thời điểm nguy cấp này, vai trò của Chính phủ là cần xác định được 20% đơn vị hoạt động hiệu quả và có khả năng đáp ứng được các yêu cầu bất chợt của tình hình dịch trong việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời, thúc đẩy 80% các doanh nghiệp còn lại phải chuyển đổi số để quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan và gây tốn kém cho cả hệ thống.

Hoạt động trong chuỗi cung ứng được bảy năm nhưng đã làm việc với những công ty và tổ chức hoạt động hàng chục, hàng trăm năm trong ngành, Abivin đã học hỏi và xây dựng phương pháp phân tiêu chí khung năng lực vận tải đã được kiểm chứng gồm sáu bậc gồm: quản lý dữ liệu tài nguyên, nhân sự; quản lý quy trình kho vận; báo cáo kiểm soát; phân công tài xế - phương tiện; kết nối hệ thống; kế hoạch lộ trình phương tiện - tuyến đường.

Do đó, chúng tôi đề xuất một chiến lược áp dụng phân cấp năng lực quản lý vận tải tuỳ vào tình hình thực hiện chỉ 16, 15 hay 19 để vừa đảm bảo giãn cách, vừa đảm bảo lưu thông đầy đủ hàng hoá thiết yếu.

Gợi ý chiến lược giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng 2
Phân cấp năng lực vận tải/logistics vận hành trong thành phố, trong điều kiện dịch bệnh để vừa đảm bảo giãn cách, vừa đảm bảo lưu thông đầy đủ hàng hoá thiết yếu.

Thứ ba, một chiến lược tốt phải có sự phối hợp của nhà nước - doanh nghiệp - công nghệ.

Thực tế cho thấy, nếu thiếu sự phối hợp, công nghệ áp dụng sẽ chỉ gây thêm phiền hà cho các nhóm thực hiện và gây lãng phí cho Nhà nước. Những mục tiêu dài hạn về quản lý và phát triển kinh tế cũng khó có thể được thực hiện. Nhưng thiếu công nghệ, sẽ không có bước nhảy vọt nào xảy đến với nền kinh tế.

Để thực hiện được giải pháp này, Abivin, với vai trò là đầu mối nắm giữ công nghệ quản lý hệ thống vận tải tối ưu và thuật toán định tuyến độc quyền, sẵn sàng đảm bảo cung cấp hạ tầng, phần mềm và đứng ra vận hành kỹ thuật cho nền tảng của chính quyền thành phố Hà Nội.

Chính phủ và doanh nghiệp sẽ phối hợp để đảm bảo cung cấp thông tin vận chuyển, định tuyến và tình trạng cấm đường do dịch bệnh để hàng hóa được lưu thông xuyên suốt. Dữ liệu thuộc hoàn toàn sở hữu của doanh nghiệp. Việc quản lý vận hành hoàn toàn thuộc về chính quyền thành phố.

Gợi ý chiến lược giải bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng 3
Gợi ý mô hình phối hợp ba bên

Thứ tư, một chiến lược tốt phải đúng thời điểm.

Giải quyết dịch bệnh dần dần sẽ không còn là ưu tiên số một mà phải là ưu tiên song hành với duy trì và phát triển nền kinh tế, như các quốc gia trên toàn thế giới đã và đang thực hiện trong thời gian vừa qua.

Với kinh nghiệm phát triển và triển khai hệ thống quản lý chuỗi cung ứng cho những tập đoàn sản xuất, giao vận đa quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nhật bản, chúng tôi có thể triển khai hệ thống trong thời gian ngắn nhất cho Thành phố và tiến đến áp dụng cho doanh nghiệp trong hai tuần đến một tháng.

Còn doanh nghiệp muốn trở lại vận hành và không lãng phí rất nhiều kết quả sản xuất giai đoạn trước, chỉ có một cách là chuyển đổi số thật nhanh và thần tốc dưới sự chỉ đạo đồng bộ của chính quyền các cấp.

Tôi tin rằng, công nghệ, như chứng minh từ lịch sử, luôn là lời giải cho những bước chuyển của quốc gia và khu vực. Covid-19 là rào cản và Việt Nam sẽ vượt qua nó bằng sức mạnh trí tuệ và sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính quyền, doanh nghiệp và người dân!