Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng

Phạm Sơn - 10:04, 26/02/2023

TheLEADERBảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên cơ sở cân bằng, hài hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp là tinh thần xuyên suốt việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ hơn

Thời gian gần đây, thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân Slim Be được rao bán phổ biến trên các trang web thương mại điện tử, thu hút người tiêu dùng với một loạt lời quảng cáo hấp dẫn như “tác dụng thần kỳ”, “giảm cân dễ dàng hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, loại thực phẩm chức năng này đã nhiều lần bị báo đài phản ánh là chứa chất cấm và đã bị thu hồi giấy chứng nhận GMP.

Không chỉ Slim Be mà nhiều loại thực phẩm chức năng khác, được người bán quảng cáo không khác gì thần dược, thậm chí sử dụng hình ảnh cắt ghép, mạo danh người nổi tiếng, mạo danh đơn vị thông tấn uy tín để bán hàng.

Những hiện tượng tương tự như vậy không phải là điều hiếm gặp, đặc biệt trong thời đại thương mại điện tử “lên ngôi”. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng giả, hàng kém chất lượng đang xuất hiện ngày càng phổ biến, thậm chí lấn át hàng chất lượng.

Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng không chỉ bị tiêu tốn thời gian, tiền bạc mà còn có khả năng bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Thế nhưng, đa số người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng đều phản ứng bằng cách… tặc lưỡi cho qua, bởi rất khó để khiếu nại và hầu như không thể đòi được quyền lợi.

Từ góc độ đó, góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bà Hạnh nhấn mạnh, cần phải có chương riêng quy định về phương thức xử lý hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhìn nhận vấn đề này, theo bà Trần Kiều Dung, Chánh văn phòng Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), một chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe không chỉ hạn chế hành vi lừa gạt khách hàng mà còn đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo luật mới chỉ đưa ra phương thức giải quyết bằng hòa giải, một phương thức được bà Dung nhận xét là “chỉ mang tính hình thức”. Thiếu quy định xử phạt để cho những hành vi mua gian bán lận xuất hiện nhan nhản, đại diện FFA thẳng thắn nêu quan điểm, dường như người tiêu dùng đang bị bỏ rơi.

Từ đó, bà Dung đề nghị cần phải xử phạt thật nghiêm khắc, bao gồm các hình thức như thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, tịch thu lợi nhuận từ hành vi vi phạm, công khai vi phạm, thậm trí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Văn phòng luật sư VNC nêu đề xuất, danh sách hành vi bị cấm trong dự thảo luật cần bổ sung thêm hành vi ép buộc người tiêu dùng đang sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình phải mua thêm hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác, lấy đơn cử là hiện tượng người vay tiền ở ngân hàng bị ép mua thêm bảo hiểm.

Còn theo bà Phan Thị Hương Giang, Giảng viên Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Kinh tế luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, dự thảo luật đưa ra trách nhiệm của người tiêu dùng là phải “kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật”.

Bà Giang lập luận, quy định này khiến tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền cho phép hoặc không cho phép người mua kiểm tra sản phẩm trước khi nhận, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.

Hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã công bố bộ quy định đạo đức doanh nhân, với những quy tắc như kinh doanh minh bạch, liêm chính… cũng chính là hướng đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, phục vụ tốt người tiêu dùng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Do đó, trong bối cảnh những hình thức kinh doanh phi truyền thống ngày càng trở nên đa dạng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo phương châm bảo đảm cả quyền và lợi ích của các bên.

Mặt khác, theo lãnh đạo Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong bối cảnh mới, xu thế tiêu dùng bền vững đang lên ngôi. Đây là nội dung quan trọng cần được thêm vào dự thảo luật, giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững, có trách nhiệm dựa trên tinh thần phục vụ tốt người tiêu dùng.

Ghi nhận ý kiến đóng góp từ các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần hài hòa quyền lợi cũng như trách nhiệm của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, tránh tạo gánh nặng lệch về một phía cho doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo phải rà soát tính đồng bộ của dự thảo luật, tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi cao.