Hàng Việt ngày càng 'teo tóp' trong các đại siêu thị

Quỳnh Như - 08:25, 07/07/2018

TheLEADERKhi chúng tôi gọi điện phỏng vấn, câu trả lời của nhiều đại siêu thị tại TP. HCM không hẹn mà giống nhau: "Chúng tôi có 90% là hàng Việt", nhưng khi quan sát kỹ từng siêu thị, thực tế không giống chúng ta cảm nhận lúc nghe câu trả lời đó.

Hàng Việt ngày càng 'teo tóp' trong các đại siêu thị
Lotte Mart quận 7 tràn ngập đồ ăn – thực phẩm chế biến sẵn của Hàn Quốc tại Lotte Mart quận 7. Ảnh: Q.N

Ngoài xuất khẩu, siêu thị là một trong những kênh phân phối quan trọng để các doanh nghiệp nhỏ và vừa – chiếm tới 97% cơ cấu doanh nghiệp ở Việt Nam, bán được số lượng hàng lớn, có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây chỉ là mơ ước của giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là mảng hàng tiêu dùng nhanh như mỹ phẩm, dầu tắm gội, bánh kẹo, hàng gia dụng hàng ngày…

Trước khi đi tìm hiểu thực hư cơ cấu hàng hóa ở các siêu thị, chúng tôi đã liên hệ với bộ phận liên quan của các siêu thị, cụ thể là Coop Mart, Big C và Lotte Mart để hỏi, tất cả đều trả lời giống nhau: Trong các siêu thị của họ có 90% là hàng Việt.

Khi chúng tôi hỏi thêm Big C, vậy lượng hàng Thái trong các siêu thị Big C có nhiều hơn hàng Việt như lời đồn? Đại diện của Big C phản hồi rằng, hoàn toàn không có chuyện đó. Trong Big C, có 90% là hàng Việt, hàng Thái cũng chỉ nằm trong 10% hàng ngoại còn lại, không thể nhiều hơn hàng Việt. Lotte Mart cũng có câu trả lời tương tự, rằng hàng hóa đến từ Hàn Quốc cũng nằm trong 10% hàng nhập khẩu.

Phần Coop Mart, họ còn chú thích thêm: trong tất cả các đại siêu thị hàng đầu đang hoạt động ở Việt Nam, vì mỗi Coop Mart là của người Việt nên họ đang là hệ thống đại siêu thị ưu tiên hàng Việt nhiều nhất. “Chúng tôi vẫn đang phải cố gồng gắng, giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta. Cũng đuối lắm, nhưng chẳng nhẽ bây giờ lại buông?! Nếu chúng tôi buông thì cũng chẳng còn ai!”, đại diện siêu thị Coop Mart bày tỏ.

Sự thật đang như thế nào?

Về cơ bản, hệ thống các đại siêu thị ở Việt Nam hiện tại đang là thiên đường của các tập đoàn FDI. Ở ngành hàng tiêu dùng nhanh – hoá mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, nước lau sàn, bột giặt, kem đánh răng, bàn chải đánh răng… là cuộc chiến của 2 ông lớn Unilever và P&G. Hàng nước uống - giải khát là của Pepsi và Coca Cola, Nestle… Mặc dù hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam nhưng không phải là thương hiệu của người Việt.

Trong các hệ thống đại siêu thị, hàng Việt thường chiếm ưu thế ở mảng thực phẩm tươi sống như hải sản, thịt, rau củ quả, trái cây và các ngành hàng thế mạnh như các loại lương thực – thực phẩm chế biến sẵn như gia vị, ngũ cốc, cà phê, trái cây sấy, mì tôm, dầu ăn và đồ gia dụng trong gia đình như chổi, thớt, cây lau sàn, may mặc… Đây là những ngành hàng mà giá trị gia tăng không lớn như những ngành hàng chúng tôi vừa kể trước đó.

Hàng nhập khẩu tập trung rải rác ở các ngành hàng hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chế biến sẵn, điện tử…

Cụ thể, tại siêu thị Big C Nguyễn Thị Thập – quận 7, các ụ hàng ở vị trí bắt bắt nhất, dọc đường đi của khách hàng – cắm bảng khuyến mãi, đều của các doanh nghiệp FDI như Unilever, Coca Cola và Nestle, hàng Việt chiếm số lượng ít hơn có dầu ăn Cái Lân, nước mắm Chinsu, bánh KFC…

Tại quầy dầu gội, số lượng nhãn hàng khá nhiều, song của Unilever, P&G, LG chiếm đa số; nước ngoài còn có sự góp mặt của nhãn hàng danh tiếng như TREsemme, Loreal, Provence…; Việt Nam có sản phẩm của các công ty Thái Dương, Hữu Doanh, Lan Hảo, mỹ phẩm Sài Gòn nhưng với số lượng rất ít và ở chỗ ít bắt mắt nhất; có 4 nhãn hàng đến từ Thái Lan.

Lượng hàng Thái được Big C đưa vào siêu thị khá tinh vi. Ngoài vài cụm quầy nhỏ chuyên để hàng Thái như bàn chải đánh răng Sensodyne, bột giặt – nước xả các loại, KitKat, họ còn đưa nguyên liệu của loại cá hộp nổi tiếng 3 Cô Gái về đóng bao bì tại Việt Nam, rất nhiều sản phẩm của Unilever, Colgate, Loreal sản xuất ở Thái.

Hàng Việt ngày càng “teo tóp” ở các siêu thị lớn 1
Hầu hết nước xả Downy bán ở Big C Nguyễn Thị Thập là sản xuất tại Thái Lan

Chỉ xét riêng các mảng hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn, nước giải khát… tại Big C, thì các tập đoàn FDI lớn chiếm 55%, Thái Lan chiếm 15% và Việt Nam chiếm 15%, 15% còn lại là hàng nhập từ các nước khác.

Do chiến lược kinh doanh của Big C là “Giá rẻ cho mọi nhà”, nên họ không quá chú trọng đến các mặt hàng nhập khẩu từ các nước khác, ngoài Thái. Ngược lại, Lotte chính là đại bảng doanh của hàng nhập khẩu. Có thể nói, do chất lượng cao và giá cả phải chăng, hàng Thái tại Lotte còn nhiều hơn tại Big C.

Tất nhiên, nếu chỉ tính như ngành hàng như chúng ta đề cập phía trên với Big C, thì Lotte là “hang ổ” của hàng Hàn Quốc. Ngay từ cửa ra vào của Lotte Mart ở Quận 7, ban quản lý đã dành hẳn 4 kệ hàng bên phải để bán sản phẩm – chủ yếu là thực phẩm phục vụ cho việc nấu nướng, bánh kẹo, nước uống có xuất xứ từ Hàn Quốc.

Ở các kệ còn lại là hàng của các tập đoàn FDI như Unilever, P&G, Nestle, Coca Cola, Pepsi… Tất nhiên, các sản phẩm đến từ các công ty lớn của Hàn Quốc như LG hay Orion cũng được ưu tiên trưng bày ở nơi đẹp nhất. Phần còn lại lại là sự cạnh tranh của hàng Việt với hàng nhập từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản… Trong đó, hàng Thái hơi chiếm thượng phong về số lượng.

Nếu chỉ tính các quầy kệ của ngành thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, nước giải khát… thì tỷ lệ hàng hóa tại Lotte Mart quận 7 sẽ như thế này: các tập đoàn FDI lớn 30% - sản phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc/công ty Hàn Quốc 30% - hàng Việt/nhập khẩu chiếm 40%.

Tại Coop Mart Cống Quỳnh, hàng của các công ty FDI lớn vẫn nhiều nhất và đứng ở chỗ bắt mắt nhất, nhưng nhìn chung hàng Việt Nam vẫn được o bế và trân trọng hơn Big C và Lotte Mart.

Vậy tại sao hàng Việt lại yếu thế trước hàng của các công ty FDI và hàng ngoại nhập trong các ngành hàng kể trên?

Theo ông Hồ Minh Chính – Giám đốc KAS – Trường đào tạo bán hàng chuyên sâu, có 6 nguyên nhân: “Đầu tiên, nhiều siêu thị đòi các nhà cung cấp phải có các tiêu chuẩn như HACCP/ISO, song nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) không làm được do mất nhiều thời gian cũng như tài lực cho nhân lực, dây chuyền, máy móc… Vài siêu thị phải sau 90 ngày mới thanh toán công nợ, khiến các SMEs không dám vào vì chẳng kịp quay vòng vốn.

Đội ngũ bán hàng thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm bán hàng cũng như trình độ ngoại ngữ tiếng Anh để đàm phán với đại diện các siêu thị. Người có tiếng nói quyết định để một nhà cung cấp có được vào các hệ thống siêu thị FDI hay không thường là người nước ngoài. Doanh nghiệp nhỏ - nguyên liệu ít – sản xuất số lượng ít – giá thành cao hơn các công ty lớn.”

Đại diện Coop Mart thì cho rằng, việc hàng hóa các SMEs không thể thuận lợi vào trong các hệ thống siêu thị có phần trách nhiệm thuộc về nhà nước: “Nhà nước đã không kiểm tra - kiểm soát chặt chẽ việc bảo hộ các loại hàng hoá thiết yếu như gạo – đường – dầu – muối…, hay quy định khoảng cách giữa các siêu thị. Metro chỉ được phép bán sỉ, nhưng họ lại bán lẻ rất nhiều, cũng chẳng ai kiểm soát”.

Anh N.V.K, người có nhiều năm cung cấp bún tàu và miến dong cho Big C và Coop Mart kể : “Có hai vấn đề khiến các SMEs Việt khá nản lòng khi muốn vào siêu thị. Đầu tiên là việc giao nhận, thay vì tập trung một chỗ, các hệ thống đại siêu thị thường quăng chuyện logistic cho nhà cung cấp. Từng siêu thị đặt hàng riêng và nhà cung cấp phải đưa hàng tới tận từng siêu thị đặt hàng. Nhiều khi, một siêu thị chỉ đặt vài thùng hàng, tiền vận chuyển gần bằng tiền hàng.

Thứ hai là câu chuyện makerting. Chuyện đặt hàng là chuyện riêng của từng siêu thị chứ không phải hệ thống, ví dụ chỉ có 2/10 siêu thị Big C đặt hàng, nhà cung cấp không thể đi quảng cáo là hàng của tôi đã vào được hệ thống Big C, bởi nếu khách hàng tới 8/10 Big C còn lại và không thấy hàng của nhà cung cấp bày bán, chẳng khác nào lừa đảo.

Chưa nói, hầu hết siêu thị đều đổ tất cả chi phí bán hàng lên nhà cung cấp: ngoài chiết khấu chúng tôi còn chịu nhiều loại phí khác nhau như phí quầy kệ, khuyến mãi, quảng bá…”.

Thế nên, chuyện hàng Việt không thể lĩnh vị trí tiên phong trong hệ thống các đại siêu thị là trách nhiệm của nhiều bên: nhà nước chưa có sự hỗ trợ thích đáng, năng lực của các SMEs Việt còn thấp, các doanh nghiệp bán lẻ chỉ quan tâm tới doanh thu mà chưa có sự quan tâm đúng mực đến doanh nghiệp nước sở tại.

“Trong vài năm gần đây, có thông tin rằng, Big C đang lấy chiết khấu của hàng Việt cao hơn hàng Thái để chèn ép hàng Việt, mở đường cho hàng Thái. Nhiều người cho rằng, điều đó không công bằng.

Sự thật là chiết khấu của Big C cho hàng Việt có cao hơn Coop Mart một chút. Còn chiết khấu của hàng sản xuất từ Thái hoặc thương hiệu Thái như thế nào thì không ai biết. Tuy nhiên, kể cả khi cùng 1 mặt hàng, mà chiết khấu của hàng dính tới yếu tố Thái thấp hơn Việt Nam thì cũng chưa hẳn không công bằng. Bởi, tỷ lệ chiết khấu còn liên quan đến thương hiệu và khả năng bán chạy.

Rõ ràng, chất lượng trung bình của hàng Việt không thể hơn hàng Thái, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… trong khi mức giá gần bằng nhau, thì không thể oán trách các doanh nghiệp bán lẻ FDI vì sao lại chuộng ngoại hoặc ưu tiên tập đoàn lớn. Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi!”, một chuyên gia giấu tên trong ngành bán lẻ kết luận.