Hiệp định RCEP chính thức ký kết sau 8 năm đàm phán

Quỳnh Chi - 17:38, 15/11/2020

TheLEADERBộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến nhân dịp Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ tư vào sáng 15/11/2020.

Hiệp định RCEP chính thức ký kết sau 8 năm đàm phán
Chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và các nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. 

Hiệp định RCEP sau khi ký kết và thực thi sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn, quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu và là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Đây là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tự do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác.

Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và mua sắm của chính phủ. 

Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam và các nước ASEAN.

Việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP sẽ góp phần đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình định hình cấu trúc khu vực do RCEP là liên kết kinh tế khu vực có quy mô lớn nhất mà ASEAN đóng vai trò dẫn dắt cho đến nay.

Được biết, Hiệp định RCEP là sáng kiến đầu tiên do ASEAN đề xuất và được các nước đối tác ủng hộ. Các cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia).

Việc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand với trình độ phát triển kinh tế khác nhau là việc không hề dễ dàng.

Tại hội nghị cấp cao RCEP lần thứ ba diễn ra vào tháng 11/2019 tại Thái Lan, tất cả 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP đã nhất trí ra Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về việc 15 nước (không bao gồm Ấn Độ) đã kết thúc đàm phán toàn bộ 20 chương của hiệp định và kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường. 

Bộ trưởng các nước thành viên RCEP ghi nhận Ấn Độ không có khả năng ký hiệp định RCEP vào năm 2020 cùng với các quốc gia ký RCEP và thừa nhận vai trò chiến lược của Ấn Độ khi trở thành một bên của hiệp định RCEP trong việc hình thành một khu vực với chuỗi giá trị sâu rộng hơn phục vụ lợi ích của tất cả người dân trong khu vực và đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, bộ trưởng các nước thành viên RCEP khẳng định, Hiệp định RCEP để mở cho sự gia nhập của Ấn Độ kể từ ngày hiệp định có hiệu lực như quy định tại Điều 20.9 (gia nhập) của Hiệp định RCEP. 

Các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định tham gia. 

Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện.