Khởi nghiệp
Hóa giải xung đột giữa startup và nhà đầu tư
Bất đồng thường xảy ra giữa những nhà đầu tư “tham lam” và các startup còn “bảo thủ” hoặc làm việc thiếu minh bạch. Ở đó, sự tham gia của luật sư không chỉ giúp xử lý vấn đề hiện tại mà còn tiên liệu rủi ro tương lai, thúc đẩy văn hóa “cùng thắng” cho một thương vụ đầu tư thành công.
Năm ngoái, cộng đồng khởi nghiệp Đông Nam Á chứng kiến vụ kiện tụng ồn ào của nhóm nhà đầu tư công ty OnOnPay với Bùi Sỹ Phong, nhà sáng lập nền tảng thương mại điện tử Telio có trụ sở tại Việt Nam.
Toà án Singapore phán quyết rằng Telio được thành lập nhờ sử dụng các nguồn lực của OnOnPay, gồm nhân lực và mạng lưới kinh doanh và Phong “đã không hành động một cách trung thực và hợp lý” trong việc thành lập dự án mới có liên quan tới công ty trước.
Theo bản án, ông Phong đã xin hội đồng quản trị OnOnPay lập Telio và đề xuất chia cổ phần tại Telio cho các thành viên HĐQT. Sau đó, ông Phong liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng và giới thiệu rằng Telio là công ty con của OnOnPay nhưng không thông báo hoạt động gọi vốn cho các cổ đông của OnOnPay.
Tòa sau cùng yêu cầu Phong phải chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại Telio cho các nhà đầu tư của OnOnPay.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà sáng lập người Việt gây chú ý vì căng thẳng với nhà đầu tư. Nữ sáng lập chuỗi The KAfe Đào Chi Anh cũng gặp vấn đề khi ký vào bản thỏa thuận với nhà đầu tư nhưng không hiểu rõ hoàn toàn những điều khoản bất lợi với mình khi công ty phải đối mặt với vấn đề về định giá, buộc cô phải rời chuỗi nhà hàng này sau ba năm.
Luật sư, theo đó, thường tham gia vào quá trình hình thành bản hợp đồng đầu tư giữa startup và nhà đầu tư. Một luật sư có kinh nghiệm sẽ không chỉ giải quyết những vấn đề pháp lý hiện tại của quá trình này, mà còn có thể tiên liệu những vấn đề có thể phát sinh về sau và giao tiếp với các bên của thỏa thuận để phòng tránh rủi ro.
“Làm việc với luật sư giống như chữa bệnh với bác sĩ. Nếu chữa sai thì chẳng khác nào giết chết doanh nghiệp đó”, luật sư Hoàng Minh Đức cho biết. Ông Đức là luật sư của hãng luật Duane Morris Vietnam và đã tham gia cùng các hoạt động startup và đầu tư mạo hiểm trong nước từ năm 2014.
Hiểu tâm lý của startup và nhà đầu tư
Mặc dù hoạt động đầu tư mạo hiểm (venture capital) được coi là một dạng của đầu tư tư nhân đổi cổ phần (PE), đa số các luật sư thiếu kinh nghiệm có thể vô tình áp dụng tư duy đầu tư kiểu PE vào thiết lập các tài liệu đầu tư mạo hiểm, gây nhiều bất đồng trong quá trình thương thảo.
Một số nhà đầu tư mới vào thị trường startup có thể quá “hiếu thắng” trong việc đòi hỏi nắm giữ cổ phần và quyền kiểm soát trong công ty, các nhà sáng lập do đó cũng trở nên “bảo thủ” hơn khi đàm phán với nhà đầu tư.
Có 20 năm kinh nghiệm chuyên môn trong tư vấn luật cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như mua bán và sáp nhập, ông Đức nhận thấy các quỹ đầu tư tư nhân PE chủ yếu mua các công ty trưởng thành nhưng có thể đang hoạt động thiếu hiệu quả trong khi quỹ mạo hiểm VC thường đầu tư vào các startup giai đoạn sớm và có tiềm năng tăng trưởng nhanh.
Sau quá trình mua bán, quỹ tư nhân giúp tối ưu hóa vận hành và cải thiện lợi nhuận, đồng thời hướng tới nắm quyền kiểm soát công ty. Trong khi đó, quỹ VC có cổ phần của startup nhưng vẫn trao quyền tự chủ và phát triển mô hình kinh doanh cho nhà sáng lập và đội ngũ quản lý.
“Một mặt, VC là bạn của startup, họ không có lý do gì để cản trở sự phát triển tốt của công ty cả bởi họ cũng cần cho thấy hiệu quả đầu tư của mình với các nhà đầu tư vào quỹ .”.
“Mặt khác, nhà sáng lập cũng là linh hồn và nguồn năng lượng của startup, do đó nếu họ không hài lòng với thỏa thuận, công ty đó chắc chắn sẽ gặp vấn đề và việc này không có lợi gì cho VC”, ông Đức nhấn mạnh.
Thực tế, trong khi đa số quỹ đầu tư đã hình thành các bản thoả thuận theo chuẩn và hợp lý, các startup vẫn cần hiểu rất rõ những điều khoản mà mình đặt bút ký. Vị luật sư cho rằng, các startup Việt cũng cần loại bỏ phong cách làm kinh doanh thiếu minh bạch, chẳng hạn “ký như vậy nhưng làm không như vậy”. Việc này châm ngòi cho những sự kiện căng thẳng gần đây và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh startup Việt nói chung.
“Những sự việc như vụ Telio thúc đẩy cộng đồng nhìn lại mình và đồng thời gửi đi một thông điệp rằng bất cứ ai không hành xử theo luật sẽ phải trả giá đắt”, ông Đức nói.
Vì lý do đó, startup, nhà đầu tư, và luật sư cần thấu hiểu được văn hóa “cùng thắng” này để có thể rà soát các tài liệu giao dịch theo hướng ngăn chặn những xung đột có thể xảy ra giữa các nhà đầu tư có phần “tham lam”, “hiếu thắng”, với các chủ doanh nghiệp còn “bảo thủ về mặt tài chính” hay thiếu minh bạch, từ đó tư vấn loại bỏ những yêu cầu không phù hợp thực tế của bất cứ bên nào trong thỏa thuận.
Ở mặt tốt đẹp hơn, khởi nghiệp sáng tạo đang là một mảnh đất màu mỡ cho các luật sư để phát triển chuyên môn nghề nghiệp. Các startup Việt cũng đang bị định giá thấp trong một thị trường năng động gần 100 triệu dân cùng thương mại điện tử bùng nổ, đi kèm với nhiều lĩnh vực còn chưa phát huy hết tiềm năng như công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, hay công nghệ sức khỏe.
“Mình không nhìn vào giá trị của những hợp đồng đầu tư startup so với các thương vụ M&A hay FDI mà các luật sư của ta đã quá quen thuộc. Thay vào đó, giao dịch trong các thương vụ đầu tư mạo hiểm vào startup gồm rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, thay đổi nhanh và có yếu tố xuyên biên giới, đòi hỏi các nhà tư vấn luật có cách tiếp cận bài bản và kinh nghiệm dồi dào”, ông Đức nói.
Thực tế, nếu một luật sư có thể đồng hành cùng startup hoặc quỹ đầu tư từ những ngày đầu, thậm chí với chi phí rất nhỏ, họ thường được giới thiệu và lựa chọn để tham gia các vòng gọi vốn lớn tiếp sau đó cũng như xử lý các vấn đề pháp lý trong kinh doanh khác của doanh nghệp như nhân sự, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp,...
Ở Thung lũng Silicon, các hãng luật còn tạo những gói dịch vụ chuyên cho startup hoặc thậm chí có thể trở thành một dạng nhà đầu tư thiên thần cho những startup tiềm năng.
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động tư vấn luật vẫn nằm trong tay các hãng luật tại Singapore do các công ty startup Việt có xu hướng thành lập tại đây.
Cải thiện môi trường kinh doanh sáng tạo còn non trẻ
Còn nhiều bất đồng khác trong cộng đồng nhưng chưa được đưa ra công chúng. Một trong những vấn đề thường gặp là các startup Việt buộc phải thành lập pháp nhân ở nước ngoài để nhận vốn đầu tư từ nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, việc phải xin giấy phép đầu tư nước ngoài và chứng minh nhiều thủ tục hành chính khác mất rất nhiều thời gian, không phù hợp với thực tiễn vận hành doanh nghiệp startup.
Mặt khác, nếu nhà đầu tư muốn rót tiền vào startup trong nước, họ sẽ cần xin nhiều thủ tục đầu tư và đồng thời khó khăn hơn khi thoái vốn. Ngược lại, nếu thành lập công ty ở Singapore thì quy trình đơn giản hơn và các quỹ đầu tư cũng có nhiều ưu đãi hơn.
Bên cạnh đó, sự ra đời của những quy định mới như nghị định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo năm 2018 cũng đang tạo ra những thực hành mới trong lĩnh vực này, đòi hỏi các quỹ mới thành lập trong nước cần nắm vững quy định để tránh vô tình làm trái pháp luật.
“Dù cộng đồng startup và đầu tư mạo hiểm phải đối mặt với rất nhiều thử thách nhưng vẫn đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy ở Việt Nam. Các luật sư đã thấu hiểu hoạt động của startup là những chuyên gia có thể đồng hành và đóng góp đáng kể cho hệ sinh thái còn non trẻ này, đặc biệt là khi hành lang pháp lý vẫn chưa đủ trưởng thành và thân thiện đối với sự phát triển của các hoạt động mạo hiểm”, ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ (SwissEP) tại Hà Nội và miền Trung, nhận định.
Một hành lang pháp lý chưa hoàn thiện hoặc chưa rõ ràng sẽ cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp có tác động tích cực với xã hội. Các chủ thể của hệ sinh thái do đó đã chung tay tham gia vào quá trình xây dựng mới các quy định hoặc loại bỏ các rào cản pháp lý trong lĩnh vực này nhiều năm qua.
Nhóm các chuyên gia về khởi nghiệp, nhà đầu tư, và luật sư đã tích cực tham gia thảo luận với các nhà làm luật và chuyên gia, đóng góp đáng kể vào các thay đổi quan trọng như xóa bỏ một điều trong luật hình sự mà ngăn cản các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chưa được quy định trong luật, hay ưu đãi thuế cho doanh nghiệp phần mềm, cũng như ban hành nghị định về thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Tại hội nghị đối tác Swiss EP năm 2022 tại Phú Quốc, ông Đức cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tư vấn các thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các mảng chưa được quy định rõ ràng như mua trước trả sau hay tiền mã hóa. Theo đó, vai trò của luật sư là hỗ trợ startup và các chủ thể khác có thể vận hành hiệu quả và hợp pháp thậm chí trong một hành lang pháp lý còn những điểm mơ hồ hoặc hay thay đổi.
Trong bối cảnh đó, bản thân các đối tượng trong hệ sinh thái cũng cần nâng cao năng lực và hiểu biết về pháp lý của mình. Ba tháng qua, ông Đức tham gia vào chương trình Entrepreneurs-in-residence (EIR) của Swiss EP để đồng hành cùng tổ chức Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE Vietnam) nhằm bổ sung kiến thức đầu tư startup về mặt lý thuyết và thực tiễn cho nhân sự cấp cao của WISE.
“Dù chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức những khóa tăng tốc cho các startup nữ với các buổi đào tạo từ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả pháp lý, tôi tin rằng các thành viên của WISE với tư cách là một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sau khi được đào tạo cùng với luật sư có thể đồng hành, hỗ trợ các startup về các vấn đề pháp lý cơ bản một cách sát sao hơn trong quá trình gọi vốn đầu tư của họ”, chị Từ Thu Hiền, giám đốc WISE chia sẻ.
Đây chỉ là một trong những hoạt động thườn xuyên của cộng đồng luật sư hỗ trợ startup với nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tất cả mong muốn xây dựng một tầng lớp tư bản mới ở Việt Nam có khát vọng thay đổi và phát triển dựa trên sáng tạo và tài sản trí tuệ.
“Chứng kiến những doanh nhân phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan trong việc muốn làm thứ gì đó lớn lao nhưng lại thiếu nguồn lực, tôi hy vọng có nhiều luật sư và doanh nghiệp hơn nữa có thể đóng góp và hỗ trợ startup mà tạm thời bỏ qua những lợi ích tài chính ban đầu”, ông Đức nói.
Thúc đẩy văn hoá mở trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Khơi dậy nội lực bên trong startup
Chương trình Huấn luyện đổi mới sáng tạo S-Growth (SIC) đã bước sang mùa thứ 2, tiếp tục sứ mệnh đào tạo kỹ năng huấn luyện cho những cán bộ nguồn để trở thành những huấn luyện viên quốc tế góp sức xây dựng và đồng hành với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Điều gì khiến các tập đoàn lớn góp vốn vào ThinkZone Fund II
Đầu tư vào các startup là cánh tay nối dài của các tập đoàn truyền thống khi chúng mang đến cho họ những cơ hội hợp tác hoặc mua bán sáp nhập các sáng kiến đổi mới mà không cần phải có một bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô.
Việt Nam là điểm đến của đầu tư khởi nghiệp
50 quỹ đầu tư hoạt động tại 6 nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á đang hướng sự ưu tiên của mình vào Việt Nam trong 12 tháng tới.
Quỹ đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam tăng 'nóng'
Trong năm 2019, có 61 quỹ đầu tư, phần lớn là nước ngoài, có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018.
Nhà đầu tư miền Bắc 'săn hàng' căn hộ khu tây TP. HCM
Khu đô thị vệ tinh phía tây TP. HCM đang lọt tầm ngắm giới đầu tư phía Bắc trong bối cảnh giá bất động sản tại Hà Nội và TP. HCM vận động trái chiều.
Thêm 521 biệt thự, nhà phố tại Aqua City được phép mua bán
521 căn biệt thự, nhà phố tại Aqua City được phép mua bán, nâng tổng số căn được ký hợp đồng trong hai đợt xác nhận gần đây lên 1.273 căn.
Ngoại giao kinh tế là động lực mới trong kỷ nguyên mới
Ngoại giao kinh tế là động lực mới, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng, mở rộng hợp tác toàn diện trong kỷ nguyên phát triển mới.
Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận 'Mắc ca Sơn La'
Xây dựng nhãn hiệu mắc ca Sơn La mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, địa phương, xác lập cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm.
Menas lên kế hoạch mở 4 siêu thị Mena Gourmet Market
Công ty Menas vừa chính thức khai trương Mena Gourmet Market, một siêu thị tích hợp cao cấp tại tầng B1 Menas Mall Saigon Airport, gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Kinh doanh tích cực, TPBank được kỳ vọng tăng trưởng cao
Hoạt động hiệu quả, quản lý chi phí chặt chẽ và chủ động kiểm soát rủi ro, TPBank tiếp đà tăng trưởng vững vàng với nhiều chỉ số kinh doanh ấn tượng và được các đơn vị xếp hạng cao.
Thương hiệu Nhật Bản vận hành dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại CaraWorld Cam Ranh
Thương hiệu spa đến từ Nhật Bản vừa ký kết hợp tác với KN Cam Ranh để vận hành dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại CaraWorld Cam Ranh.