Hội đồng quản trị cần giám sát chất lượng báo cáo tài chính

Quỳnh Chi - 11:32, 07/03/2022

TheLEADERBan giám đốc công ty có trách nhiệm lập báo cáo tài chính trong khi HĐQT có trách nhiệm giám sát và đảm tính trung thực và hợp lý của các dữ liệu và thông tin được thể hiện trong báo cáo tài chính trước khi được công bố ra thị trường.

Đối với việc xây dựng và phát triển một doanh nghiệp, công tác quản trị đóng vai trò sống còn nhưng có thể thấy, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp đã hình thành lâu năm thì vẫn còn thực hiện khá bản năng, chủ yếu quản trị dựa trên kinh nghiệm. Trong đó, sự mập mờ, thiếu kiến thức về vai trò của ban điều hành và HĐQT trong việc công bố thông tin báo cáo tài chính được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.

“Nhiều khi tôi giật mình không biết HĐQT công ty nên hoạt động như thế nào. Cái thuận lợi là tôi có nhiều năm làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc nên cảm thấy mình giám sát chặt mọi việc, nhưng cái đó chưa chuyên nghiệp”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE) cho biết tại sự kiện Directors Talk do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức mới đây.

Bà cho biết, khi tiếp xúc với những kiến thức quản trị chuyên nghiệp, bà mới nhận ra là công ty chỉ mới có một số văn bản để đảm bảo kiểm soát quy trình, vận hành hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng cũng như thấy được các điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để kịp thời khắc phục.

Trong khi đó, trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư chưa được thể hiện trên các văn bản đầy đủ. Cho đến khi tiếp cận với VIOD, bà mới kịp thời bổ sung để thực hiện đúng trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư và tránh được các rủi ro.

Mập mờ vai trò trong công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE)

Phân định vai trò của HĐQT và ban điều hành về công bố thông tin 

Chất lượng công bố thông tin là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong việc giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Việc công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm giải trình của HĐQT các công ty đại chúng, niêm yết.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các nguyên tắc và thông lệ tốt về quản trị công ty của OECD, HĐQT có trách nhiệm đảm bảo tính trung thực của hệ thống báo cáo kế toán và tài chính của công ty, kể cả báo cáo kiểm toán độc lập. 

HĐQT cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng các hệ thống kiểm soát phù hợp luôn hoạt động, đặc biệt là các hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát tài chính và hoạt động, tuân thủ theo pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan.

Trong khi đó, ban điều hành hay ban giám đốc là người chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính. Họ cũng là người đảm bảo hoạt động hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ và các quy trình liên quan. Ban điều hành tương tác hàng ngày với kiểm toán viên độc lập trong quá trình kiểm toán để đảm bảo hoàn thành kiểm toán. Ban điều hành có thể liên hệ với các công ty dịch vụ khác, chẳng hạn như các công ty kế toán, tham gia để thực hiện một số nhiệm vụ trên.

Như vậy, nhìn một cách tổng quát, ban giám đốc công ty có trách nhiệm lập báo cáo tài chính trong khi HĐQT có trách nhiệm giám sát và đảm bảo tính trung thực và hợp lý của các dữ liệu và thông tin được thể hiện trong báo cáo tài chính trước khi được công bố ra thị trường.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD, nhà sáng lập và thành viên HĐQT AFA Research & Education, không nhiều thành viên HĐQT của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam tham gia vào quá trình này.

“Cái mà nhiều khi khiến cho các thành viên HĐQT không có khả năng tham gia vào quá trình giám sát, đảm bảo chất lượng của báo cáo tài chính trước khi công bố thông tin ra thị trường là do thiếu công cụ”, ông Long nói.

Nói về các công cụ và phương pháp thực thi vai trò của thành viên HĐQT, ông Long lưu ý đến bản thảo luận phân tích của ban giám đốc về báo cáo tài chính (MD&A) với ba nội dung trọng yếu.

Một là, ban giám đốc công ty phân tích các chính sách và các ước tính kế toán trọng yếu trước khi lập ra báo cáo tài chính với các khoản mục như: dự phòng, ghi nhận doanh thu, tổn thất tài sản, các điều chỉnh hồi tố….

Hai là, ban giám đốc phân tích tình hình tài chính và kết quản hoạt động. 

Ba là, ban giám đốc phân tích vấn đề nguồn vốn và tính thanh khoản.

Tuy nhiên theo ông Long, tại Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều HĐQT tiếp cận được ba nội dung trọng yếu này của MD&A trước khi báo cáo tài chính được công bố. Trong khi đó, với các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp niêm yết ở các thị trường phát triển, bản MD&A là tài liệu cực kỳ quan trọng để giúp HĐQT có góc nhìn và sự kiểm soát tốt nhất đối với báo cáo tài chính trước khi được công bố ra ngoài.

Chẳng hạn, bản MD&A là nội dung bắt buộc phải công bố thông tin trong báo cáo thường niên của các công ty niêm yết tại Mỹ theo quy định của Uỷ ban chứng khoán Mỹ (SEC) và HĐQT phải soát xét MD&A trước khi công bố báo cáo tài chính. Theo đó, HĐQT cho ý kiến rằng các vấn đề liên quan đến chất lượng thông tin của báo cáo tài chính được công bố bao gồm ba yếu tố trên có thực sự phản ánh trung thực hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp hay không.

“Nhưng với các quy định hiện hành tại Việt Nam, trong phụ lục 3 của Thông tư 96 về công bố thông tin thì các quy định về công bố thông tin trong báo cáo liên quan đến nội dung này sẽ thiên về nội dung thứ 2 và thứ 3 là phân tích báo cáo thay vì các yêu cầu về chất lượng báo cáo tài chính trước khi được công bố”, ông Long cho biết.

Thành viên hội đồng quản trị mất khả năng giám sát chất lượng báo cáo tài chính 2
Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD, nhà sáng lập và thành viên HĐQT AFA Research & Education

Đồng ý về trách nhiệm của HĐQT trong vấn đề giám sát, tuy nhiên, bà Thanh cho rằng một trường hợp xảy ra là nhiều doanh nghiệp dù lớn nhưng HĐQT không trực tiếp, thường trực tại doanh nghiệp mà mỗi năm chỉ họp vài lần nên không giám sát được. Điều này ngoại trừ các cổ đông lớn có thể quan sát kỹ, nhưng tính chuyên nghiệp cũng chưa cao.

“Vấn đề hiện nay là nhiều công ty có quy mô rất lớn, HĐQT có uỷ ban này khác nhưng tôi không biết các công ty niêm yết có thành viên HĐQT thường trực hay không, ngân hàng thì có, còn các công ty lĩnh vực khác thì hình như không có hoặc HĐQT cũng tin tưởng giao hết cho ban điều hành thì giám sát cũng rất khó”, bà Thanh nói.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) thông tin, trong quy định của pháp luật hiện hành không bắt buộc doanh nghiệp có uỷ viên HĐQT thường trực nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể quy định trong điều lệ nếu không trái pháp luật.

Còn theo ông Vũ Quang Thịnh, Thành viên HĐQT VIOD, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dynam Capital, hầu hết doanh nghiệp ở Việt Nam có uỷ viên HĐQT kiêm nhiệm. Sự tham gia của họ vào công tác điều hành cũng cho thấy sự thường trực của họ tại công ty. 

Ông Thịnh cho rằng, giả định tất cả thành viên HĐQT không tham gia điều hành thì doanh nghiệp đó sẽ cần một uỷ viên HĐQT thường trực.