"Hồi sinh" mỏ sắt Thạch Khê: Quá nhiều hệ lụy?

Thu Phương - 07:00, 31/07/2017

TheLEADERLiên quan đến việc tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhiều nhà khoa học tỏ ra lo ngại hệ lụy ô nhiễm môi trường gây ra từ dự án này.

"Hồi sinh" mỏ sắt Thạch Khê: Quá nhiều hệ lụy?
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tại hội thảo Góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề "nên hay không nên" tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê!

Ba lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê

GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam

GS. TSKH Đặng Trung Thuận

"Theo các tư liệu trong hồ sơ dự án, có thể nhận thấy rằng, hiệu quả kinh tế của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa rõ ràng, trong khi đó lại để lại những hậu quả môi trường và xã hội rất nghiêm trọng như: Tạo ra các bãi đổ đất đá thải mỏ lớn nhất Việt Nam ở vùng ven biển Hà Tĩnh; Vấn đề môi trường phát sinh do đổ thải, nước thải mỏ, tháo khô mỏ; Nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển huyện Thạch Hà; Cuộc sống của hàng vạn người dân khi di dời tái định cư và các vấn đề xã hội khác.

Ba phương án cho mỏ sắt Thạch Khê, tương ứng là việc lựa chọn đánh đổi giữa kinh tế và môi trường:

Phương án 1: Nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro. Theo phương án này cái được là tiếp nối những công việc đã làm như đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 đến cốt -34m; đã giải ngân đến tháng 11/2016 là 1.589,59 tỷ đồng; đã đúc rút được kinh nghiệm của giai đoạn khai thác thử nghiệm.

Cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro như nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội… Trong khi đó, việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Phương án 2: Chấm dứt hoạt động khai thác, cam chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra. Theo phương án này cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất là phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu (1.589,59 tỷ đồng), mà việc dựa vào kinh doanh khác để bù lại là không phải dễ dàng.

Phương án 3: Tạm dừng hoạt động của dự án. Tức tạm dừng dự án một thời gian cho đến khi những vấn đề về môi trường, tự nhiên và xã hội có phương thức xử lý hiệu quả; các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục. 

Cái được lớn nhất của phương án này là tránh được những rủi ro không mong muốn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cả xã hội trong thời gian 52 năm dự án, đảm bảo dự án thực sự có lãi khi hội tụ đủ các điều kiện " thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Đến thời điểm hiện tại, đây là phương án khả thi nhất. 

Bởi, trước đó, khi xảy ra sự cố môi trường Formosa, tại Hội nghị trực tuyến về môi trường ngày 24/08/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định: “Không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt”.

"Nếu không phê duyệt nhà máy xử lý kẽm thì không nên phê duyệt dự án khai thác này"

PGS.TS. Phùng Mạnh Đắc, Viện Khoa học công nghệ Mỏ

"Khai khoáng không phải là ngành công nghiệp phát triển bền vững, tuy nhiên, đặt trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, đây là ngành công nghiệp cần thiết. Vấn đề ở đây là chúng ta khai thác như thế nào. Theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá dự án, chưa thể có kiến nghị dừng hẳn dự án ở thời điểm này vì không có cơ sở.

Nếu không phê duyệt nhà máy xử lý kẽm thì không phê duyệt dự án khai thác này. Phương án tốt nhất là Công ty CP sắt Thạch Khê liên doanh với Pomina xây dựng nhà máy luyện thép ngay tại Hà Tĩnh để chế biến sâu quặng sắt Thạch Khê tại địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động trong tỉnh và đưa công nghiệp thép Việt Nam có bước phát triển cao hơn, sản xuất các loại thép đặc chủng".

Cần có giải pháp phòng ngừa sự cố môi trường

GS. TS Vũ Trọng Hồng, Đại học Thủy lợi

GS. TS Vũ Trọng Hồng tại hội thảo

"Dự án mỏ sắt Thạch Khê có điều kiện tự nhiên hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường… Vì vậy, cần có giải pháp cụ thể nhằm phòng ngừa các tai biến địa chất và sự cố môi trường.

Trong đó, chủ đầu tư dự án cần lập tiêu chuẩn xây dựng cho việc thi công khai thác quặng và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phê duyệt trước khi cho tiến hành mở móng. Cụ thể, một số kiến nghị như: loại bỏ phương án đổ thải ra bãi biển, do thay đổi hình dạng bờ, xáo trộn dòng chảy ven bờ, gây xói lở bờ vài chục km, hủy hoại môi trường ven bờ.

Cần thiết kế hố chôn lấp bãi thải, có chứa đá acid, tách biệt môi trường xung quanh, theo tiêu chuẩn nhà nước; Cần lập dự án riêng về hoàn trả môi trường với thời gian 30 năm sau khi kết thúc dự án khai thác quặng; Đảm bảo bờ hồ không bị sạt lở, trượt, chịu được tác động của động đất theo tiêu chuẩn xây dựng một hồ chứa thủy lợi – thủy điện cấp đặc biệt. Xử lý chất lượng nước trong hồ để có thể sử dụng được cho người, vật, cây".

Nên tạm dừng dự án để tiếp tục nghiên cứu

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

"Chưa nên khẳng định ngay việc nên tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay nên dừng vào thời điểm hiện tại. Bởi, mặc dù hiện cơ sở pháp lý của việc khởi công dự án là tương đối đầy đủ, nhưng dự án đang xuất hiện các yêu cầu mới về giải pháp bảo vệ môi trường, vấn đề xã hội phát sinh sau Formosa, vấn đề kinh tế và vốn đầu tư dự án... cần phải rà soát bổ sung.

Do đó, trước mắt, chủ đầu tư dự án cần phải nhanh chóng phối với các bên liên quan, đặc biệt các ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh để rà soát lại các phương án bảo vệ môi trường, tận dụng tài nguyên để bổ sung và cặp nhật báo cáo đánh giá tác động môi trường và quy định xả thải

Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với vai trò tư vấn phản biện khách quan, độc lập cần sớm tổ chức các hội thảo khoa học để lấy thêm ý kiến của các nhà khoa học thuộc một số lĩnh vực có liên quan của dự án.

Khi tất cả những câu hỏi đặt ra về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, an sinh xã hội của dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được làm sáng tỏ, khi đó, sẽ báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước để xin quyết định có nên tiếp tục triển khai dự án này hay không".