Khí sinh học dệt ‘chiếc áo mới’ cho chăn nuôi Việt Nam

Kiều Mai - 20:00, 11/01/2020

TheLEADERKhông chỉ tạo ra thay đổi trong cuộc sống của các hộ chăn nuôi, những công trình khí sinh học (biogas) cũng góp phần cải thiện môi trường nông thôn và giảm thải khí nhà kính.

Chăn nuôi là một trong những ngành nghề cổ xưa nhất ở nước ta và cho đến nay, vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình khắp các làng quê Việt Nam. Thế nhưng, cùng với dòng chảy của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao mục tiêu bảo vệ môi trường, chăn nuôi giờ đây đã được cải tiến, “bình cũ rượu mới”.

Mùi hôi thối của các chuồng trại từ lâu luôn là nỗi ám ảnh của những người tới thăm vùng nông thôn, khiến người dân sinh sống xung quanh không khỏi khó chịu mà nguyên nhân chính là do các chất thải chăn nuôi không được xử lý đúng cách.

Nhớ lại thời điểm trước đây, anh Hoàng Văn Huy tại huyện Bắc Quang, Hà Giang vẫn không khỏi ám ảnh mùi nồng nặc, hôi thối, cảnh phân lợn chất đống không biết chôn ở đâu.

Khi biết thông tin dự án ‘Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam’, anh đã tìm hiểu và quyết định lắp một chiếc hầm biogas nhằm giảm thiểu mùi cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mặc dù vùng đất phía sau nhà sụt lún, phải thuê thợ, thuê xe về đào tốn không ít chi phí, anh vẫn luôn hạnh phúc và tự hào mỗi khi nhắc đến công trình biogas.

“Nếu chia chi phí theo mức giá gas thông thường thì còn lâu mới khấu hao hết nhưng làm biogas thì mình được lợi về môi trường. Không còn mùi, môi trường không ô nhiễm là mình đã có lợi rất lớn”, anh Huy tâm sự.

Khí sinh học dệt ‘chiếc áo mới’ cho chăn nuôi Việt Nam
Yếu tố môi trường được nhiều người dân đặt lên hàng đầu khi lựa chọn lắp đặt hầm biogas.

Không chỉ anh Huy mà nhiều người dân khác đã sử dụng hầm biogas đều nhận thấy sự thay đổi trong cuộc sống. Họ không chỉ tiết kiệm được gas đun nấu, môi trường trong lành, mà còn tìm kiếm được nguồn năng lượng sạch và rẻ để sản xuất cây trồng và vật nuôi. Nhiều người dân còn trở thành nhà truyền thông, giúp lan tỏa giá trị của dự án đến những miền Tổ quốc.

Cảm nhận sâu sắc những lợi ích to lớn mà hầm biogas mang lại cho quê hương, La Đức Tài (thôn Hoa Sen, xã Ia Mrơn, huyện Iapa, tỉnh Gia Lai) dù mới 35 tuổi nhưng đã có hơn 16 năm trong nghề xây dựng hầm biogas và có lẽ nghề biogas đã cuốn lấy anh như một cái nghiệp không thể bỏ.

Gặp anh trong cái nắng như cháy da của miền Tây Nguyên đầy gió khi anh đang đi bảo trì hầm biogas cho người dân, anh tâm sự: “Cứ còn lợn là còn gas” nhưng cũng không giấu nổi những lo lắng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang ảnh hưởng nặng nề tại đây.

Anh là người đầu tiên nghiên cứu và xây thành công hầm biogas bằng bê tông thay thế kỹ thuật xây bằng gạch trước đó, giúp hầm biogas kín khí hơn, phù hợp với vùng có mạch nước ngầm cao và không có gạch đặc, không cần đào tạo thợ xây.

Chiếc hầm biogas khi đổ bê tông xong với cái khuôn sắt cứ sáng bóng cả một vùng, có người còn ví von nó giống như đĩa bay của người ngoài hành tinh bị mắc kẹt trong lòng đất hay chiếc hầm vũ trụ. Từ đó, anh Tài còn được gọi tên là người tạo ra “chiếc hầm biogas vũ trụ”.

Với anh Tài, có lẽ khát vọng mãnh liệt muốn đóng góp sức mình giúp quê hương ngày càng giàu đẹp hơn đã thôi thúc anh cần mẫn xây những hầm biogas đồng thời luôn học hỏi và sáng tạo ra kỹ thuật mới trong suốt bao năm qua. Cho đến nay, anh đã làm hơn 430 chiếc hầm biogas cho các hộ dân chăn nuôi nhỏ tại địa phương và đã được ban quản lý dự án khí sinh học nghiệm thu.

Một dự án vì con người

Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” ra đời vào năm 2003, được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản và Cục Chăn nuôi làm chủ dự án.

Được triển khai thực hiện từ năm 2003 – 2020 theo ba giai đoạn với cơ chế hỗ trợ tài chính lên tới hơn 2 tỷ đồng, dự án hiện đã hỗ trợ xây dựng hơn 179.000 công trình khí sinh học trên 58 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo khảo sát mới đây tại 688 hộ dân ở 20 huyện thuộc 18 tỉnh thành trên cả nước của Công ty CP tư vấn Epro, dự án án khí sinh học giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu đun nấu gần 2 triệu đồng/năm/hộ; bình quân một ngày mỗi công trình khí sinh học giúp tiết kiệm gần 7kg củi và hơn 1kg phụ phẩm nông nghiệp và 0,03kg gas.

Đồng thời giúp giảm tiêu thụ phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nhờ có phụ phẩm khí sinh học thay thế, cụ thể giảm 42,03kg phân hóa học và 1,25kg thuốc trừ sâu, tương đương với gần 400.000 đồng/năm.

Khí sinh học dệt ‘chiếc áo mới’ cho chăn nuôi Việt Nam 1
Xây dựng hầm biogas.

Về thời gian, công trình khí sinh học giúp tiết kiệm được thời gian khoảng 10 ngày/năm từ hoạt động đun nấu, dọn vệ sinh và các hoạt động thường ngày khác. Đối với môi trường, các hộ đều đánh giá 95% không còn mùi hôi từ vật nuôi giúp môi trường trong lành.

Các hộ có công trình khí sinh học đã sử dụng khí ga của công trình để đun, thắp sáng, chạy bình nước nóng, úm gia súc, gia cầm và chạy máy phát điện. Không chỉ tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của người dân, dự án cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môi trường nông thôn.

Việc sử dụng khí sinh học này thay thế cho sử dụng củi và nguyên liệu hóa thạch như than đá trong nông hộ đã góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tương đương 1,46 triệu tấn CO2/năm.

Cũng chính vì vậy, dự án đã vinh dự nhận được 3 giải thưởng danh giá của quốc tế trao tặng gồm giải thưởng Năng lượng toàn cầu tại Bỉ năm 2006, giải thưởng Năng lượng bền vững tại Anh năm 2010, Giải thưởng “Vì con người” tại Dubai, Các Tiểu vương Quốc A- rập thống nhất năm 2012.

Thương mại hóa việc giảm phát thải các bon

Trong bối cảnh nguồn vốn việc trợ ODA giảm dần và nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam rất hạn chế, dự án ‘Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam’ đã tìm cách thương mại hóa việc giảm phát thải các bon từ công trình khí sinh học nhằm tạo nguồn thu cho dự án thông qua hình thức bán tín chỉ các bon theo cơ chế tự nguyện.

Theo bà Lưu Ngọc Anh, Điều phối viên dự án, kể từ khi dự án đăng ký thành công với Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard (Tiêu chuẩn Vàng) năm 2012 đến nay, dự án đã thực hiện 3 đợt phát hành tín chỉ với tổng số hơn 2,3 triệu tín chỉ các bon (trong đó đã bán được hơn 1,7 triệu tín chỉ các bon tính đến hết năm 2019) ra thị trường quốc tế theo cơ chế tự nguyện và thu về gần 4 triệu Euro.

Doanh thu từ bán tín chỉ các bon đã đóng góp hơn 50% tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 3. Ngoài ra, số lượng tín chỉ đã ban hành của dự án này chiếm tới 10% tổng số tín chỉ các bon của Tổ chức Gold Standard chứng nhân trên toàn cầu kể từ khi thành lập.

Tại hội thảo chia sẻ kết quả điều tra giám sát các bon đợt 4, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi kiêm Giám đốc dự án cho biết, dự kiến tháng 3/2020, dự án sẽ phát hành thêm hơn 700 nghìn tín chỉ các bon để bán ra thị trường quốc tế.

Theo ông Chinh, việc phát hành tín chỉ các bon ra thị trường thế giới không chỉ có ý nghĩa về việc thế giới ghi nhận việc góp phần giảm phát thải khí nhà kinh để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và toàn cầu mà còn là nguồn lực đáng kể để tái đầu tư, phát triển Chương trình trong thời gian tới để đạt mục tiêu xây dựng 500.000 công trình đến năm 2020, góp phần giảm thải 1,46 triệu tấn CO2 mỗi năm.