Khó ép các doanh nghiệp bất động sản phòng chống rửa tiền

An Chi - 12:24, 18/07/2019

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, quy định doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện công tác chống rửa tiền của Bộ Xây dựng mặc dù có ý nghĩa tích cực song sẽ rất khó thực hiện.

Khó ép các doanh nghiệp bất động sản phòng chống rửa tiền
Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện công tác phòng chống rửa tiền

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị sở xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thực hiện báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới và các sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại các địa phương phải thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch.

Các doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật; rà soát, cập nhật quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, gửi quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trước ngày 1/8/2019.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền, lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên, đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố về các giao dịch bất động sản. Kết quả gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Phòng, chống rửa tiền trước ngày 1/9/2019.

Ngay sau khi Bộ Xây dựng văn ban hành quy định này đã gây nhiều thông tin phản ứng trái chiều trên thị trường bất động sản. Theo nhiều chuyên gia, không thể phủ nhận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là rất lớn, việc Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện công tác phòng chống rửa tiền mang tính tích cực, tốt cho thị trường.

Tuy nhiên, quy định này sẽ rất khó thực hiện do các giao dịch mua bán, chuyển nhượng  bất động sản rất khó kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản. Các nhà môi giới trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải học và thi sát hạch, đảm bảo đủ kiến thức về lĩnh vực này.

Thậm chí, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều chế tài đối với các hoạt động của những người làm dịch vụ, môi giới bất động sản chưa tuân thủ quy định pháp luật, trong đó có quy định chống rửa tiền. Các môi giới phải có trách nghiệm báo cáo các trường hợp giao dịch nghi là có hành vi này.

Song, theo ông Đính: "Các quy định về phòng chống rửa tiền đã rất rõ ràng nhưng việc thực hiện của các doanh nghiệp như thế nào thì lại là chuyện khác".

Vị chuyên gia này lấy ví dụ trong hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị sàn giao dịch bất động sản hiện nay, công việc phổ biến, thông thường nhất mà họ phải làm là báo cáo với sở xây dựng hàng tháng về việc họ bán sản phẩm gì, bán bao nhiêu họ còn chưa làm, chưa tuân thủ nghiêm túc.

Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp bất động sản này phải thực hiện công tác báo cáo lên cơ quan quản lý về công tác phòng chống rửa tiền - một nhiệm vụ khó hơn mà có khi an ninh còn chưa phát hiện ra chứ chưa nói đến môi giới, còn khó khăn hơn nhiều lần. 

Mặt khác, để phát hiện ra hành vi rửa tiền trong các giao dịch bất động sản cũng không hề đơn giản. Bởi các giao dịch mua bán ở Việt Nam vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, chưa bắt buộc giao dịch phải thông qua ngân hàng. 

Trong khi đó, nếu giao dịch bằng tiền mặt, sẽ không thể phát hiện được nguồn gốc của số tiền đó. Việc phát hiện rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong các giao dịch bất động sản của môi giới, sản giao dịch để báo cáo kịp thời lên sở xây dựng là bất khả thi.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, tại Việt Nam nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để biến tiền "bẩn" từ các hoạt động tội phạm, tham nhũng để đầu tư bất động sản nhằm rửa tiền.

Song, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn như bất động sản vẫn được thực hiện bằng tiền mặt, cơ chế giám sát còn chưa chặt chẽ dẫn đến tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển.

Để phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, ông Hiếu cho rằng, các quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản, giao dịch mua bán giá trị lớn phải thông qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Với cách làm này, khi tiền đã qua ngân hàng, các ngân hàng sẽ có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và báo cáo lên các cơ quan chức năng khi có sai phạm.

Về phía Hội Môi giới bất động sản, ông Đính ủng hộ quy định các doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện công tác phòng chống rửa tiền: "Đây là việc các doanh nghiệp phải làm nhằm giúp thị trường phát triển minh bạch, nhưng sẽ rất khó thực hiện và cần sự đồng bộ, chặt chẽ hơn của các cơ quan nhà nước trong quản lý hoạt động môi giới, sàn giao dịch".

Cụ thể, quy định về chống rửa tiền phải đi song hành với nhiều quy định khác như giao dịch không dùng tiền mặt, yêu cầu doanh nghiệp kê khai báo thuế đầy đủ, nghiêm túc. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quản lý chặt chẽ, mạnh tay hơn đối với các môi giới, sàn giao dịch bất động sản. Hiện nay, hoạt động của các sàn giao dịch còn rất lỏng lẻo, chưa tuân thủ pháp luật, ông Đính nhấn mạnh.