Khởi nghiệp cần nguồn tiền khôn ngoan

Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc điều hành Emakase - 09:45, 18/02/2024

TheLEADERQuản trị lấy nhân sự làm lõi, quản trị tài chính khéo léo và khôn ngoan cùng với việc đề cao sự hiểu biết, kinh nghiệm, mối quan hệ và sự ảnh hưởng của các nhà đầu tư trong hệ sinh thái là ba yếu tố quan trọng trong năm 2024 đối với các nhà khởi nghiệp nói riêng và những người làm kinh doanh nói chung.

Khởi nghiệp cần nguồn tiền khôn ngoan

Xu hướng dịch chuyển trong đầu tư mạo hiểm

Tại Việt Nam, hoạt động đầu tư mạo hiểm tiếp tục chững lại trong năm 2023, đánh dấu mức giảm hai năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong chín tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam chỉ đạt 427 triệu USD, giảm 13% và chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018.

Theo các số liệu báo cáo của Do Venture và NIC, ngoại trừ các vòng đầu tư giai đoạn sau, số lượng giao dịch cũng đã giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500 nghìn USD. 

Cùng với đó, giá trị đầu tư cũng giảm rõ rệt ở các vòng đầu tư giai đoạn đầu, cho thấy sự thận trọng và khắt khe của các nhà đầu tư ngay cả với các khoản đầu tư quy mô nhỏ. Trong khi giá trị trung bình của các vòng Pre-A và Series A tiếp tục tăng lên, giá trị trung bình của các vòng Series B giảm 44%, cho thấy một sự thay đổi trong ưu tiên đầu tư giai đoạn này.

Nếu như trước đó khi đánh giá các cơ hội đầu tư tiềm năng, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng ưu tiên các tiêu chí như tốc độ tăng trưởng nhanh và số thị phần trong thị trường thì ngày nay khi làm việc với các đối tác quỹ đầu tư, đội ngũ Emakase nhận ra rằng góc nhìn của họ đã có xu hướng dịch chuyển. 

Khi đánh giá một công ty, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố quyết định sự sống còn của công ty, ví dụ như bài toán đơn vị kinh tế (unit economics), biên độ lợi nhuận trên doanh thu, sự ổn định của dòng tiền, sử dụng chi phí tối ưu thay vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt với các công ty ở giai đoạn đầu. Thế nên, các nhà sáng lập doanh nghiệp cần tư duy nhiều hơn để chứng minh mô hình tăng trưởng bền vững và con đường đi đến điểm hoà vốn/có lợi nhuận của startup của mình.

Hơn nữa, các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm hơn đến những tác động rộng lớn hơn khi lựa chọn các startup, họ tìm kiếm các dự án kinh doanh phù hợp với các hoạt động có trách nhiệm xã hội và đóng góp tích cực cho cộng đồng hoặc môi trường. Các startup giải quyết những thách thức xã hội quan trọng, chẳng hạn phát triển bền vững hoặc bất bình đẳng xã hội, sẽ dễ được cộng điểm trong mắt các nhà đầu tư.

Cuối cùng, mối quan hệ nhà sáng lập - nhà đầu tư là một điểm chạm cực kỳ then chốt. Nhìn qua có vẻ đơn giản, trong đó các nhà đầu tư nắm giữ ảnh hưởng về nguồn tài chính cho startup và nhà sáng lập thì tập trung vào việc đưa công ty đi về phía trước. Nhưng trong thực tế, bên cạnh việc tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính, những startup khôn ngoan sẽ đề cao sự hiểu biết, kinh nghiệm, mối quan hệ và sự ảnh hưởng của các nhà đầu tư trong hệ sinh thái, thường được gọi là "nguồn tiền khôn ngoan".

Có được mối quan hệ với nhà đầu tư mang đến "nguồn tiền khôn ngoan" cũng là một thành tựu và chỗ dựa đáng tin cậy cho các startup trong giai đoạn khó khăn này.

Hàng loạt thách thức đang chờ đón

Bước sang năm mới 2024, các startup nói riêng và doanh nghiệp nói chung phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một là thách thức công nghệ, ngành công nghiệp Việt Nam mặc dù đã liên tục thu hút được nhiều dự án công nghệ cao trị giá hàng tỷ USD trong suốt 15 năm qua từ các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty trong nước vẫn thấy mình nằm ngoài chuỗi sản xuất trực tiếp của các đại gia bán dẫn.

Nhiều thương hiệu công nghệ toàn cầu đã xây dựng nhà máy và mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chất bán dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực sản xuất. 

Các doanh nghiệp trong nước cần tích cực chủ động học hỏi, nâng cao trình độ công nghệ và nhân lực, tiếp cận với các doanh nghiệp FDI để có thể tăng cơ hội nhận được nhiều lợi ích hơn từ chuỗi giá trị toàn cầu.

Hai là thách thức thị trường, một xu hướng quan trọng tiếp tục diễn ra trong năm 2024 là thắt chặt ngân sách, ở cả phía doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo khảo sát mới đây của PwC, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn với thói quen chi tiêu của mình.

Sau một giai đoạn biến động, các doanh nghiệp cũng trở nên thận trọng theo dõi và điều chỉnh chi tiêu để ứng phó với những bất ổn của thị trường. Điều này đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng tiền hiệu quả, đồng thời vẫn giữ các hoạt động trọng yếu diễn ra. Việc người tiêu dùng giảm sức mua đã dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh, tác động liên hoàn đến chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Ba là thách thức nguồn nhân lực, ngay từ giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024, hàng loạt công ty lớn, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, đã tiến hành một đợt sa thải nhân sự mới bước vào một giai đoạn khốc liệt hơn. Khi các công ty tập trung vào năng suất và tối ưu hoá những lĩnh vực họ có thể cắt giảm chi phí, thì các nhà quản lý cấp trung đương nhiên sẽ cảm nhận được sức nóng vì họ cũng là mục tiêu tiết kiệm chi phí đó.

Điều này dẫn tới một xu hướng mới với dòng luân chuyển nhân tài có tay nghề cao giữa các nước trong khu vực. Luân chuyển lao động là một đặc điểm nổi bật của thị trường lao động ASEAN, khi các nguồn nhân lực có tay nghề cao sẽ không bị giới hạn về mặt địa lý và thời gian khi tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp.

"Quản trị lấy nhân sự làm lõi"

Trong những giai đoạn khó khăn, một trong những yếu tố giúp những doanh nhân giữ được công ty đứng vững hay thậm chí phát triển là năng lực quản trị.

Trước hết, quản trị phải lấy nhân sự làm lõi. Trước những thách thức về lực lượng lao động nhiều mặt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các doanh nhân nên ưu tiên thực hiện các chính sách nhằm giải quyết các ưu tiên ngày càng tăng của nhân viên.

Một công việc có ý nghĩa và sự tin tưởng đối với nhà tuyển dụng là những yếu tố được săn đón, nhấn mạnh sự cần thiết của phương pháp lãnh đạo lấy con người làm trung tâm. Giữ chân nhân tài đòi hỏi phải nắm bắt được tính linh hoạt, minh bạch và công bằng. Nhận thức được sự kết hợp đa dạng giữa các thế hệ trong lực lượng lao động sẽ làm tăng thêm sự phức tạp, thúc giục người sử dụng lao động đáp ứng những kỳ vọng khác nhau.

Để thúc đẩy Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị, trọng tâm mang tính chiến lược là các hoạt động có giá trị gia tăng cao và cải thiện năng suất đóng vai trò quan trọng. Đầu tư vào nguồn nhân lực và công nghệ nổi lên như những ưu tiên hàng đầu, thúc đẩy một môi trường phù hợp với động lực thay đổi của lực lượng lao động.

Để đáp ứng sự thay đổi về ưu tiên nghề nghiệp của nhân viên, các doanh nhân nên thiết lập các chương trình kỹ năng đôi bên cùng có lợi nhằm mang lại lợi ích thực tế trong ngắn hạn và trung hạn. Kỹ năng cần được coi là một khoản đầu tư chiến lược để xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai, thay vì là giải pháp ngắn hạn cho những khoảng trống năng lực trước mắt.

Sự phổ biến của làm việc từ xa hoặc kết hợp ở châu Á - Thái Bình Dương cho thấy khả năng trở thành một xu hướng lâu dài. Các nhà lãnh đạo cần giải quyết rủi ro trong công tác quản trị nhân sự bằng cách áp dụng cách tiếp cận trao quyền, cho phép nhân viên chủ động sắp xếp công việc của họ, nên có sự tin tưởng trong việc hình thành các mối quan hệ bền vững.

Quản trị tài chính cần khéo léo và thực tế. Trong tình hình thị trường bấp bênh hiện nay, các nhà quản trị, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao năng lực quản trị tài chính đặc biệt khi chuẩn bị cắt giảm hoặc mở rộng quy mô. 

Vì quản trị hoạt động tài chính doanh nghiệp có chức năng cơ bản là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tài chính phù hợp với yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ.

Doanh nghiệp sẽ không lập ra được một kế hoạch tài chính hiệu quả khi không tìm ra được đáp án cho câu hỏi: Đầu tư vào đâu và như thế nào là phù hợp nhất với mô hình kinh doanh với nguồn lực hiện có? Nguồn vốn tài trợ được huy động ở đâu, vào thời điểm nào, với cơ cấu vốn như thế nào là tối ưu và chi phí vốn thấp nhất?